PNO - Nếu xếp hạng, có lẽ không gia đình - chẳng người thân - là nỗi sợ hãi lớn nhất của con người, cho dù thế giới có đổi thay và tiện nghi tới mức nào đi nữa.
Và đó là lý do hơn 141 năm qua tác phẩm Không gia đình vẫn làm triệu triệu người xúc động.
Một thế hệ đọc sách đến khét cơm
Thế hệ chúng tôi tiếp cận Không gia đình bằng bản sách khổ 13 x 19, giấy đen, luôn có một mặt bóng một mặt nhám, chữ nơi mờ nơi tỏ do thời đó, các nhà in còn xếp chữ chì và kỹ thuật in cũng phụ thuộc nhiều vào độ tỉnh táo của các thợ in, thợ xếp chữ cùng người pha mực trong nhà máy. Vậy mà, sách tới tay ai, lập tức được đứa trẻ đó ôm riết dưới ánh đèn dầu hay trong xó nhà, bên hiên cửa. Bạn bè tôi có đứa bị giáo viên phạt vì mải đọc sách trốn làm bài tập, có đứa lại đọc trong lúc trông nồi cơm trên bếp nên làm khét cơm… bởi bập vào trang sách là không sao dứt được.
Ra mắt năm 1878, tác phẩm Không gia đình (Sans Famille) của Hector Malot nhanh chóng đoạt giải thưởng của Viện Hàn lâm văn học Pháp, được dịch ra hàng trăm ngôn ngữ. Nhiều bộ phim điện ảnh và truyền hình bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và cả tiếng Nga đã được sản xuất.
Tại Việt Nam, bản dịch Không gia đình của dịch giả Huỳnh Lý được nhà xuất bản Văn học (Hà Nội) cho ra đời năm 1951. Ở miền Nam, bản dịch Vô gia đình của dịch giả Hà Mai Anh (cũng là dịch giả bộ sách Tâm hồn cao thượng) đã đoạt giải thưởng cao nhất về dịch thuật năm 1970.
Sách có một ít hình minh họa giúp cho mỗi đứa trẻ từ đó đeo đuổi tưởng tượng về các nhân vật, thả tâm trí bay bổng trên thảo nguyên, cánh rừng, dòng sông, các thị trấn, làng mạc châu Âu theo cách của riêng mình. Tôi nhớ mãi mình đã tưởng tượng đủ thứ quanh hình minh họa cậu bé Rémi co ro bị kẹt trong hầm mỏ suốt 14 ngày đêm bên nỗi lo: để sống sót, những người lớn đói khát phải ăn thịt đứa trẻ nhỏ nhất.
Rémi, nhân vật chính trong sách xưng tôi, dẫn độc giả đi suốt hành trình phiêu lưu cùng số phận của mình. Bị bỏ rơi trong một chiếc giỏ, thuở nhỏ cậu sống với mẹ nuôi và con bò ở một vùng quê nghèo nước Pháp. Một ngày xấu trời, cậu bị cha nuôi đẩy ra khỏi nhà rồi được một ông già mua lại. Từ đây, cậu sống lang thang trong gánh xiếc thú của ông già Vitalis, một ông chủ có tính cách lạ lùng. Cùng với ông cụ Vitalis, Rémi còn có nhóm bạn bè là đàn thú đã được huấn luyện để biểu diễn kiếm tiền. Họ đi khắp các thành phố, làng quê từ Pháp sang Anh, ngủ trong những phòng trọ tồi tàn, luôn thiếu tiền, đói khát. Trên mỗi bước đường rong ruổi, ông cụ đã dạy Rémi học chữ, học hát, dạy cậu những bài học về sự dũng cảm, niềm tin, ước mơ và ý chí.
Sau những lần chết hụt trong bão tuyết, trong hầm mỏ, trong tù, tới lúc mất đi người thân thiết nhất là cụ Vitalis, cậu bé Rémi phải xốc mình để sống tiếp. May mắn, cậu có người bạn tốt và lòng tốt tiếp sức để lần mở các manh mối đi tìm gia đình. Qua những lần nhận lầm cha mẹ, Rémi đã nhận được cái kết hạnh phúc bên người mẹ quý tộc và đứa em trai.
Trẻ thời nay khó “nạp” văn học cổ điển
Tuy là sách gối đầu giường của thế hệ 6x, 7x, 8x nhưng hiện nay, thật khó để thuyết phục một đứa trẻ đọc Không gia đình. Làm ngành xuất bản, tôi có nhiều ngày quan sát ở các nhà sách, các hội sách và chưa bao giờ thấy đứa trẻ nào tự tay lấy cuốn sách Không gia đình trên kệ. Ngay cả khi tôi giới thiệu, mời chào bán giảm giá ở quầy sách, chúng cũng chỉ lật qua vài trang rồi lịch sự trả lại.
Thị hiếu đọc và nhịp sống đã thay đổi rất nhiều. Khi con cái chúng ta lớn lên ở thời đại mà các hình ảnh trực quan sinh động của các thiết bị công nghệ chiếm hữu, trí tưởng tượng không phải là mất đi, mà nó theo tiến độ nhanh hơn, mang màu sắc hành động thì những tác phẩm văn học không còn sức hút với bọn trẻ. Trên thị trường, một số công ty, nhà xuất bản đã nỗ lực đưa các tác phẩm văn học kinh điển thế giới ra nhà sách dưới hình thức vẽ lại theo nét vẽ truyện tranh manga hay comic. Một số tác phẩm khác được lược dịch với những bản in mỏng và hình minh họa rực rỡ đi kèm. Hình thức truyện tóm lược này dù bị người yêu văn học lên án là không mang đầy đủ nội dung và tinh thần nguyên tác, phá vỡ tính văn học nhưng theo tôi, dẫu sao cũng chuyển được thông điệp chung của tác phẩm và được những đứa bé “mọt sách” chọn mua. Sẽ thật đáng tiếc khi từ một tác phẩm có sức lan tỏa thời đại, nhiều tác phẩm văn học đã bị bọn trẻ bỏ lơ.
Những tiếng thút thít trong rạp phim
Khi bộ phim Không gia đình chiếu ở các rạp trên toàn quốc dịp Giáng sinh 2018, một cô bạn tôi đã kêu lên rằng, ước gì bộ phim đặc tả bóng cây táo bên nhà bà má nuôi Rémi. Trong tưởng tượng của cô khi đọc tác phẩm, cảnh đứa bé bị mang ra khỏi nhà, gào khóc trên con dốc nhìn về cây táo đã ám ảnh không nguôi. Tuy vậy, điện ảnh vẫn làm tốt nhiệm vụ của nó theo cách khác với văn học. Khi trí tưởng tượng tạm bị giới hạn, những hình ảnh cụ thể của phim ảnh sẽ giúp cảm xúc mặc sức nhào lộn.
Phim Không gia đình 2018 được quay quá đẹp. Đẹp đến nao lòng. Rất nhiều góc quay rộng với mênh mang đồng cỏ, thảo nguyên, hàng cây, kênh nước, lâu đài, rừng thẳm... Một ông cụ râu tóc bạc phơ, một cậu bé tóc quăn mắt nâu bước thấp bước cao trên đồng cỏ với cây đàn trên vai… Phim nhấn nhá chi tiết kịch tính khiến khán giả rơi nước mắt vì thương cảm nhưng ngay sau đó chuyển cảnh để người xem lập tức mỉm cười lạc quan. Trong rạp, rất nhiều lần tôi nghe vang lên hàng loạt tiếng thút thít. Khi tôi choàng tay rờ đôi má ướt nước mắt của con, tôi đã thầm cảm ơn đạo diễn dạy bọn trẻ biết xúc động vì tình người, biết ngẩng mặt lên, nhìn xa trông rộng (nghĩa đen) mà tận hưởng thiên nhiên, cảm thụ những giá trị chân-thiện-mỹ thay vì cha mẹ phải ra rả bằng lý thuyết.
Gia đình và phẩm chất tinh hoa quý tộc
Hector Malot là cha đẻ của rất nhiều tác phẩm văn học nhưng đưa ông lên hàng đại văn hào chính là hai cuốn sách đề tài gia đình mang tên Không gia đình và Trong gia đình. Ngợi ca giá trị sống, tình cảm gia đình nhưng tác giả cũng khẳng định: “Ở đâu có tình yêu thương, sự tôn trọng, đó chính là gia đình, không nhất thiết phải có mối quan hệ ruột thịt”.
Như cậu bé Rémi, trong gánh xiếc nghèo khó, trải qua bao khốn khó đói khát, đã được học những kỹ năng sống, được khích lệ để phát triển lòng nhân ái và đạo đức. Trong khi đó, trong truyện cũng không thiếu những gia đình đầy đủ mẹ cha nhưng cách nuôi dạy, đối xử của họ lại thật sự là địa ngục đối với bọn trẻ. Những phụ huynh xấu xa, tính toán rồi sẽ cho ra đời những đứa trẻ tàn nhẫn, lừa lọc và thiếu ý chí.
Người ta hay phàn nàn bọn trẻ giờ sống trọng vật chất. Có lẽ đó là do lỗi của người lớn, khi cả xã hội dàn hàng ngang tiến lên với quan điểm: chỉ vật chất, vai vế mới xác định chỗ đứng, giá trị của một ai đó. Với tôi, Không gia đình mang tinh thần quý tộc châu Âu, nơi người ta đào tạo ra những tinh hoa không chỉ bằng quần áo đẹp hay điều kiện sống. Tinh hoa của quý tộc phải là bảo tồn và phát triển những giá trị tốt đẹp của con người... Quý tộc là cách bạn cư xử đẹp với xung quanh và gìn giữ nhân bản, chứ quý tộc không phải bắt nguồn từ dòng máu. Và Rémi, đứa trẻ mang dòng máu quý tộc nhưng được nuôi dạy bởi những người nghèo khổ như bà má nuôi hay ông cụ Vitalis, vẫn thấm đẫm phẩm chất tinh hoa…
Những câu văn tuyệt đẹp dẫn dắt…
“Tôi là một đứa trẻ mà người ta nhặt được.
Nhưng cho đến lúc tám tuổi tôi vẫn thường bảo người ta rằng tôi có một người mẹ bởi vì những lúc tôi khóc lại có một người đàn bà nhẹ nhàng ôm siết tôi trong hai cánh tay và ru tôi khiến nước mắt tôi ngừng chảy.
Khi tôi đi ngủ, không bao giờ bà không đến ôm hôn tôi và khi gió tháng mười hai làm tuyết dán chặt vào các tấm kính cửa sổ trắng xóa, bà nắm lấy hai bàn chân tôi và cứ sưởi ấm chân tôi trong bàn tay bà, và hát cho tôi nghe bài hát mà ngay đến bây giờ tôi còn nhớ lõm bõm vài câu. Khi tôi cãi nhau với một vài đứa bạn, bà bảo tôi kể cho bà nghe những nỗi buồn của tôi để tìm lời an ủi hoặc thừa nhận là tôi có lý.
Bằng vào những cái đó và nhiều cái khác nữa như cách bà nói với tôi, nhìn tôi, vuốt ve tôi, mắng tôi một cách trìu mến, tôi tin rằng bà là mẹ tôi”…