Không ép con, trách con là… cứu con

18/05/2022 - 05:55

PNO - Tôi đau lòng đến không thở nổi. Chuyện bạo lực học đường tôi cũng từng thấy nhiều trên phim, nhưng không nghĩ lại xảy ra ngay với con mình.

Giữa năm con trai học lớp Chín, tôi bỗng thấy con học kém hẳn, điểm số có môn còn dưới 5. May mắn là nhờ con khá ngoại ngữ nên cuối kỳ cũng kéo điểm được trên trung bình. Vợ chồng tôi không đặt yêu cầu cao, chỉ mong con học xong lớp 12 rồi muốn lên tiếp đại học hay chọn trường nghề thì tùy con. 

Nhưng mới lớp Chín mà học kém, lỡ mức lưu ban hay không vào được lớp 10 thì vợ chồng tôi thấy khó mà chấp nhận sự thật. Tôi trò chuyện với con, đến trường gặp giáo viên chủ nhiệm, hỏi thăm cả bạn của con, nhưng mọi người đều nói cháu bình thường, chỉ là… tự nhiên học kém. 

Làm cha mẹ, chắc không ai vui khi con mình học chưa hết lớp Chín, nhưng may mắn sao, nhờ tham khảo ý kiến nhiều người nên tôi không ép buộc con.

Tôi vẫn động viên con học, song tôi nói với con rằng học không phải là lựa chọn duy nhất, vẫn còn những con đường khác. Thật ra nói thế là dối lòng thôi, tôi đã nghĩ đến chuyện vợ chồng ráng tích lũy để lại cho con, vì không học hết cấp II thì chẳng biết con có thể làm gì để ăn. 

Cả nhà cùng cố gắng, cuối cùng con cũng lên được lớp 10 trường công lập. Vợ chồng tôi khi đó mới tạm thở phào, dù gì cấp III cũng tốt hơn cấp II. Từ khi học trường mới con thay đổi hẳn, nói nhiều hơn, chơi bóng rổ, học boxing, cuối tuần còn đi đá banh với các anh họ. Vận động nhiều nên vóc dáng con cũng dần trở nên rắn rỏi, không yếu ớt như trước. 

Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory
Cũng may tôi đã không ép con học tốt bằng mọi giá (Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory)

 

Con tôi trước kia có làn da trắng, người mảnh mai lại nói năng nhỏ nhẹ nên thời điểm học cấp II luôn bị mọi người trêu chọc giống con gái. Nhờ chơi thể thao ngoài nắng nên da con đã ngăm ngăm, lại đổi giọng do dậy thì nên không như dáng vẻ lúc trước. Chị gái khen em trai “dạo này nhìn mạnh mẽ nam tính, hồi nhỏ trắng trẻo dễ thương nhưng hơi ẻo lả”.

Nhìn sự thay đổi về ngoại hình của con, tôi mơ hồ nhận ra dường như thời gian cấp II con gặp vấn đề về ngoại hình, có lẽ nghiêm trọng đến mức khiến con học không nổi. Chuyện này quá tế nhị, tôi không dám hỏi thẳng. Dù gì tuổi này vẫn còn rất ẩm ương, con đang chuyển mình theo hướng tính cực, sợ rằng câu hỏi gợi lại quá khứ mà con muốn quên. Chồng tôi cũng… nhát, không dám hỏi, nên nhờ con gái thăm dò. 

Một thời gian sau con gái nói ba mẹ yên tâm đi, em giờ ổn rồi, không còn vấn đề gì nữa. Con gái đã hứa với em giữ kín chuyện này, nên sẽ không trả lời ba mẹ. Thấy hai chị em thân thiết, vợ chồng tôi cũng bớt lo. Làm cha mẹ thời 4.0 cũng thật vất vả, cảm giác con cái như pha lê, chạm mạnh là vỡ. 

Giờ con trai đã học lớp 11, quá khứ đã qua không làm con xúc động như ngày xưa nữa. Con mở lòng và kể lại chuyện cũ. Đầu năm lớp Chín đó, lớp kế bên có một nam sinh mới chuyển đến. Bạn này biết võ lại thích đánh nhau nên đã nhanh chóng lập nhóm bắt nạt bạn học. Con cũng bị nhóm đó gây chuyện vì vẻ ngoài giống con gái, vì “nhìn… bóng thấy ghét”. 

Con thường xuyên bị bắt nạt, nếu các bạn không đi ngang đá vào người thì cũng lôi vào nhà vệ sinh đánh. Nhóm bạn đó rất dữ tợn, ngoài đánh những bạn không ưa, chúng còn trấn lột tiền của nhiều bạn khác, nhưng không ai dám báo nhà trường hay kể cho phụ huynh nghe. 

Con nói: “Mẹ không hình dung nổi chuyện bắt nạt trong trường kinh khủng như thế nào đâu, ai xui xẻo bị nhắm trúng chỉ biết chịu đựng thôi. Đã có bạn từng báo cô chủ nhiệm nhưng không giải quyết được gì, còn bị đánh nhiều hơn. Trường chỉ xử lý những trường hợp đánh nhau bị phát hiện, nhóm đó chỉ chọn góc khuất hay chặn ngoài cổng trường, còn cử người canh thấy giám thị đến là giải tán nên không bao giờ có thể bắt quả tang”. 

Con kể, thời gian đó con không tập trung học được, ngày nào đến trường cũng nơm nớp lo. Cũng không dám kể với ba mẹ hay chị. Thậm chí, con đã định tìm đến cái chết vì thấy bế tắc, nhưng không dám. May mắn là ngay thời điểm khủng hoảng đó, cả nhà không bỏ rơi con. Con vô cùng cảm ơn chúng tôi vì điều đó.

“Dù vẫn không dám kể chuyện bị bắt nạt, nhưng con nhớ mẹ đã nói nếu không học được nữa thì thôi, còn nhiều con đường khác. Con tự nhủ rằng cùng lắm thì mình nghỉ học, không đến trường nữa. Nhờ tâm lý thoải mái không bị áp lực chuyện học, đi được bao nhiêu thì đi, mà sau cùng con cũng “lết” được hết lớp Chín. Vì bị trêu chọc ẻo lả mà sang cấp III, ở môi trường mới, con đã quyết tâm chơi nhiều môn thể thao, phơi da ngăm để nhìn mạnh mẽ hơn”, con nói.

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Con đã chơi thể thao và trở nên rắn rỏi (Ảnh mang tính minh họa - Jcomp)

 

Nghe chuyện, tôi đau lòng đến không thở nổi. Chuyện bạo lực học đường tôi cũng từng thấy nhiều trên phim, nhưng không nghĩ lại xảy ra ngay với con mình. Chồng tôi tức giận nhưng không dám nói gì trước mặt con, chỉ trách trường cũ kỷ luật không nghiêm để đám trẻ hư lộng hành, anh đòi đến trường để làm rõ mọi chuyện. Tôi phải khuyên can mãi anh mới bỏ qua. Tôi cho rằng, giờ con đang sống vui vẻ, khơi chuyện cũ chẳng ích lợi gì. Chúng ta làm cha mẹ phải tự trách mình vô tâm trước đã, con bị ảnh hưởng tâm lý như thế mà không phát hiện ra, để con một mình chịu đựng thời gian dài. May là con đã kiên cường vượt qua.

Tôi cũng trách bản thân chưa thật sự gần gũi, nên khi gặp chuyện con không chịu chia sẻ. Nhưng may mắn là vợ chồng tôi chưa từng ép buộc các con làm những chuyện cháu không thích, luôn tôn trọng ý kiến của con.

Giờ nghĩ lại, tôi cảm giác như vừa thoát nạn, dù chuyện xảy ra đã lâu. 

Phương Nghi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI