“Bạn ấy ngầu lắm, thích đâm đầu vào chỗ khổ, không ngán việc khó, nhưng ẩn sau vẻ manly là tâm hồn cô gái mới lớn rất đa cảm” - lời nhận xét này về cô gái 21 tuổi Trần Võ Thanh Trúc khiến tôi ngạc nhiên.
Quả thật, Trúc không khi nào ngồi yên, cô dường như dư thừa năng lượng nên ôm đồm lắm việc, việc nào cũng lớn lao như “đội đá vá trời”. Trúc nói, cô hào hứng với những việc vì cộng đồng.
|
Trần Võ Thanh Trúc |
Thắp sáng những giấc mơ “dẫn đầu”
3g30 sáng, điện thoại tôi bíp bíp tiếng tin nhắn. Mở ra là thư mời của Trúc, tôi hỏi Trúc sao giờ này không ngủ, cô cho biết đang cùng ê kíp làm việc xuyên đêm để chuẩn bị cho hoạt động của tổ chức xã hội FounderGirls, nơi cô phụ trách phát triển kinh doanh và đối ngoại. Tôi đùa: “Mai chiến đấu cả ngày, chắc em phải dùng doping?”; cô gái cười sôi nổi: “Không sao đâu ạ, em làm việc thâu đêm quen rồi”.
Biết ê kíp của Trúc trắng đêm lo cho diễn đàn nữ quyền mang tên “Becoming Alpha Female” (Trở thành người phụ nữ dẫn đầu), nhưng sáng hôm sau, tôi vẫn ngạc nhiên khi bắt gặp sự năng động của Trúc và đồng nghiệp. Trong hội trường khách sạn Eastin Grand Saigon, các cô gái, chàng trai trong ban tổ chức hiện đại từ phục trang tới phong cách trang điểm, chuyên nghiệp trong giao tiếp.
Diễn giả tới giao lưu, ngoài những người thành đạt trong các lĩnh vực như giáo dục, môi trường, kinh doanh, còn có những người đẹp như hoa khôi Thu Hương, hoa hậu Ngọc Diễm, diễn viên múa Linh Nga, ca sĩ Tóc Tiên... FounderGirls được thành lập vào cuối năm 2016 với mục tiêu dựng nên một “hệ sinh thái” lành mạnh và năng động cho giới nữ, giúp chị em phá vỡ định kiến về giới để thực hiện đam mê, ước mơ. FounderGirls sẽ thúc đẩy, giúp phụ nữ phát triển cả tâm - trí - lực thông qua các hoạt động để người phụ nữ khám phá sức mạnh bản thân, biến sức mạnh ấy thành cơm áo, niềm vui, hạnh phúc, lý tưởng...
Các kế hoạch làm truyền hình, tổ chức diễn đàn, huấn luyện, hoạt động ngoài trời... ăm ắp trong đầu cô gái trẻ. Trúc không xuất hiện trên sân khấu, cô đứng hậu đài, phụ trách phần điều phối chương trình. Tưởng rằng công việc này quá sức với cô bé vừa tốt nghiệp đại học một tuần và mới học hỏi các kỹ năng với máy quay, máy chiếu, nhưng Trúc đã làm việc rất chuyên nghiệp, không một sai sót.
“Điều phối chương trình là việc em mới làm lần đầu. Thế mạnh của em là lên kế hoạch kinh doanh. Khi đi tìm nhà tài trợ và thuyết phục họ, có nhiều chuyện thú vị lắm” - Trúc nhỏ nhẹ nói. Tôi ngạc nhiên khi nhìn lượng nhà tài trợ xuất hiện trên tài liệu và băng rôn của diễn đàn, bởi FounderGirls còn mới toanh.
Chắc hẳn khả năng thuyết phục của người phụ trách kinh doanh và đối ngoại là rất đáng nể. Gặp Trúc, tôi quả thật đã bị khả năng giao tiếp của em thu phục. Trúc chuyện trò linh hoạt, sinh động, khiến người đối diện bị cuốn hút theo. Suy nghĩ của cô về mọi vấn đề thông minh và chân thành, vẻ lạc quan ngời ngời trong mắt.
Khởi nghiệp trên nền doanh nghiệp cũ
Cô tiểu thư của gia đình độc quyền phân phối nhiều nhãn hàng dụng cụ thể thao (Trang Sport Center) luôn tự nhận mình manly (nam tính). Từ nhỏ, Thanh Trúc được hướng vào con đường kinh doanh và 15 tuổi đã lần đầu theo chân cha ra nước ngoài. “Ồ, mình cũng ngầu đó chứ” - cô thầm nghĩ khi khoác bộ vest đen bên ngoài áo sơ mi trắng.
|
Thanh Trúc và Cha mẹ, em gái trong lễ tốt nghiệp đại học |
Thêm chiếc kính cận, cô đĩnh đạc theo chân cha vào hội nghị thường niên các nhà phát hành độc quyền của thương hiệu quần vợt Prince toàn khu vực Thái Bình Dương. Làm việc như một thư ký của ba, Trúc cẩn thận ghi chép mọi điều, giao tiếp chững chạc. Trúc nói, có lẽ cô luôn tự tin trong giao tiếp nhờ theo học tiếng Anh từ nhỏ với người nước ngoài. Đó cũng là lý do khiến cô đạt điểm 8.0 khi thi IELS.
Nhờ khả năng giao tiếp tốt bằng tiếng Anh, năm học lớp 12, Trúc đại diện Trường THPT Bùi Thị Xuân dự diễn đàn giáo dục quốc tế Chuo tại TP.Morioka, tỉnh Iwate, Nhật Bản. “Em chưa hề múa bao giờ, nhưng em cố gắng tập múa với áo tứ thân và đã được bạn bè khen ngợi”. Chuyến đi Nhật cho cô cảm hứng khám phá những nền văn hóa và thích đi du lịch cùng bạn bè.
Những năm học cấp III, Trúc phát hiện mình rất nhiều năng lượng, nhất là khi được đặt vào hoàn cảnh đòi hỏi sự vận động. “Không biết thì phải tìm cho ra cách làm”, Trúc nghĩ vậy nên tự học cách làm video để phục vụ các nhóm kịch, dựng một clip xúc động cho dịp kỷ niệm 24 năm ngày cưới của cha mẹ. Những việc liên quan đến máy móc, công nghệ, game, Trúc tự mày mò và học được cách sửa khi gặp lỗi.
Nguồn năng lượng của Trúc dường như dồi dào hơn mỗi ngày. Vào đại học, cô theo chuyên ngành khởi nghiệp của trường Đại học RMIT. Năm 2014, Trúc tham gia ban tổ chức cuộc thi toàn quốc Marketing Challengers của Câu lạc bộ Business Club (Trường ĐH RMIT Việt Nam) và bất ngờ được đề cử nhiệm vụ trưởng ban đối ngoại và tài trợ. Là người trẻ nhất, mối quan hệ, kỹ năng và kinh nghiệm xin tài trợ bằng không nên Trúc lo đến mất ngủ. Nhưng cô tự động viên “cứ làm đi, chưa thử thì chưa nói trước được gì”.
Kết quả, Trúc đã tìm được nhà bảo trợ truyền thông, diễn giả và khách mời uy tín. Năm sau, Trúc tiếp tục dẫn dắt cuộc thi Marketing Challengers với tư cách trưởng ban tổ chức và cô đã tìm được nhà tài trợ độc quyền là công ty máy tính HP, Công ty marketing Dentsu (Nhật Bản). Đối với một hoạt động của sinh viên, đây là thắng lợi rực rỡ.
Không phải lần xin tài trợ nào cũng suôn sẻ. Trúc kể, gửi email đến 100 công ty, cô chỉ nhận được phản hồi của một - hai công ty. Sau những buổi gặp mặt, nhiều doanh nghiệp từ chối hợp tác. Có những sự kiện, sắp tới ngày tổ chức mà ê kíp vẫn không có xu tiền tài trợ nào.
Nhưng càng làm việc, Trúc càng phát hiện mình “mê việc”, có thể miệt mài với các dự án thâu đêm, suốt sáng. Nhóm bạn trong Business Club kể rằng họ rất thán phục khả năng của Trúc: thức làm việc liên tục tới 2-3 giờ sáng mà hôm sau cô vẫn “tỉnh rụi”.
Không chỉ thúc mình tiến tới, cô gái trẻ còn đem ngọn lửa hừng hực của mình khuấy động sự trơ ỳ của người khác. Sinh viên trường RMIT có tiếng là “quý tộc”, nhưng Trúc nhận thấy có không ít bạn đang “ngủ gật”, mất phương hướng. “Rất nhiều sinh viên thi và học chỉ để vừa lòng cha mẹ, một số khác nhận định sai về năng lực bản thân, những ngày tới trường của họ là chuỗi chán chường, vô vọng và dự án Passiness (ý tưởng dùng kinh doanh để làm công cụ hỗ trợ gián tiếp cho đam mê đặc thù (như ẩm thực, âm nhạc, điện ảnh, thời trang…) ra đời. Em muốn đánh thức những niềm đam mê, giải phóng kiểu nghĩ và làm thụ động”.
Trúc chia sẻ: “Bạn không cần hoàn hảo để truyền cảm hứng cho người khác”. Với Trúc, người mạnh là người rất bình thường, chân thực với khuyết điểm, thậm chí thầm lặng, nhưng chắc chắn luôn có những câu chuyện để kể.
Những câu chuyện ấy có thể là cách họ vượt qua những mặc cảm thế nào, cách họ đối phó với những câu chuyện đau buồn, thậm chí xoay chuyển tình huống tiêu cực thành tích cực, hoặc cách mà một người dẫn dắt, giúp đỡ một người khác nhận ra tiềm năng, và phát triển tới mức tốt nhất. Nhờ thế, Trúc không chỉ có những đồng nghiệp, cộng sự tốt, mà còn tạo dựng nên những tình bạn chân thành.
Năm học cuối, Trúc đăng ký tham gia diễn đàn Bright Sparks - chương trình huấn luyện cho nữ lãnh đạo và khởi nghiệp của hệ thống RMIT toàn cầu - và đã đánh bại 300 ứng viên để trở thành cô gái Việt duy nhất có mặt tại Melbourne (Úc), đồng thời nhận tấm vé đến San Francisco (Mỹ) ngay sau những ngày nghỉ tết. Trong phần giới thiệu, Trúc đã trả lời câu hỏi “Ai là người tạo cảm hứng cho bạn?” như sau: “Cảm hứng của tôi không cụ thể từ một ai, đó có thể là các chính trị gia như cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, cố thủ tướng Anh Margaret Thatcher hay các nhân vật truyện tranh, là cha mẹ, em gái, một người thú vị tôi được gặp. Thậm chí, chính tôi cũng là cảm hứng của mình”.
Bận rộn với các dự án của FounderGirls nhưng Trúc cũng lên kế hoạch “thay máu” cho công ty Trang Sports: “Em sẽ start up trên chính nền một doanh nghiệp cũ, dù khá khó để thay đổi những lề lối đã định hình gần 40 năm nay”.
Hồng Hạnh