Không gian văn hóa công cộng ở TPHCM: Thiếu hay đủ?

03/12/2020 - 16:37

PNO - "Không gian văn hóa công cộng tại TPHCM chưa đáp ứng nhu cầu của người dân", đó là đánh giá của nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo tại tọa đàm “Không gian văn hóa công cộng tại TPHCM: thực trạng, nhu cầu và giải pháp” do Hội đồng Lý luận, phê bình, nghệ thuật TPHCM (Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM) phối hợp Hội Kiến trúc sư TPHCM tổ chức vào sáng 3/12.

Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo cho rằng trong quá trình đô thị hóa, nâng cấp chỉnh trang đô thị mặc dù Thành phố đã có những công trình mới tiêu biểu như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đường đi bộ Nguyễn Huệ, đường sách Nguyễn Văn Bình… nhưng cũng đã làm mất một số di sản mang tính hồn cốt văn hóa của thành phố. Ví dụ, việc xây dựng đường Võ Văn Kiệt đã khiến Thành phố đánh mất một số di sản “trên bến dưới thuyền”, hay khi xây dựng khu Ba Son, nhiều di sản công nghiệp hàng hải của thành phố cũng không còn…

Tọa đàm “Không gian văn hóa công cộng tại TPHCM: thực trạng, nhu cầu và giải pháp”
Tọa đàm Không gian văn hóa công cộng tại TPHCM: thực trạng, nhu cầu và giải pháp

Để cải tạo, phát triển không gian văn hóa công cộng, TPHCM phải làm rất nhiều điều trong nhiệm kỳ mới, cần rà soát quy hoạch - cái gì bảo tồn, cái gì phát triển, thiết kế như thế nào, chính sách cụ thể để bảo vệ công trình di sản… Đặc biệt, làm sao để thành phố có không gian dành cho đi bộ nhiều hơn, có thêm cây xanh, giữ được những công viên, công trình tiêu biểu…

Bà Phạm Phương Thảo cũng cho rằng với TPHCM - Thành phố mang tên Bác thì việc Báo cáo Chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần XI đề cập nội dung: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh” là điều cần thiết.

“Việc hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ là việc quy hoạch và phát triển các công trình văn hóa, các thiết chế văn hóa, mà còn là xây dựng các chương trình nghệ thuật mang tính tư tưởng, thẩm mỹ, phong phú, hấp dẫn gắn với cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh không giới hạn ở những nơi Bác đi qua, dừng chân mà cần được quy hoạch, thiết kế sao cho phù hợp để mọi người khi đến với TPHCM sẽ cảm nhận được đây là thành phố mang tên Bác”, bà Phạm Phương Thảo nêu ý kiến.

Một không gian văn hóa công cộng khác được TS. Nguyễn Thị Hậu đặt vấn đề là không gian vỉa hè. Nhiều nhà nghiên cứu đô thị đã chỉ ra “vỉa hè không chỉ dành cho người đi bộ” mà còn là không gian có chức năng văn hóa, kinh tế - một không gian chia sẻ lợi ích cho mọi đối tượng.

Bà Phạm Phương Thảo:
Bà Phạm Phương Thảo: “Không gian văn hóa công cộng tại TPHCM còn rất thiếu, rất nghèo nàn, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân!” 

Hiện nay, TPHCM chưa có quy hoạch sử dụng vỉa hè khoa học và chia sẻ lợi ích trên nền tảng không gian công cộng. Những gánh hàng rong ở vỉa hè (hình thức kinh tế phi chính thức là một nét văn hóa đô thị, nhất là ở các quốc gia châu Á), nếu làm mất đi cũng là mất đi nét văn hóa thu hút khách du lịch.

Không gian vỉa hè cũng góp phần làm giãn cách sự phân tầng các tầng lớp đô thị. Nếu tổ chức tốt và phân chia tốt lợi ích sẽ kéo gần hơn các cộng đồng xã hội.

"Dù khó cách mấy, thành phố cũng phải xây dựng trả lại bằng được một Nhà hát cải lương đúng chuẩn!

Rạp Hưng Đạo hiện tại có thể xem xét chuyển đổi cho Nhà hát Kịch sân khấu Nhỏ TPHCM. 45 năm rồi thành phố chỉ có nhà hát Bến Thành và Hòa Bình là không đủ.

Bên cạnh đó, việc cải tạo đường Tôn Đức Thắng thành không gian đi bộ, tuyến đường trình diễn nghệ thuật ánh sáng; việc mở rộng Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM mang bản sắc riêng của thành phố… cũng đang được xem xét".

(Ông Phan Nguyễn Như Khuê -Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM)

TS.Nguyễn Thị Hậu cũng quan tâm đến nguy cơ biến mất của không gian kinh tế - văn hóa chợ Bến Thành khi nhà ga metro khu vực Bến Thành thành hình cùng với trung tâm thương mại lớn tại đây.

TS.KTS Vũ Việt Anh đã chia sẻ kinh nghiệm về việc phát huy giá trị cộng đồng trong các không gian công cộng ở một số nước. Điển hình như kênh Cheongyecheon ở Seoul - Hàn Quốc (vai trò tương tự như kênh Nhiêu Lộc của TPHCM). Vào thập niên 1960, dưới sức ép phát triển đô thị, người Hàn đã lấp kênh để làm thành đường cao tốc với lưu lượng giao thông lớn.

Năm 2005, với tầm nhìn mới của Thị trưởng Seoul Lee Myung Bak (sau này trở thành Tổng thống Hàn Quốc giai đoạn 2008 - 2013), chính quyền Seoul quyết định khôi phục dòng kênh xuyên trung tâm nhằm cải tạo môi trường và nâng cấp mỹ quan đô thị. Với việc mạnh dạn chuyển đổi không gian giao thông cơ giới thành không gian cho người dân, nơi đây đã trở thành không gian công cộng thu hút rất đông người dân và du khách.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ
Đường đi bộ Nguyễn Huệ, không gian văn hóa công cộng thu hút nhiều người dân thành phố và khách du lịch

Tương tự, dù thời tiết Bắc Âu giá rét nhưng Đan Mạch đã quy hoạch mạng lưới đường dành cho xe đạp đầu tiên trên thế giới. Thủ đô Copenhaghen cũng nổi tiếng là “đô thị xe đạp”, chỉ cần 10% dân số sử dụng xe đạp đã giúp tiết kiệm 10 USD chi phí y tế, tăng 61.000 năm tuổi thọ…

Theo KTS Vũ Việt Anh, thành phố đã chuyển những không gian giao thông thành không gian văn hóa công cộng như đường đi bộ Nguyễn Huệ và đường sách TPHCM, điều này chứng minh không gian văn hóa công cộng không thiếu, chỉ là cần sự chung tay của chính quyền và người dân.

“Nhìn ra các nước” là điều tất yếu, tuy nhiên, TS. Lê Hồng Phước cũng cho rằng cần cân nhắc, vì không phải điều gì của nước ngoài cũng ứng dụng được ở Việt Nam và không gian văn hóa công cộng luôn phải đi kèm với bản sắc văn hóa.

“Với TPHCM, đờn ca tài tử - cải lương chắc chắn phải có vị trí xứng đáng trong không gian văn hóa công cộng của thành phố. Ví dụ ở trạm xe buýt có poster về nghệ thuật đờn ca tài tử thì du khách đến TPHCM sẽ nhận ra ngay giá trị khác biệt, hay một góc nhỏ của đường sách, nơi rất đông người dân và du khách qua lại, có tiếng đờn lời ca... Đã đến lúc phải đưa đờn ca tài tử - cải lương vào các tuyến du lịch…”, TS. Lê Hồng Phước đề xuất.

Đường sách TPHCM, không gian văn hóa công cộng là điểm nhấn văn hóa của TPHCM
Đường sách Nguyễn Văn Bình, điểm nhấn văn hóa của TPHCM

Ghi nhận các ý kiến tại tọa đàm, ông Phan Nguyễn Như Khuê -Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cũng chia sẻ thông tin Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã thống nhất tờ trình về 11 sự kiện tiêu biểu thường niên cho hoạt động văn hóa của TPHCM, tạo tiền đề đi sâu nâng cao đề cương xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, thể hiện rõ nét bản sắc thành phố mang tên Bác, sẽ đưa xin ý kiến HĐND trong thời gian tới.

Quận 3 cũng đã đề xuất với Bí thư Thành ủy TPHCM cho phép nghiên cứu tạo lập không gian Phố đi bộ trên địa bàn quận, có thể là đường Nguyễn Thượng Hiền hoặc khu vực Hồ Con Rùa.

Tại buổi tọa đàm, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM đề xuất khu vực Hồ Con Rùa trở thành không gian công cộng phục vụ nhân dân với các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trong đó có 2 chương trình đặc biệt đờn ca tài tử - cải lương (thứ Bảy), chương trình dành cho thiếu nhi (Chủ nhật)…

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI