PNO - Bằng mọi giá phải cho con vào được trường chuyên, tệ lắm cũng phải vào lớp chọn đang là mục tiêu phấn đấu của rất đông phụ huynh (PH). Để thực hiện “tham vọng” ấy, trẻ mới vào lớp 3, lớp 4 đã điên cuồng với việc học.
Chuông đồng hồ reo, 5g40, chị bật dậy chạy sang phòng cậu con trai kéo giật chân con “dậy dậy”. Cậu con trai 15 tuổi, tuổi ăn tuổi ngủ, chống tay xuống gối ngồi lên một cách khó nhọc rồi lại ình xuống. Sau ba lần bốn lượt ngồi lên - nằm xuống, cu cậu mới lờ đờ rời khỏi giường. Tối hôm qua cu cậu phải làm bài đến hơn 23g. Cùng lúc, mẹ cậu cũng thúc chồng mình nhanh chân nhanh tay để chở con đến lớp cho kịp giờ. Ngồi sau lưng ba, cu cậu gà gật khiến mẹ cậu chở tôi đi phía sau thỉnh thoảng phải cho xe vượt lên để nhắc nhở con. 6g20, đến cổng trường, cu cậu được thả xuống để mẹ lo ăn sáng. Cả ba mẹ con dì cháu dắt nhau qua quán phở gần đó, nhưng lại thấy khách quá đông, nên đành mua cho cu cậu gói xôi xéo của một cụ già ngồi gần cổng trường...
Xong chuyện, chị Văn Thụy Nga Linh, nhà ở quận 6, có con đang học trường chuyên, chở tôi vào một tiệm cà phê có bán đồ ăn sáng cách đó chừng 500m để "tám" chuyện học của con. Theo đó, lịch học mỗi ngày của đứa trẻ là học cả ngày ở trường, ăn trưa, nghỉ trưa luôn tại trường. Sau 16g chị chạy xe từ cơ quan đến trường đón con và chở đi ăn tối rồi lại đưa đến nhà cô giáo để học thêm đến khoảng 20g. Các buổi tối thứ Hai, Tư, Sáu, trẻ học thêm môn toán; các tối thứ Ba, Năm, Bảy trẻ học thêm tiếng Anh. Trong thời gian con học thêm chị thường kiếm chỗ nào đó mở ipad “giết thời gian” cho đến khi con tan học, chở con về. Về nhà, tắm rửa, ăn tối xong, trẻ lại ngồi ôn bài và chuẩn bị bài cho ngày hôm sau.
Học sinh dự khảo sát đầu vào lớp 6 THPT chuyên Trần Đại Nghĩa
Lịch biểu trên là của một học sinh (HS) đang học lớp 9 tại một ngôi trường chuyên danh tiếng bậc nhất Sài Gòn - Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Người khác có thể thấy việc học hành như thế là quá tải nhưng với chị Nga Linh và những gia đình có con học trường chuyên lớp chọn nó chẳng có gì phải ầm ĩ, bởi con họ buộc phải quen với cường độ học dày đặc như thế trong suốt chặng đường dài nhằm duy trì kết quả. “Vào được trường chuyên lớp chọn không dễ đâu, nhưng để tồn tại ở môi trường toàn trò giỏi càng khó hơn”, chị Nga Linh cho biết.
Trước đó, để đứng được vào những trường, những lớp “ưu tú” này, HS cũng đã phải vắt kiệt sức để “chạy đua” từ bậc tiểu học. Đây cũng là lý do khiến các trung tâm luyện thi vào trường chuyên, lớp chọn trở nên vô cùng “hot” trong nhiều năm qua và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tại các trung tâm này, cứ sẩm tối, lớp lớp sĩ tử nhí mặt mày phờ phạc, mắt đeo kính cận lóng ngóng chờ đến giờ vào lớp, trong đó số HS tham gia luyện thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa luôn chiếm rất đông. Hai địa điểm ôn luyện “gà chọi” thu hút đông người học nhất phải kể đến trung tâm Lý Tự Trọng và Trần Đại Nghĩa. Tại đây, không phải cứ có tiền, đến ghi danh đều được nhận, mà nhiều em phải theo ôn luyện theo lộ trình từ lớp 3, lớp 4!
Tại trung tâm luyện thi Lý Tự Trọng, chúng tôi làm quen với chị Mạc Thanh Thanh - PH có con học Trường tiểu học Minh Đạo, quận 5. Chị Thanh cho biết, đã và đang thực hiện lộ trình chuẩn bị cho con vào lớp 6 Trường Trần Đại Nghĩa từ ngay khi con đang học lớp 3 với lịch ôn luyện ba buổi mỗi tuần. Hè này con chị vào lớp 5 nên bắt đầu ôn xiết, lịch ôn kín bít từ thứ Hai đến thứ Sáu mỗi tuần. Tuy nhiên, với lịch thi ấy, gia đình chị Thanh vẫn chưa yên tâm, nên con chị còn phải theo học tại nhà của một giáo viên luyện thi có tiếng “mát tay”. “Nếu không vào được trường Trần Đại Nghĩa thì cũng phải vào được lớp chọn ở một trường tốt ở một trong các quận 1, 3, 5”, chị Thanh quyết tâm.
Con tôi là… Ngô Bảo Châu thứ hai!
Dù Bộ GD-ĐT đã bãi bỏ mô hình trường chuyên, lớp chọn ở bậc tiểu học và THCS, nhưng như luật bất thành văn, ở các trường, mỗi khối lớp đều tổ chức một lớp “tinh hoa” gọi là lớp chọn. Riêng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa - trường duy nhất có “khảo sát” đầu vào lớp 6 với chỉ tiêu vài trăm HS mỗi năm - đã thu hút một lượng rất lớn PH quan tâm. Ví dụ, năm học 2017-2018, Trường Trần Đại Nghĩa chỉ tuyển hơn 500 HS lớp 6 nhưng có hơn 3.800 HS ứng thí. Những thí sinh này đều là những HS giỏi, ưu tú nhất các quận huyện nội ngoại thành nên các em phải chịu áp lực thành tích thi cử từ bản thân. Và áp lực ấy càng được nhân lên bởi sự kỳ vọng và mệnh lệnh vô cùng khắc nghiệt từ phía gia đình: “không được rớt!”.
Không khí ngoài trường thi còn nóng hơn
Dễ thấy là sau giờ thi, PH ùa vào đón con với những câu hỏi như: làm được bài không, đề có khó không, ước chừng bao nhiêu điểm, và dường như không PH nào tin rằng con mình làm bài không được dù kết quả chung cuộc có đến hơn 3.300/3.800 em trượt.
Một vị quản lý của Sở GD-ĐT TP kể, đã từng có trường hợp khi công bố kết quả, con trượt vào lớp 6 Trường Trần Đại Nghĩa, một PH đã yêu cầu Sở GD-ĐT TP.HCM phải làm rõ vấn đề, vì bà không tin con mình rớt. Bà nghĩ rằng ngành giáo dục đang bỏ lỡ một Ngô Bảo Châu thứ hai.
Em N.M.Khôi, cựu HS Trường TH Kỳ Đồng (Q.3): Con muốn thi đậu vì ai cũng nghĩ vậy
Em mong muốn thi đậu vào lớp 6 Trường Trần Đại Nghĩa vì mọi người trong nhà đều muốn vậy. Từ năm lớp 4, cha mẹ hay nói các anh chị con của bác em học giỏi nên được học trường chuyên Trần Đại Nghĩa, sau này mới có cơ hội đi du học và mong muốn em phải học giỏi như thế. Trước ngày thi, cha mẹ, mấy dì, ông bà ngoại đều động viên em thi đậu và hứa sẽ tặng bất cứ quà gì em muốn.