Không in tiền lẻ mới, điểm đổi hét phí "trên trời"

25/12/2020 - 16:57

PNO - Thông tin Ngân hàng Nhà nước sẽ không in tiền mới có mệnh giá nhỏ trong dịp tết Tân Sửu khiến phí đổi tiền mới để lì xì cao hơn mọi năm.

Hằng năm, các điểm đổi tiền lẻ thường dựa vào động thái từ các ngân hàng để đưa ra mức phí đổi. Ngày 24/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, sẽ không in tiền mới có mệnh giá nhỏ trong dịp tết Tân Sửu này. Do vậy, phí đổi tiền mới để lì xì năm nay sẽ cao hơn mọi năm.

Tại một điểm đổi tiền mới ở P.Linh Đông, Q.Thủ Đức, TP.HCM, chủ đại lý thừa nhận nhu cầu đổi tiền có xu hướng giảm và càng giảm hơn do dịch bệnh, nhưng mức phí đổi lại tăng. Người này nói thêm: “Năm rồi, người ta còn đổi tiền 5.000, 10.000, 20.000 đồng; năm nay, khách thích đổi tiền mới có mệnh giá từ 50.000 đồng trở lên để lì xì nên giáp tết, nhu cầu đổi tiền mệnh giá này có thể tăng mạnh. Còn với tiền để đi chùa, người ta không còn quan tâm mới, cũ nữa”.

Thông thường, mệnh giá càng nhỏ, mức phí đổi càng lớn. Chẳng hạn, phí đổi tờ 500 đồng tại doitiensaigon.com là 200%, còn tại shop Tiền Lì Xì Tết là 270%. Chủ một số điểm đổi tiền cho rằng, do kinh tế năm nay khó khăn nên mức phí đổi giảm; mọi năm, thời điểm này, mức phí đã lên 300%. 

Thực tế, NHNN Việt Nam đã ngưng in tiền mệnh giá nhỏ vào dịp tết từ năm 2013 đến nay. Theo bà Lê Thị Thanh Hằng - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM - cho biết NHNN chỉ tạm ngừng in tiền mệnh giá từ 10.000 đồng trở xuống kể từ tháng 11 hằng năm, qua tết mới phát hành trở lại. Chủ trương này đã được thực hiện từ năm 2013 đến nay nhằm hạn chế việc người dân đổi tiền đem rải tại chùa và lễ hội. Nhưng trong năm, tức là kể từ sau tết, tiền mệnh giá từ 10.000 đồng trở xuống vẫn được in bình thường để phục vụ nhu cầu chi trả, lưu thông. Cũng do tiền mệnh giá nhỏ ít quay trở lại ngân hàng hơn so với tiền mệnh giá lớn, từ năm 2019 đến nay, số lượng tiền mệnh giá nhỏ được phát hành mỗi năm nhiều hơn so với năm 2018.

Với các tiền mệnh giá khác, NHNN vẫn đưa ra một lượng tiền mới nhất định để đổi cho các ngân hàng thương mại. Hiện NHNN chi nhánh TPHCM đã nhận được nhiều tờ khai đăng ký số lượng đổi tiền của các ngân hàng thương mại. Người dân có tài khoản tại ngân hàng nào thì đến ngân hàng đó để đổi tiền với số lượng nhất định và không phải tốn phí. 

“Việc đổi tiền ở “chợ đen” là tiếp tay cho các đối tượng hoạt động phi pháp. Theo quy định, hành vi đổi tiền có thu phí là vi phạm pháp luật, cá nhân vi phạm bị phạt từ 20-40 triệu đồng, tổ chức vi phạm bị phạt gấp đôi. Mỗi năm, NHNN chi ra rất nhiều tiền mệnh giá nhỏ; nếu có nhu cầu, người dân có thể đến ngân hàng đổi rồi để dành, không nhất thiết phải đợi đến tết mới đổi” - bà Hằng nói.

 Hoa Lài

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI