Không gửi tiền về, cha mẹ không nghe điện thoại

26/02/2020 - 10:44

PNO - Cha mẹ trông đợi vào số tiền tôi gửi về nước hằng tháng, nhưng cả hai không biết ở nhà chồng, tôi cực khổ thế nào.

Sau mấy năm lấy chồng, tôi mới được về quê. Cầm vé máy bay trên tay, lòng tôi lâng lâng khó tả. Tôi nghĩ về sự bình yên của quê nhà, những bữa cơm gia đình đầm ấm, có gì ăn nấy. 

Chuyến bay về đến Việt Nam kéo dài khoảng 6 tiếng nhưng tôi thấy dài hơn thế. Có lẽ, khi lòng trông đợi điều gì, thời gian trôi chậm hơn hẳn.

Cha mẹ tôi đã chờ ở sân bay từ sớm. Tôi mừng vì đoàn tụ gia đình sau ngần ấy năm. Nhưng trong lòng có những nỗi lo, bởi tôi biết cha mẹ đang mong chờ tôi mang hàng trăm triệu về xây nhà mới. Ngần ấy năm xoay xở, tôi và chồng mới về lại được Việt Nam lấy đâu ra số tiền lớn như vậy. 

Qua hai hôm đầu, mọi việc bắt đầu căng thẳng khi cha mẹ nói xa nói gần chuyện xây nhà. Không khí ngày càng ngột ngạt. Tôi nằm trên chiếc chõng tre - nơi mà ngày nhỏ tôi từng có những giấc ngủ êm ái, vô lo vô nghĩ - nước mắt tuôn tự bao giờ không hay. Nước mắt rơi vì áp lực, vì những nhọc nhằn, vì những nỗi niềm không tìm được ai để chia sẻ.

Năm nay, tôi 30, đã có một con nhỏ. Tôi và ông xã kết hôn nhờ mai mối, không có tình yêu. Chúng tôi gặp nhau được 3 lần rồi thành vợ chồng. Cha mẹ tôi từng mong được đổi đời nhờ cuộc hôn nhân này. Còn tôi, chẳng biết mình có gì, muốn gì.

Ngày cha mẹ ấn định chuyện trăm năm, tôi muốn trốn chạy sự sắp đặt ấy, bởi tôi đang có mối tình đẹp. Chúng tôi làm phụ bán quán tại Sài Gòn, lương vừa đủ sống. Hai đứa luôn mơ về mái ấm hạnh phúc trong tương lai, cùng cố gắng để xây đắp.

Cuộc hôn nhân của tôi với người chồng hiện tại xuất phát từ mong muốn đổi đời của cha mẹ tôi. (Ảnh minh hoạ)
Cuộc hôn nhân của tôi với người chồng hiện tại xuất phát từ mong muốn đổi đời của cha mẹ tôi. (Ảnh minh hoạ)

 

Quê chồng tôi là một ngôi làng miền núi tại Trung Quốc. Cha mẹ tôi chắc không thể tin được viễn cảnh này. Bởi trong tâm trí của cả hai, quê chồng tôi sẽ là một thành phố lớn, nhộn nhịp với những ngôi nhà cao tầng, đèn hoa lộng lẫy. Nơi đó, có những cuộc đời đã bước sang trang mới với tiền bạc đủ đầy. Nhưng, giữa mơ ước, tưởng tượng và thực tế đôi lúc khiến người ta chôn chân trong sự thất vọng.

Nhà chồng tôi làm nông, như nhiều gia đình trong xóm tôi ở quê nhà. Nhưng thời tiết vùng núi khắt nghiệt nên chỉ canh tác được khoảng 6 tháng/năm. Thời gian còn lại, cả hai vợ chồng tôi phải vào xí nghiệp làm thuê. Một tháng, lương trung bình của mỗi đứa chỉ khoảng 15-16 triệu đồng tiền Việt, đủ chi xài, hoặc dư ra một ít.

Từ ngày lấy chồng, cha mẹ cứ trông đợi vào tôi. Mỗi tháng, cha tôi chỉ đi làm thuê lặt vặt khoảng 10-15 ngày, với mức thu nhập khoảng 2-3 triệu đồng. Mẹ tôi thì ở nhà, không làm ra tiền. Gánh nặng kinh tế chuyển hết qua đôi vai tôi.

Mỗi tháng, tôi đều phải dành ra một ít để gửi về quê. Tháng nào không gửi, gọi điện về, cha mẹ tôi lại không nghe điện thoại, vì giận dỗi. Nhiều lúc, tôi lo sợ cha mẹ ở quê nhà có vấn đề gì hoặc sức khoẻ không ổn. Nước mắt lăn dài trong những giấc ngủ. 

Tháng nào tôi không gửi tiền về, gọi điện cha mẹ không thèm nghe.
Tháng nào tôi không gửi tiền về, gọi điện cha mẹ không thèm nghe.

 

Tôi cắn răng chịu đựng, không thể chia sẻ cùng chồng vì sợ anh xem thường cha mẹ vợ, lại càng không thể trách cứ, lớn tiếng với cha mẹ tôi. Lắm lúc, tôi trách cứ đồng tiền. Chúng có ma lực gì đã khiến cuộc đời tôi rơi vào vòng lẩn quẩn như thế. Nhưng nghĩ lại, chúng có tội bao giờ. Khổ đau, cũng do người mà ra.

Hiện tại, tôi còn nuôi con, chăm lo gia đình chồng. Vật giá ở quê chồng cao hơn nhiều so với ở Việt Nam. Vì thế, nếu cha mẹ cứ dựa vào tôi, sẽ không ổn cho cả đôi bên. Bởi vì, sức người có giới hạn. Đầu năm nay, dịch bệnh kéo đến, thu nhập càng ít đi. Có lúc, tôi muốn gục ngã vì phải kiếm tiền đầu này để đắp vào đầu kia. Tôi ước cả hai hiểu không có đồng tiền nào kiếm được dễ dàng.

Cách nhà tôi ở quê mấy căn, có gia đình kia cũng nghèo. Thằng bé học hết lớp 10 phải nghỉ ngang để đi làm thuê. Sau mấy năm, nó dành dụm tiền mua được 2 con bò để cha mẹ ở nhà chăn dù ông bà chưa bao giờ đòi hỏi gì ở nó. Tôi thấy nó mà thèm. Hạnh phúc, sung túc đâu phải tìm gì xa xôi, mà ở tại lòng người.

Tôi từng đọc một câu rằng: “Tiền bạc của người giàu ở trong túi, còn người nghèo ở trong tim”. Có lẽ, ước vọng đổi đời của cha mẹ tôi đã lấn át những niềm hạnh phúc bình dị đó. Nhưng phận làm con, phải làm thế nào cho trọn vẹn?

Thanh Thuỷ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI