Không "găm hàng" tạo cơn sốt máy đo nồng độ oxy

24/07/2021 - 06:37

PNO - Các chuyên gia khuyến cáo người dân ở vùng an toàn, chưa thuộc diện cách ly y tế không nên bỏ tiền mua máy đo nồng độ oxy trong máu (SpO2) để tránh lãng phí, dẫn tới khan hàng trong khi người thực sự có nhu cầu lại không được tiếp cận.

Máy đo SpO2 “cháy hàng”

Trước tình trạng số ca mắc COVID-19 liên tục gia tăng tại TPHCM, gần đây, người dân đang săn lùng máy đo SpO2. Chị N.T.H. (ngụ quận 7, TPHCM) cho hay, hiện nay TPHCM đã cho thí điểm cách ly F1, F0 tại nhà. Điều này khiến chị lo lắng bởi trong trường hợp không may trở thành đối tượng cách ly thì cần có thiết bị theo dõi nồng độ SpO2 để có thể tự kiểm tra sức khỏe bản thân.

Giá của các loại máy đo SpO2 cầm tay dao động trong khoảng vài trăm ngàn đồng đến trên một triệu đồng. Tuy nhiên hai ngày qua, liên hệ với nhiều nơi cung cấp máy qua mạng, chị đều nhận được thông báo sản phẩm đã “cháy hàng”, phải chờ ít nhất 7 - 10 ngày.

Tương tự chị H., dù đã mua sẵn cho gia đình một chiếc máy đo cầm tay SpO2 nhưng chị P.Y.N. (quận 2, TPHCM) vẫn đang cố gắng tìm mua thêm cho bố mẹ sản phẩm tương tự để “phòng thân”.

“Trong thời gian này, không thể thăm nom người thân thường xuyên, tôi muốn cập nhật tình trang sức khỏe hằng ngày của bố mẹ để tiện theo dõi, gọi cơ quan y tế trong tình huống xấu”, chị N. cho hay.

Theo khảo sát của chúng tôi, những ngày này, nhiều mặt hàng thuốc, thiết bị y tế được sử dụng trong điều trị COVID-19, trong đó có máy SpO2, đang trở nên khan hiếm vì tâm lý tích trữ của người dân và tình trạng “găm hàng” của nhiều nơi bán.

Các sản phẩm này đều được quảng cáo với những ưu điểm như: dễ dàng sử dụng và mang lại kết quả chính xác. Ngoài thông số SpO2, thiết bị này còn đo cả nhịp tim của người sử dụng. Chỉ cần kẹp ngón tay vào đúng vị trí và nhấn nút, các thông số sẽ hiển thị lên màn hình. Thiết bị sẽ cảnh báo nếu phát hiện nhịp tim dưới 50 nhịp/phút, cao hơn 130 nhịp/phút hoặc chỉ số SpO2 thấp hơn 94%.

Dù giá sản phẩm chênh lệch khá xa, với tâm lý “hàng đắt chất lượng cao”, nhiều người vẫn sẵn sàng chi tiền triệu để mua máy.

Phó giáo sư - tiến sĩ Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), cho biết đối với bệnh nhân COVID-19, nồng độ oxy trong máu SpO2 là một trong những thông số quan trọng bậc nhất để theo dõi sức khỏe nhằm đảm bảo can thiệp kịp lúc và xử trí phù hợp. Thiết bị này không khó sử dụng, thậm chí dễ hơn cả máy đo huyết áp điện tử.

Tuy nhiên, chuyên gia này vẫn khuyến cáo người dân không nên bỏ tiền mua thiết bị khi chưa cần thiết: “Các loại máy này chỉ thực sự cần với các bệnh nhân là F0 đang cần phải theo dõi sức khỏe và điều trị. Họ có thể tự sử dụng để cập nhật tình trạng sức khỏe của bản thân cho nhân viên y tế. Còn nếu bạn đang ở vùng an toàn hoặc sức khỏe hoàn toàn bình thường, vẫn đang thực hiện tốt theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế thì không nên mua bởi sức mua tăng sẽ vô tình tạo ra cơn sốt, khiến thiết bị này không được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ”.

Phó giáo sư - tiến sĩ Hoàng Bùi Hải phân tích, trong bối cảnh dịch bệnh, chúng ta cần đề cao tính cộng đồng. Không chỉ máy đo SpO2 mà nhiều trang thiết bị y tế khác, nếu người dân cùng đổ xô tích trữ thì có thể khiến những người thực sự cần - những bệnh nhân COVID-19 - không có phương tiện theo dõi sức khỏe, giá cả cũng vì vậy mà leo thang.

 

Người dân không nên mua, tích trữ máy đo nồng độ ô-xy khi chưa thật sự cần thiết
Người dân không nên mua, tích trữ máy đo nồng độ oxy khi chưa thật sự cần thiết

“Những người mắc COVID-19, sau khi khỏi bệnh hoàn toàn có thể chuyển máy cho người khác để tránh lãng phí. Hiện nay, đã có nhiều tổ chức từ thiện tặng thiết bị này cho các khu vực điều trị F0 - những nơi thực sự cần tới”, phó giáo sư - tiến sĩ Hoàng Bùi Hải nhấn mạnh.

Theo dõi SpO2 qua ứng dụng điện thoại

Đồng quan điểm với phó giáo sư - tiến sĩ Hoàng Bùi Hải, bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM) - khẳng định người dân không nên bỏ tiền mua thiết bị đo SpO2 để tránh lãng phí. Hãy dành thiết bị này cho các bệnh nhân COVID-19 cần sử dụng theo hướng dẫn của cán bộ, nhân viên y tế. Người dân ở khu vực có nguy cơ, ở vùng dịch nhưng chưa thuộc diện cách ly hoàn toàn có thể sử dụng ứng dụng đo SpO2 có trên điện thoại hay một số loại đồng hồ thông minh.

“Tuy độ chính xác của các ứng dụng này không bằng các loại máy chuyên dụng bán trên thị trường nhưng với kết quả chính xác hơn 90% và mang ý nghĩa tham khảo, những ứng dụng trên hoàn toàn phù hợp”, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên người dân dùng ứng dụng trên điện thoại để kiểm tra sức khỏe.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo, không cần tới thiết bị đo SpO2. Khi có dấu hiệu mệt mỏi, tim đập nhanh, vã mồ hôi, có cảm giác chóng mặt lúc đứng lên ngồi xuống, người dân cần kiểm tra sức khỏe. “Các bệnh nhân F0 nên tự theo dõi, nếu thấy các triệu chứng trên cần liên lạc ngay với nhân viên y tế để được chuyển tới bệnh viện trong trường hợp tự cách ly tại nhà”, bác sĩ Hoàng Bùi Hải lưu ý. 

Hiểm họa khi dự trữ oxy tại nhà

Không chỉ máy đo SpO2, nhiều người dân tại TPHCM còn tìm mua máy tạo oxy, máy trợ thở, bình oxy... để tự dùng tại nhà.

Trước tình trạng này, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - nói đối với các trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 có xuất hiện tình trạng suy hô hấp, khó thở thì việc sử dụng các thiết bị, hệ thống hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân là cần thiết.

Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân COVID-19 đều cần thở máy. Việc thiết lập, vận hành và đưa vào sử dụng hệ thống máy thở cũng khác và yêu cầu cao hơn so với các thiết bị theo dõi sức khỏe thông thường mà người dân có thể sử dụng nên cần được thực hiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị phụ trợ cũng như có đội ngũ cán bộ y tế được đào tạo chuyên môn bài bản để vận hành.

Bên cạnh đó, quá trình bệnh nhân sử dụng máy thở cũng cần được kiểm tra, theo dõi định kỳ, thực hiện các xét nghiệm cần thiết để có những chỉ định và xử lý kịp thời.

Mới đây, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố rà soát và bảo đảm khả năng cung cấp oxy y tế; sẵn sàng ứng phó trước mức độ lan truyền, tăng số bệnh nhân nặng ở các tỉnh, thành phố; tuyệt đối không để tình trạng thiếu oxy y tế trong cấp cứu, điều trị. 

“Bộ Y tế và TPHCM cam kết không thiếu máy thở cho người bệnh, do đó người dân hoàn toàn có thể yên tâm. Người dân không nên mua, tích trữ máy thở vì chẳng những gây lãng phí (do không thể tự dùng được) mà còn tạo sự khan hiếm nguồn cung khiến các cơ sở y tế, bệnh viện có thể không mua được máy cho bệnh nhân cần trong trường hợp dịch có những diễn biến khó lường”, ông Nguyễn Trọng Khoa nhấn mạnh. Bên cạnh đó, việc tích trữ các bình khí oxy tại nhà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn.

Huyền Anh

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI