Tranh cãi về sách giáo khoa lớp Một vẫn chưa có hồi kết. Rõ ràng, “hoàn cảnh đặc biệt” từ việc thay sách đã khiến phụ huynh phải bước khỏi vị trí thực sự của mình để lên tiếng về sách giáo khoa - một sản phẩm thuộc trách nhiệm của hệ thống giáo dục. Vậy, vai trò thực sự của phụ huynh là gì? Một đứa trẻ đang tuổi ăn học cần điều gì ở cha mẹ? Nếu không trả lời rốt ráo câu hỏi này, cả phụ huynh lẫn hệ thống giáo dục đều sẽ cướp mất của con trẻ một nguồn trợ giúp chính đáng và cần thiết trên đường học.
Căng là do phụ huynh
Năm nay, con tôi vào lớp Một. Cháu là đứa bé hiếm hoi mù chữ hoàn toàn trước khi đi học chữ. Do năm lớp Lá vừa rồi “dính” COVID-19 nên phần làm quen mặt chữ ở bậc mầm non coi như “không tính”.
Trong khi đó, các bạn cùng lớp đã được cha mẹ dạy chữ hoặc “vượt COVID-19” đi học chữ bên ngoài. Một số bé khác tiếp cận với ti vi hoặc YouTube nên có thể nhớ mặt chữ. Nhà tôi không có ti vi, con tôi không dùng thiết bị công nghệ, tức về chữ, con tôi có xuất phát điểm bằng không.
Vậy nhưng, trong mọi cuộc tranh cãi về giáo dục, tôi luôn có cảm giác mình phải “vận động” phụ huynh khác bình tĩnh lại, quan sát rộng ra, nghe nhiều chiều hơn. Như chuyện thời sự nóng hổi là chương trình sách giáo khoa (SGK) lớp Một mới. Tôi đọc bộ sách Cánh diều từ sớm, trước khi mạng xã hội làm ầm lên. Do làm xuất bản nhiều năm, tôi nhanh chóng phát hiện những hạt sạn của khâu thẩm định và biên tập, không chỉ trong từng bài học, từng trang sách mà cả sự bất cập của tiến độ dạy.
Tuy vậy, tôi không quá sốt ruột. Mỗi buổi đón, tôi chỉ hỏi con: “Đi học vui không con?”, “Bạn bè mới thế nào?”, “Có gì cần mẹ giúp thì nói nhé”. Với một số chữ khó trong sách như “bễ”, “đe”, “bia”… tôi biết giáo viên không dễ mà giải nghĩa. Tôi kể chuyện, bổ sung thêm ngữ nghĩa và cách dùng cho con. Tất cả chỉ diễn ra trong cuộc trò chuyện trên đường từ trường về nhà. Hết sức vui vẻ, tự nhiên.
|
Phụ huynh khổ sở vì phải đưa đón con đi học lại vừa phải dạy kèm cho trẻ. Ảnh mang tính minh họa: Internet |
Buổi tối, tôi thấy con ê a đánh vần, cười reo thích thú. Nếu rảnh, tôi giúp con đọc hoặc đánh vần thêm vài chữ lạ để bé biết nội dung câu văn. Cuối tuần, dẫn con đi nhà sách, tôi cho con tự tìm các chữ đã học để thử đánh vần, con rất vui thú khám phá những chữ này trên các nhãn sản phẩm, bìa sách…
Mỗi ngày, cô sẽ nhắn bản yêu cầu vào group Zalo của lớp. Theo đó, phụ huynh phải hướng dẫn con em đọc, làm toán, phải viết mẫu cho các em luyện viết từ 6 tới 10 dòng. Thật là công việc thử thách; lỡ chúng tôi viết sai, đọc sai thì sao? Chúng tôi đâu có được đi tập huấn để dạy lớp Một? Chưa kể, phụ huynh còn bao việc phải làm, giả sử tôi phải chạy Grab, phải buôn bán vỉa hè đêm, hay trực sản xuất ở nhà máy thì sao?
Quan trọng hơn, tôi chọn phương pháp không cho học trước là để con háo hức với kiến thức mới và điều ấy đang hiệu quả. Chọn phương pháp không làm bài tập hay ôn bài cùng con là tôi “thả”, để con biết việc học là của mình và phải rèn tính tự giác. Những điều ấy sẽ giúp con suốt hành trình học tập dài lâu sau này. Con có thể tự ngồi vào bàn, một mình làm việc của mình thay vì ỷ lại, chờ người khác. Cha mẹ buổi tối được nghỉ ngơi, thả lỏng, không phải nhắc nhở, quát tháo như hầu hết bạn bè tôi đang vật vã với những đứa con học cấp II, cấp III…
Kỹ năng tự học còn giúp con tự đọc SGK để hiểu bài khi thình lình ốm đau phải nghỉ học, có thể tự mua sách tham khảo để tìm hiểu, nghiên cứu, mở mang kiến thức sau này - những điều mà học sinh và sinh viên Việt Nam đang rất yếu. Với cách để con tự học, tự nghiên cứu, tôi đã áp dụng cho con trai lớn và thành công tốt đẹp. Vậy, có thể nói, khi phụ huynh lớp Một nháo nhào tìm roi, hoặc túm tóc mình đánh vật với con mỗi buổi tối, không khí ở nhà tôi vẫn hết sức nhẹ nhàng, vui vẻ.
Căng là do giáo viên
Vậy nhưng, con đường của mẹ con tôi không suôn sẻ.
Tới buổi họp phụ huynh đầu năm, tôi nghe cô giáo chê nhiều bé trong lớp không học “tiền lớp Một” tụt hậu so với chúng bạn. Trao đổi riêng, cô chê con tôi rất yếu, không nhớ mặt chữ, viết chữ gà bới.
|
Trẻ không học "tiền lớp Một" sẽ khó theo kịp chương trình (ảnh minh họa) |
Tôi hơi nóng mặt, nhưng không bất ngờ. Tôi chia sẻ cùng cô về sự vất vả khi dạy một đứa trẻ. Tôi hiểu cô căng thẳng với nhóm trẻ chưa đọc - viết làu làu, nhưng tôi đã nghiên cứu nhiều tài liệu trước khi đi tới quyết định khó khăn cho cả con và mẹ, là không học chữ trước khi vào lớp Một.
Tuy vậy, cô vẫn nói: “Các bé học trước, khi học sách lớp Một sẽ được dượt lần hai, chỉ vững hơn, có sao đâu chị?”. Tôi không đồng ý: “Hết lớp Một, bé nào cũng sẽ biết đọc, biết viết đúng không cô? Con trai lớn của tôi chỉ cần hết học kỳ I đã có thể đọc truyện tranh, dù khi vào lớp Một, bé cũng là đứa trẻ duy nhất không học chữ trước”.
Cô giáo gật gù đồng ý. Chỉ là, chương trình cải cách này buộc trẻ học nhanh để nhanh chóng chuyển sang đọc - viết chính tả, chứ không nhìn - chép như chương trình cũ.
Tôi nhẹ nhàng hỏi cô, vậy giải pháp dành cho con tôi là gì? Cô bày tôi cách về nhà dạy cho bé, kèm bé đọc bài nhiều lần, tập viết nhiều cho đúng ô ly, từ từ tiến tới kỹ năng đọc - chép.
Kết quả buổi nói chuyện theo tôi là không tốt. Hôm sau, con thỏ thẻ sau lưng tôi rằng, cô bảo về nói mẹ “nếu không dạy được con thì cho con đi học thêm”.
Mới lớp Một đã đi học thêm? Quả thực, ở buổi họp phụ huynh hôm trước, các mẹ đều nói con họ đang theo lớp học chữ, rèn chữ hoặc thuê gia sư về tận nhà dạy. Các bé này thường học chữ từ khi bốn tuổi, năm tuổi và hiện đang học kiểu “chạy trước” tiến độ SGK.
Vậy nên, bạn bè, đồng nghiệp bảo tôi đích thị là một phụ huynh cứng đầu, dám chống lại cả một hệ thống giáo dục đã quen nếp học trước, học thêm. Nhưng, trước một điều mà ai cũng thấy vô lý, sao mẹ con tôi phải chấp nhận vô lý theo?
Chẳng phải chính phụ huynh đã và đang khiến các lớp học thêm nở rộ, khi mà ngành giáo dục đã cấm học thêm, dạy thêm từ lâu? Chẳng phải chính phụ huynh, thay vì để con làm việc của chúng thì mỗi tối lại vất vả cùng học, rồi gào thét, chửi bới, đánh mắng trong bất lực?
|
Nhiều bà mẹ của học sinh lớp Một không dám dạy con, vì sợ chính mình cầm bút sai, đánh vần sai (ảnh minh họa) |
Tôi rảnh nhưng cũng… không rảnh
Suy tính mãi, cuối cùng, tôi đã làm một việc rất “rảnh” là nghỉ làm một buổi, đi “thương thảo với nhà trường”.
Tôi xin làm việc với hiệu trưởng, nhắc ông về “những đứa trẻ mù chữ do mùa COVID-19 thứ nhất”, nhắc ông rằng, SGK năm nay rất căng, đừng quên giúp các giáo viên khối lớp Một của trường trút bớt áp lực thành tích và áp lực tiến độ, bởi nếu giáo viên căng thì học sinh sẽ căng theo, chúng sẽ sợ tới trường và lúc đó, không cách nào mà trẻ học “vào”. Việc dạy học sẽ thất bại.
Tất nhiên, vì tôi mang theo mớ lý luận “trang bị tận chân răng” nên đại diện nhà trường gật gù, xuôi thuận trong vui vẻ. Tôi xin gặp giáo viên chủ nhiệm lần nữa để nói rằng, con tôi tiếp nhận bài học như thế là không tệ, con viết như thế là xấu, nhưng do trước đây chưa từng học “tiền lớp Một” nên điều đó là đương nhiên.
Tôi nhờ cô động viên, khen ngợi khi con cố gắng, khuyến khích con, bởi việc cô chê bé không chỉ tạo áp lực cho bé mà còn khiến vài bạn trong lớp hùa theo miệt thị con. Trong phiếu khai lý lịch đầu năm, phần dành cho điểm cần lưu ý đặc biệt, tôi ghi rõ: “Bé đặc biệt thích khen ngợi, động viên và sẽ cố gắng nhiều khi được khen ngợi, động viên”.
Thật ra mà nói, đứa trẻ nào cũng thích động viên, khen ngợi chứ không riêng con tôi, nhưng tôi viết thế để nhắc nhở giáo viên thêm một lần nữa về trách nhiệm của các cô trong việc tạo tinh thần học tập cho trẻ thay vì gây áp lực phản giáo dục. Tinh thần và thái độ học tập mới là thứ cần nhất với đứa trẻ chứ không chỉ là con chữ, con số hôm nay.
Thật may, hôm qua, tôi đi đón con, giáo viên hồ hởi báo, con tôi đã tiến bộ nhiều, tốc độ học tốt. Tôi cười, cảm ơn cô chân thành, nhưng vẫn không hề tiết lộ rằng, bài tập cô giao trong group Zalo buộc học sinh phải hoàn thành mỗi tối, tôi không hề sờ đến. Việc dạy trẻ là của nhà trường, không phải của tôi. Việc học cũng là của con và tôi nhất quyết không kè kè ngồi học cùng con!
Hoàng Ly (quận Tân Bình, TPHCM)