Không gian văn hóa Hồ Chí Minh - Nội lực để phát triển - bài cuối:

Để không gian văn hóa Hồ Chí Minh trở thành niềm tự hào của thành phố mang tên Bác

23/05/2022 - 06:05

PNO - Qua ba kỳ báo với chủ đề “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh - Nội lực để phát triển”, Báo Phụ Nữ TPHCM đã nhận được nhiều ý kiến từ các lãnh đạo địa phương, chuyên gia, bạn đọc về định hướng xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TPHCM. Chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM: "Xây dựng không gian thực hành, thực nghiệm"

Theo tôi, khi xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, cần chú trọng mục tiêu học để sáng tạo. Do đó, cần xây dựng những không gian thực và ảo nhằm tái hiện, phục dựng cuộc đời và sự nghiệp của Bác; xây dựng không gian nghiên cứu, tìm hiểu, học tập, rèn luyện và làm theo Bác, đặc biệt là tư tưởng “văn hóa soi đường Quốc dân đi”; đồng thời xây dựng không gian thực hành, thực nghiệm, vận dụng những hoài bão, lý tưởng của Bác vào thực tiễn cuộc vận động phong trào nhân dân xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh, cuộc sống hạnh phúc, cộng đồng xã hội tự chủ, nhân ái, nghĩa tình.

Tôi cho rằng, cần có hội đồng thẩm định, thông qua từng hạng mục công trình, từng nội dung thành phần trong đề án xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Cũng nên có Không gian văn hóa Hồ Chí Minh theo chuyên đề, đối tượng, như phụ nữ, trí thức, thiếu nhi… để sau khi học tập theo Bác từ không gian đó, mọi cán bộ và người dân có thể chuyển ngay thành hành động cụ thể trong lao động, sản xuất, học tập.

Thông qua Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, cán bộ phải rèn luyện, có lý tưởng để tránh các cạm bẫy, thói hư tật xấu, không để chủ nghĩa cá nhân trồi lên. Học Bác là học tinh thần tự học, tự rèn luyện. Chỉ cần học nhuần nhuyễn các đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư thì đã căn bản phục vụ tốt cho dân rồi.

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ: "Tôi chú ý đến cung cách cán bộ"

Học Bác là học một chàng trai ra đi tìm đường cứu nước bằng trái tim nóng và khát vọng cứu nước bằng tự học. Nếu xưa, Bác học để cứu nước thì nay, giới trẻ học để kiến quốc. Tôi hình dung, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một hệ sinh thái để tập hợp giới trẻ học Bác. Dưới góc nhìn của người làm xuất bản, tôi cho rằng, không chỉ học Bác qua sách vở mà còn nên có nhiều hoạt động trao đổi, chia sẻ về Bác như tinh thần tự học, tầm nhìn xa, cách mở rộng tư duy. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cũng nên là nơi gắn kết nhiều thế hệ cùng trao đổi những bài học từ Bác.

Tôi làm bộ sách Di sản Hồ Chí Minh xuất phát từ việc đọc di chúc của Bác. Lúc đầu chỉ là 30 năm thực hiện di chúc của Bác Hồ, nhưng càng làm, tôi càng thấy những giá trị, di sản mà Bác để lại lớn quá, nên quyết định làm bộ sách Di sản Hồ Chí Minh. Không ngờ đó là bộ sách thành công của Nhà xuất bản Trẻ. Sách không chỉ phục vụ nhiệm vụ chính trị mà còn thu được lợi nhuận. Điều này cho thấy, khi bắt mạch được nhu cầu người đọc và có cách làm phù hợp với nhu cầu đó, sẽ phát huy hiệu quả. Nhưng hiện nay, sách nghiên cứu về Bác thì nhiều nhưng thể loại sách phù hợp cho lối đọc phổ thông, quảng đại còn khiêm tốn. Do vậy, cần có hình thức hấp dẫn hơn với số đông độc giả, nhất là giới trẻ.

Nếu xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM nhắm đến mục tiêu thay đổi cung cách làm việc của cán bộ nhà nước thì người dân được lợi nhiều. Nhìn vào người cán bộ, phải thấy văn hóa Hồ Chí Minh với tinh thần tận tụy, hết lòng với nhân dân, cần - kiệm - liêm - chính - chí công - vô tư. Cán bộ cần học Bác, làm việc hết mình, tận tụy cống hiến, làm trước tiên vì dân thì sẽ hóa giải được rất nhiều vấn đề hiện nay.

Chủ tịch UBND H.Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền: "Chú trọng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng"

Việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ góp phần lan tỏa hơn nữa những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đời sống xã hội, đồng thời đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của đông đảo nhân dân, cán bộ, đảng viên.

Lãnh đạo thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần làm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được lan tỏa sâu rộng, tác động tích cực đến nhận thức, tư tưởng và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời nên phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng của dân tộc để thu hút người dân đến tìm hiểu, tham quan, đặc biệt là những người trẻ, du khách nước ngoài.

Ngoài ra, cần nghiên cứu, thành lập, phát triển Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng. Đây là nơi để người dân tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng của dân tộc, là nơi để cán bộ, đảng viên, nhân dân nghiên cứu, học tập về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là nơi cung cấp những thông tin chính thống và giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh, sinh viên.

Bà Lưu Thị Tuyết Trinh - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM: "Phục dựng tàu Amiral Latouche Tréville tại Bến Nhà Rồng"

Nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị di sản và xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM đang hoàn thiện việc trùng tu, tôn tạo Di tích Bến Nhà Rồng. Chúng tôi từng bước đổi mới hệ thống trưng bày theo hướng hiện đại, tổ chức các hoạt động tuyên truyền tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giới thiệu và tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đến công chúng.

Bảo tàng cũng phối hợp với các bảo tàng, cơ quan nghiên cứu trong nước, nước ngoài để sưu tầm tài liệu, hiện vật liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, chúng tôi sẽ phục dựng con tàu Amiral Latouche Tréville ngay tại Bến cảng Nhà Rồng.

Bà Trần Thị Mạo - nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM: "Định hình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh từ những danh ngôn của Bác"

Theo hình dung của tôi, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải đi vào cái cụ thể. Tất cả mọi sinh hoạt, hình thức đều thấm đẫm hình tượng Bác sao cho người trong và ngoài nước đến TPHCM là nhìn thấy điều này và cảm nhận đậm nét hơn so với những nơi khác ở Việt Nam. Qua Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, họ sẽ hiểu về Bác với những cống hiến to lớn cho đất nước nói chung, miền Nam nói riêng. Sau đó, là mọi lĩnh vực đời sống của thành phố đều được giáo dục theo tinh thần Bác.

Để làm được, trước tiên, nên định hình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh bằng những câu nói đã trở thành danh ngôn của Bác. Muốn xây dựng cái gì cũng nên bắt đầu từ con người. Bác nói cán bộ phải gương mẫu, miệng nói tay làm. Dân phục Đảng, Nhà nước hay không là qua anh cán bộ. Cán bộ có tốt thì công việc mới chạy. Bác nói rất nhiều về sự phục vụ của cán bộ, phong cách sống, làm việc của cán bộ.

Tôi mong không chỉ cán bộ, đảng viên mà quần chúng nhân dân cũng hiểu, nhận thức và học theo Bác. Có như thế thì không có khó khăn, thử thách nào khiến chúng ta sợ hãi hay bế tắc.

Bà Nguyễn Thị Phương Hoa (Q.Gò Vấp): "Mong sớm thấy được không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở thành phố mang tên Bác"

Tôi luôn muốn tìm hiểu thật kỹ về thời gian Bác sống, làm việc, chuẩn bị cho sự chín muồi trước khi lên tàu ra đi tìm đường cứu nước. Do đó, tôi tìm hiểu không chỉ Nhà số 5 Châu Văn Liêm mà tất cả những thông tin về Bác trong giai đoạn Bác ở Sài Gòn.

Là cựu chiến binh, trong nhà tôi luôn thờ ảnh Bác. Tôi thấy Bác gần gũi, thân thuộc như người ruột thịt. Bác vĩ đại nhưng lại giản dị, là tấm gương không phải cho một mà cho muôn người học tập. Tôi thường xuyên đến Nhà số 5 và vẫn luôn xúc động khi đứng trước các hình ảnh, hiện vật, đặc biệt là không gian mà Bác đã chọn làm nơi chuẩn bị cho một hành trình cách mạng vĩ đại giải phóng dân tộc. Tôi rất mong sớm thấy Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố mang tên Bác.

Quốc Ngọc - Tuyết Dân (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI