Trên trang facebook của mình, chị Nguyễn Thị Ngọc viết chị là người hạnh phúc. Có thể ai đó sẽ hoài nghi điều ấy khi biết chị bị tai nạn giao thông, cụt mất một chân từ năm 18 tuổi, từng trải qua bệnh ung thư hiểm ác và chị cũng chẳng giàu có gì, anh chỉ là công chức bình thường. Thế nhưng gặp chị, nhìn nụ cười, ánh mắt của chị và anh, nghe họ kể về tình yêu và gia đình, bạn sẽ hiểu hơn ý nghĩa của chữ “hạnh phúc”.
Lời hứa 20 năm trước
Hồi ấy, có người bạn rủ anh Hoạt: “Tao dẫn mày tới nhà con bé em chơi nhé. Nó vừa đanh đá, vừa bị cụt chân”. Nghe bạn nói, anh Hoạt tưởng tượng ra một cô gái vừa đen, vừa xấu, vừa ghê gớm. Nhưng không biết có phải là lúm đồng tiền xinh xắn hay sự nghịch ngợm, mạnh mẽ, tự tin của cô gái ấy cuốn hút anh mà rồi họ yêu nhau từ lúc nào.
Vốn hồn nhiên, cô gái Nguyễn Thị Ngọc lúc đầu chẳng để ý gì đến những biểu hiện của chàng trai: thấy cửa nhà cô hư, anh vác máy hàn tới sửa, mái nhà dột thì mua ngói về lợp. Cô cứ vô tư mãi, khiến anh khó ngỏ lời. Nhưng rồi tình yêu cũng tìm ra được lối đi khi anh bày tỏ: “Anh không thích nói nhiều, chỉ thích làm nhiều cho em”. Cho đến giờ, hơn 20 năm sau, chị khẳng định anh đã thực hiện được lời hứa ấy 100%.
Họ mất đến 10 năm mới được sự chấp nhận của gia đình anh. Cha anh thấy chị mất chân, từng trải qua nhiều mổ xẻ, dùng nhiều thuốc kháng sinh nên lo ngại chị không thể sinh nở. Bị ngăn cấm, từ chối quyết liệt, nhiều lần anh bàn với chị cứ đăng ký kết hôn, không cần sự chấp thuận của gia đình. Thế nhưng, chị Ngọc không đồng ý. chị muốn bắt đầu cuộc sống vợ chồng bằng sự công nhận của gia đình hai bên, nhất là của cha anh. 10 năm yêu nhau, cuối cùng gia đình anh phải đồng ý với cuộc hôn nhân của họ.
“Chúng tôi thỏa hiệp dễ dàng”
Về làm dâu nhà anh trong sự đồng ý miễn cưỡng của cha chồng, chị Ngọc gặp biết bao vất vả. Hiểu lòng cha mẹ, hiểu nỗi lo của họ, chị chấp nhận, không oán trách, chỉ gắng mang hết tình cảm và sự khéo léo của mình chinh phục ông bà. Trước ngày đưa chị về làm dâu, anh Hoạt thẳng thắn chia sẻ: “Ở chung với cha mẹ, mình tránh thể hiện tình cảm, em nhé”. Chị Ngọc không hề tự ái mà gật đầu ngay. Họ luôn cố gắng thu xếp để cuộc sống chung của hai thế hệ, sau này là ba thế hệ được thoải mái với tất cả mọi người. Hai đứa con ra đời cùng hạnh phúc của họ đã giúp mối quan hệ gia đình ngày càng tốt đẹp.
Vợ chồng có cáu giận cũng không nhiều lời qua lại, chỉ cần nhắn tin cho nhau giảng hòa. Chị chia sẻ: “Chúng tôi rất dễ thỏa hiệp với nhau trong mọi vấn đề”. Tính anh điềm đạm, ít nói; chị thì rộn ràng, sôi động. Họ coi sự khác dấu đó chính là điểm hút nhau, bổ sung nhau. Chị và anh luôn tâm niệm người ta gọi gia đình là tổ ấm thì không bao giờ được để cho nó lạnh. Hễ nó có chút tàn, chút yếu, phải thổi cho lửa bùng lên ấm áp trở lại.
“Anh giúp tôi tỏa sáng”
Mọi việc tưởng chừng như đã suôn sẻ khi mọi khó khăn họ đã cùng nhau vượt qua thì đùng một cái chị Ngọc phát hiện ra bệnh ung thư vú. Ngày nhận kết quả xét nghiệm, nghĩ tới chuyện nhà không có tiền, chị gọi cho anh, giọng bông đùa nhưng ẩn sâu trong đó là nước mắt và nỗi đau. Chị nói sẽ không chữa bệnh đâu, chết thì rồi cũng chết, chứ không để nợ nần cho chồng cho con. Thế nhưng anh Hoạt nói ngay, có bệnh phải chữa, chuyện tiền nong đừng nghĩ tới.
Thấm thoắt mà chị đã đương đầu với căn bệnh ung thư vú được 9 năm. Cũng đã từng trải qua biết bao lo, buồn, hy vọng, thất vọng, đã tốn bao nhiêu tiền vào thuốc men và bồi bổ cho chị, nhưng anh Hoạt vẫn không chịu tiết lộ làm cách nào để anh có tiền chữa bệnh cho vợ.
Không giàu tiền bạc, cũng chẳng giàu sức khỏe, nhưng chị Ngọc tự hào: “chúng tôi giàu hạnh phúc”. Họ cùng nhau tập thể dục, cùng nhau xem phim mỗi tối, cùng nhau đi du lịch. Để giúp đỡ những phụ nữ cùng cảnh ngộ, chị Ngọc thành lập câu lạc bộ Phụ nữ kiên cường. Tốn thời gian, tiền bạc cho các sinh hoạt, các hoạt động thiện nguyện, nhưng anh không bao giờ cản trở vợ. Anh nhận đảm đương hết việc nhà cho chị yên tâm với lý do: “Anh ủng hộ em làm những việc có ý nghĩa, tốt cho em và cộng đồng”. Nhắc về chồng, ánh mắt chị Ngọc lấp lánh: “Có thể với nhiều người, những gì tôi trải qua là bất hạnh, nhưng có anh, tôi đã được sống cuộc sống ý nghĩa. Anh đã âm thầm hỗ trợ tôi tỏa sáng”.
Đến giờ, chị Ngọc vẫn nhớ những bữa ăn nghèo của hai vợ chồng, khi chị nghén đứa con đầu tiên. Có khi vào quán, gọi hai đĩa bánh cuốn rồi chồng ăn vài miếng, vờ no, nhường vợ ăn.
Hơn hai chục năm sống bên nhau, họ chưa bao giờ dư giả tiền bạc. Hàng tháng, anh giao lương bổng cho vợ, chỉ để lại số nhỏ cho mình. Thế nhưng, mỗi lần chị chi tiêu hết tiền là anh mở ví, chia số tiền còn lại làm 3, đưa chị 2 phần. Chị nói, tiền bạc chưa bao giờ là vấn đề căng thẳng của anh chị. Hàng tháng, chị dồn tiền cho các khoản lớn như thuốc men, ăn học của con, điện nước. Phần còn lại là tiền ăn, có nhiều thì ăn nhiều, có ít thì ăn ít. Miễn là bữa cơm bao giờ cũng vui vẻ bên nhau.
Song Văn