PNO - Hành trình dẫu khó khăn, vẫn thắp sáng hy vọng về sự lan truyền tích cực trong cộng đồng, khát khao hướng về cội nguồn và những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.
Sẵn sàng đầu tư nhiều tâm huyết, chi phí cho các tác phẩm nghệ thuật, thật lạ, mục tiêu của nhiều nhà đầu tư không phải là lợi nhuận, mà là ước vọng giữ lại những giá trị truyền thống, mang những giá trị đó đến với công chúng. Hành trình dẫu khó khăn, vẫn thắp sáng hy vọng về sự lan truyền tích cực trong cộng đồng, khát khao hướng về cội nguồn và những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.
Chương trình Quán thanh xuân mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả
“Khi viết về quá khứ, tôi nhận ra mình là ai, hiểu rõ hơn vì sao mình yêu tha thiết một thành phố, dù nó dần dần không còn giống nơi chốn mình yêu thương; vì sao gắn bó với xóm giềng, cây cỏ, thời tiết, khí hậu xung quanh, khi tất cả đã dần biến dạng, và vì sao luôn cố gắng truyền cho con một điều gì đó của quá khứ. Đó là mật mã để gắn kết các thế hệ, mà nhiều khi mong muốn truyền đi như một thứ bản năng có sẵn” - nhà báo Phạm Công Luận đã bộc bạch như thế về tác phẩm mới: Những bức tranh phù thế (Phương Nam Books và nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ vừa ấn hành).
Chương trình Quán thanh xuân
Dù đã có rất nhiều tác phẩm công phu viết về Sài Gòn (bộ Sài Gòn - chuyện đời của phố), Phạm Công Luận vẫn tiếp tục chọn nơi này cho thiên tùy bút mới. Ký ức mang tính tự sự cá nhân trộn lẫn cùng những hồi ức về Sài Gòn của những năm tháng cũ, tạo nên “những bức tranh phù thế” đa sắc màu, của những riêng mang, níu giữ, mất còn, hy vọng… “Bàn phím tôi du hành ngược thời gian, để được lần nữa nếm miếng bánh tráng kẹo mạch nha ngọt lịm của ngày xưa, hút nhụy hoa trong cuống bông bụp trồng bên hàng rào, nhai lại hạt điệp vàng thơm bùi và đăng đắng. Đó là những khoái cảm đơn sơ nhưng nhớ lâu...” - Phạm Công Luận bày tỏ.
Khi thời gian đi qua, những tinh túy còn lại của năm tháng chính là vàng son ký ức được chắt lọc, ở lại trong đời người. Bởi thế, trong vô số tựa sách, đề tài mới, sách (hay phim) về Sài Gòn xưa luôn chiếm được cảm tình của công chúng. Đầu năm 2019, làng sách không chỉ chào đón tác phẩm viết về ký ức Sài Gòn, mà Huế, Hội An, Hà Nội cũng được các cây bút trẻ chọn để gửi gắm tâm tư, tình cảm.
Huế quen thuộc và cổ kính hiện lên quyến rũ dưới ngòi bút của nhà văn trẻ Lê Vũ Trường Giang, trong tác phẩm Căn cước xứ mưa (nhà xuất bản Kim Đồng). Góc nhìn của người trẻ vừa mang tính khám phá, vừa phác họa được diện mạo văn hóa, lịch sử của một vùng đất. Ngược vào Quảng Nam - Hội An, tác giả Nguyễn Thị Anh Đào có Mùa đi trên những mái rêu, viết trong mạch cảm xúc chậm rãi mà thấu hiểu. Cây bút trẻ Khúc Cẩm Huyên viết Cầm tay Hà Nội để bày tỏ tình cảm, kỷ niệm với thủ đô ngàn năm văn hiến. Những cuộc tìm về ký ức chạm đến các giá trị đẹp đẽ, tinh tế của đất và người, mang người viết trẻ về với vàng son xưa cũ.
Màn ảnh nhỏ cũng đang có một điểm hẹn hoài niệm:chương trình Quán thanh xuân (20g tối Chủ nhật, tuần đầu tiên trong tháng). Hiện chương trình đã phát sóng được hai số: Mùa chim làm tổ, Radio và chiếc cassette. Sắp tới là các chủ đề: Sân ga và những chuyến tàu, Ban nhạc cựu trào, Khu nhà tập thể, Du học sinh Nga, Truyền hình thời đen trắng, Mối tình đầu, Ký túc xá, Kịch Lưu Quang Vũ… Mỗi chương trình gồm ba phần: Gặp nhau là thanh xuân, Vết xước tuổi thanh xuân và Thanh xuân là cảm xúc. Sân khấu mang màu sắc hoài cổ, âm nhạc chủ yếu là những ca khúc vượt thời gian, những giai điệu gắn bó với bao người.
Ký ức được kể lại từ Quán thanh xuân đều là những nghệ sĩ, khách mời đã lớn tuổi. Ở đó, họ được nhắc nhớ lại tuổi trẻ, năm tháng không quên với bao biến chuyển của đời sống, thời cuộc. Có niềm vui, nụ cười và cả nước mắt cho những hồi ức đẹp lẫn bùi ngùi. Nhà báo - MC Diễm Quỳnh bày tỏ mong muốn rằng, ở Quán thanh xuân, mọi người có thể bỏ qua những rào cản tuổi tác, khoảng cách thế hệ, để chỉ còn lại ký ức đẹp, thấm đẫm trong giai điệu.
Chương trình đã kỳ công tìm kiếm được những kỷ vật từ hơn nửa thế kỷ trước, từ các khách mời, những nhà sưu tập. Ký ức được nhiều người cùng nhau nhắc nhớ, làm đầy, mang đến cho người xem nhiều cảm xúc.
“Nếu bây giờ không làm, có thể một thời gian nữa, mọi thứ thuộc về không gian cũ sẽ mất hết” - đạo diễn Phương Điền tâm tư, khi anh lặn lội hàng tháng trời ở miền Tây để tìm bối cảnh cho bộ phim truyền hình Giông bão (chuyển thể từ vở kịch Lôi Vũ). “Bối cảnh đa phần phải tận dụng những ngôi nhà cổ, khéo léo dàn dựng ở mức có thể tạm chấp nhận; nhưng cũng có những nơi phù hợp cho nội cảnh thì ngoại cảnh lại không ổn, nơi đồng ý cho đoàn phim quay hình thì vật dụng bên trong lại thiếu thốn, mà không phải nơi nào mình cũng được tự ý cải tạo, dàn dựng kê thêm đồ đạc” - đạo diễn Phương Điền nói. Có lần, anh đi vào đồng sâu mới tìm được một không gian tạm ưng ý cho bối cảnh nhà xưa bến nước.
Phim Giông bão sẽ lên sóng THVL1 trong năm nay
Đó là chưa kể công sức lẫn kinh phí cho phim xưa thường phải gấp 3, 4 lần phim đề tài hiện đại; mọi thứ đều phải chắt chiu, “liệu cơm gắp mắm”. Phải thừa nhận, phim xưa luôn được hoàn thành từ nỗ lực vượt khó và cả lòng tận tụy, kiên trì của những người thực hiện.
Cuộc tìm về với những giá trị truyền thống còn thể hiện ở đề tài được các phim truyền hình khai thác. Vừa lên sóng gần đây là Ngũ hợi tấn hỷ (đạo diễn Dũng Nghệ, xoay quanh nghề làm nước mắm truyền thống, Vương tơ (đạo diễn Nguyễn Đức Việt) về một làng lụa ở Hà Nội…