Không được phép sai lầm khi xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới

17/10/2022 - 21:14

PNO - Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo quốc tế về giáo dục mầm non để chuẩn bị cơ sở cho việc xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới.

 

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo

Chiều 17/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và quốc gia xây dựng chương trình giáo dục mầm non”. Đây là một trong những hoạt động quan trọng để chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới.

Trao đổi tại hội thảo, ông Christophe Lemiere - quyền Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - cho biết: "Việc đầu tư cho giáo dục mầm non sẽ giúp tăng cường số lượng học sinh tốt nghiệp THPT ở Việt Nam. Theo nghiên cứu của chúng tôi, những quốc gia có sự đầu tư vào giáo dục mầm non, khi trưởng thành người dân có thu nhập cao hơn 30% so với thông thường. Đầu tư mầm non cũng giúp các bà mẹ dành thời gian nhiều hơn cho công việc, từ đó tăng nguồn thu nhập cho gia đình”. Ông Christophe Lemiere cũng khẳng định cam kết của Ngân hàng Thế giới tiếp tục hỗ trợ các hoạt động phát triển con người, trong đó có giáo dục mầm non tại Việt Nam.

Tại Hội thảo, đại diện Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD-ĐT) đánh giá, sau hơn 10 năm, chương trình giáo dục mầm non đã được thực hiện ở 15.461 cơ sở (đạt 100%), trong đó có hơn 5,2 triệu trẻ em (99%) học 2 buổi/ngày.

Năm học 2019-2020, toàn quốc huy động gần 5,8 triệu trẻ em mầm non đến trường, tăng gần 1,8 triệu trẻ so với năm học 2010-2011. Đồng thời, qua 10 năm, số lượng giáo viên mầm non tăng gần 150.000 người; tỷ lệ giáo viên mầm non có trình độ cao đẳng sư phạm trở lên tăng 34,8%; số phòng học tăng hơn 77.000 phòng...

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là chất lượng đội ngũ và công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ và tài liệu nguồn cho giáo viên. Một số yếu tố vẫn cần được quan tâm để đảm bảo điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non, như: chế độ chính sách, văn bản pháp luật liên quan đến việc thực hiện chương trình; không gian, diện tích lớp và đồ dùng, đồ chơi, học liệu cho trẻ.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn yêu cầu, từ những kinh nghiệm được trao đổi tại hội thảo, nhóm biên soạn tiếp tục đánh giá, khảo sát sâu hơn đối với chương trình giáo dục mầm non hiện hành, tiếp thu ý kiến từ giáo viên - những người trực tiếp triển khai chương trình - về những thuận lợi, vướng mắc. 

Cho rằng, học tập kinh nghiệm của thế giới là rất quan trọng, song Bộ trưởng cũng lưu ý, việc thiết kế chương trình phải phù hợp, khả thi với triển khai thực tế tại Việt Nam, về điều kiện, mức sống, đội ngũ giáo viên... Bộ trưởng cũng đề nghị nhóm chuyên môn xem xét thấu đáo cách tiếp cận năng lực phù hợp với giáo dục mầm non, bởi nếu không thận trọng sẽ lấy cách tiếp cận phổ thông cho bậc học này.

“Vì đây là vấn đề hệ trọng, không được phép sai lầm, nên cần rút kinh nghiệm những giai đoạn trước. Mục tiêu là xây dựng một chương trình giáo dục mầm non tốt, phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với khả năng thực hiện. Tinh thần là dành tất cả những gì tốt nhất cho trẻ em và cần chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật chất, giáo viên, tâm thế, truyền thông… để có thể có được kết quả tốt nhất” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

P.Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI