Ngày 16/9, Cụm Thi đua số 5 Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM đã tổ chức tọa đàm khoa học “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM: Nhu cầu và giải pháp”.
Tọa đàm đưa ra một số vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm thực hiện văn kiện Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025, xác định phương hướng “Xây dựng TPHCM trở thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên thành phố mang tên Bác”.
|
Tọa đàm khoa học “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM: Nhu cầu và giải pháp” diễn ra ngày 16/9 tại TPHCM - Ảnh: Quốc Ngọc |
Điều này có nghĩa, theo các chuyên gia, tại địa bàn TPHCM sẽ dần hình thành một không gian văn hóa mang tên Hồ Chí Minh với những đặc điểm, tính chất, giá trị riêng, gắn liền với các đặc điểm, tính chất, giá trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh (về tư tưởng, đạo đức, phong cách...) và của người dân thành phố mang tên Bác.
Cụ thể hơn, trên cơ sở đặc điểm về điều kiện kinh tế, văn hóa, lịch sử, tập quán... của mình, người dân TPHCM sẽ tiếp biến và phát triển các nét đặc sắc về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh để trở thành giá trị riêng của người dân thành phố.
PGS.TS.Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM - cho rằng, không gian văn hóa Hồ Chí Minh là thiết chế văn hóa sáng tạo để xây dựng và phát triển văn hóa và con người TPHCM đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Để không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một trong những động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, phát triển văn hóa và con người thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, theo bà Lan, cần phát triển hài hòa đời sống vật chất và tinh thần.
Thứ hai, là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, trong đó cần xác định xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chung, thường xuyên, liên tục và kéo dài.
“Vấn đề thứ ba, theo tôi, cần phát huy mạnh mẽ giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh góp phần xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, hướng đến xây dựng văn hóa và con người thành phố phát triển đồng bộ, gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần hình thành bản sắc riêng của thành phố”, bà Lan nói.
Thứ tư, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, các thiết chế văn hóa trên địa bàn thành phố gắn với sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thứ năm, đẩy mạnh xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng, truyền thông, báo chí. Mở các chuyên mục hàng tuần, hàng tháng hoặc các chuyên đề về Hồ Chí Minh và văn hóa Việt Nam trên báo chí, trên không gian mạng. Và thứ sáu, hoàn thành quy hoạch không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn thành phố. Trong đó, cần có sự quy hoạch và hệ thống và mạng lưới các tiểu không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
“Các giá trị văn hóa đặc trưng được xây dựng trên nền tảng tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ góp phần tạo ra những con người có đầy đủ phẩm chất để thực thi các vai trò và nhiệm vụ xã hội hướng đến một xã hội tốt đẹp, một thành phố văn minh, hiện đại và nghĩa tình. Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh có ý nghĩa văn hóa chính trị to lớn, có tính chất thường xuyên và liên tục. Do vậy, quá trình này luôn cần phải tiếp tục tổng kết, nghiên cứu để tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh tiếp tục tỏa sáng trên thành phố vinh dự được mang tên Người”, bà Lan cho hay.
Quốc Ngọc