Điểm số quyết định thành bại tương lai?

Không được coi điểm thấp là công cụ trừng phạt học sinh

08/05/2021 - 06:00

PNO - Sự động viên, khích lệ của thầy cô không những giúp học sinh học tập hăng say mà gieo nơi các em tình yêu với trường lớp.

LTS: Giữa mùa thi, một học trò lớp Tám phát biểu: “Con ước một ngày, giáo viên không dùng điểm số để đánh giá học sinh nữa, như các em tiểu học đó. Vì điểm số sẽ không quyết định được thành bại trong tương lai”. Điều ước này đang được không ít học sinh và phụ huynh ủng hộ. 
Vậy, nên nhìn nhận vấn đề này thế nào? 

Điểm số trong nhà trường rõ ràng đang đồng nghĩa với áp lực đè nặng lên vai học sinh, và phần nào với cả phụ huynh. Báo Phụ Nữ TP.HCM có cuộc trao đổi với thạc sĩ Lê Ngọc Điệp (nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM) xoay quanh vấn đề này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phóng viên: “Điểm số không quan trọng, quan trọng là... điểm 10”, câu nói dí dỏm nhưng ẩn chứa sự “khốc liệt” của học sinh trước kỳ vọng của người lớn về điểm số của con. Quan điểm của ông về việc đánh giá kết quả học tập của học sinh như thế nào, thưa ông?

Thạc sĩ Lê Ngọc Điệp: Việc đánh giá kết quả học tập, thế giới có nhiều phương thức khác nhau, sử dụng nhiều cách xếp loại, nhiều thang điểm khác nhau. Đánh giá nhằm hiểu năng lực thật sự của học sinh khi tiếp nhận kiến thức. 

Tuy nhiên, sự đánh giá phải có phương pháp sư phạm, có tấm lòng của người thầy. Người thầy phải tìm cách để học sinh phát triển theo khả năng, được bồi dưỡng và tiến bộ. 

* Thưa ông, ngay cả những nền giáo dục tiên tiến nhất trên thế giới cũng không loại trừ việc đánh giá học sinh bằng điểm. Như vậy điểm số trong học tập có ý nghĩa gì? 

- Lịch sử ngành giáo dục Việt Nam từng chú trọng đánh giá qua xếp hạng - xếp loại, tạo ra sự tranh đua học tập sôi nổi.

Học sinh xuất sắc điểm cao nhất lớp mỗi tháng, học kỳ hay cuối năm được đứng trên bảng danh dự, nhận phần  thưởng; nhưng những học sinh hạng chót thường mang nỗi mặc cảm, tự ti, thậm chí dở dang đường học vì phụ huynh cho rằng con có học tiếp cũng chẳng đến đâu. 

Hiện ngành giáo dục Việt Nam cũng có cách đánh giá mới, thể hiện qua Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Văn bản này áp dụng với học sinh tiểu học, được triển khai từ năm 2014 với nguyên tắc không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên mà đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy tất cả khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan.

Kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất. Đánh giá sự tiến bộ của học sinh, không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh. Theo đó, kết hợp định lượng (cho điểm) và định tính (bằng nhận xét).

* Nhiều phụ huynh hay đặt dấu chấm hỏi khi con bị điểm kém, nhưng khi con đạt điểm 9, 10 thì hân hoan, thỏa mãn, không chút hoài nghi… 

- Phụ huynh không nên chỉ nhìn nhận sức học của con thông qua điểm số, thứ hạng, mà cần giúp con hợp tác, tiến bộ từng ngày, phát triển năng lực toàn diện. Cha mẹ cũng nhìn vào đó để nhận ra khả năng, trình độ và sự chăm chỉ chuyên cần của trẻ.

Phương pháp và thái độ của giáo viên rất quan trọng trong việc tác động tâm lý học sinh và gia đình. Người thầy không được coi điểm số thấp là công cụ trừng phạt học sinh, mà phải coi là một thực tại để vận dụng phương pháp sư phạm phù hợp nhằm động viên, khuyến khích, giúp đỡ học sinh kém.

Sự động viên, khích lệ của thầy cô không những giúp học sinh học tập hăng say mà gieo nơi các em tình yêu với trường lớp.

Đến giờ tôi vẫn không quên khoảnh khắc vui sướng, tự hào vào buổi học cuối cùng, trước khi xuống tỉnh thi đệ thất trung học, thời còn chiến tranh.

Hôm ấy tôi được thầy Nguyễn Tấn Hoài tặng sách và quyển sổ để ghi những điều mình thích. Tôi nhớ mãi lời thầy dặn: “Ráng học tốt, thi cho đậu”, nhớ những điểm đỏ son kèm theo lời phê dồi dào năng lượng của thầy.

* Xin cảm ơn ông! 

Tô Diệu Hiền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI