Con người thường có cái thói kỳ quặc là cả thèm chóng chán, có mới nới cũ. Nhớ lại kìa, có phải lúc còn đeo đuổi tán tỉnh, thì bao nhiêu tâm trí, sức lực dồn hết cho người kia? Say mê đắm đuối đến độ những tưởng cuộc đời mình chỉ có ý nghĩa khi được chung sống với nhau, bằng không... chết quách cho xong.
Vậy mà… Khi nằm chung gối, ở chung nhà, ăn chung mâm thì sự tơ tưởng về người khác lại léng phéng xuất hiện. Chắc gì người khác này hơn người cũ, nhưng họ vẫn cứ khoái như thường. Biết tỏng cái thói trăng hoa đó, “một nửa” lập tức đùng đùng nổi giận, cơm không lành canh không ngọt, có thể dẫn tới tan đàn xẻ nghé như chơi… Họ còn cương quyết ra tay bằng mọi cách đặng giành lại “người của mình”, chớ cho con kia/thằng nọ ngang nhiên nhảy xổm vào tổ ấm người ta mà phá hoại gia cang.
Tâm lý sở hữu trong các trường hợp này, không có gì sai trái cả. Một khi ai đó tìm mọi cách giữ lại người chồng/người vợ đã đăng ký kết hôn, đã được luật pháp công nhận thì rõ ràng họ có cái quyền đó.
Vấn đề đặt ra ở đây là cái quyền đó được sử dụng như thế nào, có “nghệ thuật”, có “cao cơ”? Bằng không, không khéo vung tay đánh chuột, chuột chưa ngủm củ tỏi mà có khi còn khiến cái bình quý bị vỡ toang.
Vậy, không muốn xoàng mà thể hiện “cao tay ấn” thì phải làm sao? Câu hỏi này, xin dành cho các nhà phân tích tâm lý, tư vấn hôn nhân gia đình. Ở đây, tôi chỉ kể lại một hai câu chuyện để ai đó nếu cần thì tham khảo và… vận dụng. Cam đoan sẽ thành công mỹ mãn, không tốn công sức, lại còn khiến “đối tượng” chẳng còn dám bén mảng hẹn hò với “một nửa” của mình nữa.
Rằng thời tôi mới lên mười, cứ mỗi chiều lại thấy cô tư sang tìm mẹ tôi và khóc ngắn khóc dài. Tò mò, tôi bèn lân la lắng nghe mới biết chú tư khoái lên phố trêu hoa ghẹo nguyệt, bỏ bê nhà cửa, hễ chiều đến là ăn diện bảnh tỏn đặng hẹn hò hú hí với “mèo“.
Cô tư biết chuyện làm hung làm dữ chán chê không ăn thua gì, chuyển sang khóc lóc năn nỉ ỉ ôi cũng không xoay chuyển tình thế. Mẹ tôi đã hiến kế gì? Tôi không rõ lắm, chỉ biết sau đó, cô tư thay đổi hoàn toàn. Hằng ngày, hàng xóm ngạc nhiên khi thấy cô ăn diện tươi mát, sắm sửa hợp thời trang. Trong khi đó, chú tư vẫn giữ thói quen hẹn hò, chứ không vì thế mà quay về với vợ.
Rồi một ngày kia, tôi thấy chú tư mỗi chiều là ở riệt trong nhà, phụ vợ chăm con có vẻ đắc ý lắm. Nhờ đâu? Có gì đâu, khi chú tư ra khỏi nhà thì cô tư cũng “lên đồ” mới kẻng ra khỏi nhà. Mạnh ai nấy đi. Có lúc chú về nhà, dù đã khuya nhưng cô tư vẫn còn ngao du ta bà đâu đó.
Ban đầu chú Tư không để ý, nhưng sau đó thấy sự việc lạ lùng này lặp đi lặp lại nên đâm ra chột dạ: “Ủa, có thể vợ mình cũng tư tình với ai khác chăng?”. Một khi suy nghĩ hoài nghi này xuất hiện trong đầu, dù có đang là trung phong hào hứng dẫn bóng lao về phía trước, ắt người đó phải hoảng hồn lui về phòng thủ khung thành cho chắc ăn. Thậm chí, treo võng tòng teng nằm ì tại chỗ để “canh me” cho yên lòng.
Quả nhiên, biện pháp của cô tư thực hiện theo lời cố vấn của quân sư mẹ tôi đã thành công mỹ mãn. Nay, với sự hiểu biết đã nhiều lần trần ai khoai củ trên tình trường, tôi nghiệm ra, đây chính là nghệ thuật “mưu phạt tâm công”. Tức là không thèm đánh vào thành mà đánh vào lòng người. Nghệ thuật chắc thắng này, vừa giữ thể diện cho mình lại giữ uy tín cho chồng, còn có thể biểu hiện qua hình thức khác.
Rằng, anh bạn tôi vốn đẹp trai thuộc hạng Don Juan “chính hiệu con nai vàng”. Sau khi có vợ sẽ tu tâm dưỡng tính chăng? Không. Đánh chết cái nết không chừa, thiên hạ bảo thế. Nhưng rồi, sau đó, cô vợ ra tay một phát là lập lại trật tự cái rụp, anh ta quy phục hoàn toàn.
Có gì đâu, sau khi điều nghiên chu đáo, kỹ lưỡng về căn nhà của “o mèo” mà chồng thường lui tới, một ngày kia, cô bồng hai đứa con còn đỏ hỏn đến tận nhà đó. Vào trong nhà, bằng giọng bình tĩnh, thân thiện cô nhỏ nhẹ với mèo: “Chồng chị thương em, em thương chồng chị. Chị không buồn mà cũng không vui, chỉ xem như vợ chồng chị đã hết duyên với nhau. Chị chỉ nhờ em nuôi giùm hai đứa con của ảnh”. Nói xong, cô đặt hai đứa con xuống nền nhà và dợm chân bước đi, lập tức tiếng khóc trẻ nhóc rền vang cả xóm. Trước tình huống éo le này, “o mèo” kia đâm hoảng, níu áo cô vợ lại phân trần, hứa hẹn đủ điều. Rồi, về sau, mọi việc diễn ra thế nào tôi không rõ lắm, chỉ biết anh bạn tôi không dám lui tới với “o mèo“ lần nào nữa.
Cách giữ chồng theo lối này, theo tôi là “cao tay ấn”. Trong ấm nhưng ngoài vẫn êm, thiên hạ chẳng biết đâu mà đàm tiếu nọ kia; chứ giữ nhau theo lối “trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường”, thì nào có phải là bản lĩnh.
Lê Minh Quốc