|
Anh L. đã bị sốt xuất huyết nặng do chủ quan với bệnh này |
Suýt không qua khỏi vì chủ quan
Vừa qua giai đoạn nguy hiểm, anh T.T.N. (30 tuổi, ở TP.HCM) nhớ lại, cách thời điểm nhập viện năm ngày, anh bị nóng sốt, nhức mỏi người. Nghi ngờ bị COVID-19, anh N. mua test nhanh tầm soát tuy nhiên kết quả âm tính. Anh mua thuốc tây về uống nhưng không khỏi nên đi khám bác sĩ và được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết (SXH).
“Lúc đó, da tôi đã nổi mẩn đỏ, nhưng do tôi chỉ nóng sốt, nhức đầu nên nghĩ không sao, chỉ ở nhà uống thuốc hạ sốt. Được vài ngày tôi bớt sốt, các nốt đỏ cũng ngưng nổi nên tưởng sắp hết bệnh. Không ngờ, sáng ngày thứ năm sau bệnh, tôi mệt mỏi, chóng mặt, nôn ói nên nhờ người nhà đưa đến bệnh viện”, anh N. kể.
Bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM nhận định anh N. rơi vào tình trạng sốc SXH, giảm tiểu cầu nhanh. Nhờ cấp cứu kịp thời, anh N. đã qua nguy hiểm.
Vừa truyền dịch, anh Đ.V.L. (34 tuổi, ở tỉnh Long An) vừa cho biết do anh chủ quan, nghĩ SXH là bệnh nhẹ, mặc dù sốt cao hơn 39oC ba ngày không hạ, xuất huyết dưới da… vẫn không nhập viện theo tư vấn trước đó của bác sĩ. Thay vào đó, anh uống thuốc hạ sốt, viên cam sủi để tăng sức đề kháng, đến mức ngất xỉu.
Anh nói: “Trước đây, tôi cũng bị SXH một lần, chỉ bị sốt, nhức mình vài ngày rồi khỏi. Nên lần này, để không bị lây COVID-19, tôi ráng ở nhà chịu đựng. Mấy ngày qua, nằm ở phòng bệnh nặng, truyền máu, truyền dịch, tôi cứ nghĩ mình không qua khỏi, bây giờ tôi sợ SXH hơn COVID-19".
Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, trung bình mỗi ngày có khoảng 100 người đến khám và phát hiện SXH, một nửa trong số đó phải nhập viện do có dấu hiệu chuyển nặng. Hiện có 183 ca mắc SXH nhập viện điều trị, gồm cả người lớn và trẻ em.
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Hường, Phó khoa Nhiễm C của bệnh viện - thông tin số lượng bệnh nhân điều trị nội trú tại đây chiếm hơn một nửa số giường bệnh. Đa số ca bệnh đang có chuyển biến, cần theo dõi sát. May mắn, những bệnh nhân mắc SXH nặng đều được đưa đến bệnh viện kịp thời nên có thể hồi phục trong thời gian tới.
Bác sĩ Lương Chấn Quang - Phó khoa Kiểm soát phòng ngừa bệnh tật Viện Pasteur TPHCM - cho hay: “Cuối năm 2021, chúng tôi đã dự báo năm nay SXH có thể sẽ tăng, nếu không can thiệp kịp thời, nguy cơ bùng dịch là có khả năng. Hiện nay, trên hệ thống giám sát ghi nhận tình hình SXH của các cơ sở khám SXH gửi về bắt đầu tăng như dự báo. Ở các bệnh viện cũng ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân nặng, rất nặng. Vì vậy, người dân không nên chủ quan với SXH”.
Nuôi muỗi Wolbachia phòng, chống sốt xuất huyết
Trước tình hình SXH gia tăng, Bộ Y tế đã có văn bản gửi đến UBND các tỉnh, thành về công tác phòng, chống bệnh. Viện Pasteur TPHCM cũng đã họp bàn với các tỉnh về ba vấn đề bao gồm rà soát lại các dụng cụ, thuốc, thiết bị điều trị; tập huấn lại cho các nhân sự, y, bác sĩ về SXH; triển khai ngay các chiến dịch diệt lăng quăng trước mùa mưa sắp tới, tuyên truyền mạnh mẽ để người dân hiểu, nhớ về các hoạt động phòng ngừa SXH.
Bác sĩ Quang cho biết, ngoài các phương pháp phòng, chống SXH hiện tại, ngành y tế cũng đang từng bước chủ động chống SXH, trong đó thả muỗi Wolbachia là phương pháp mới, tiềm năng có thể bổ sung vào các phương pháp truyền thống trong kiểm soát véc-tơ phòng ngừa SXH.
Theo đó, nhiều năm nay, chín chuyên gia tại Viện Pasteur ngày đêm… nuôi muỗi Wolbachia để thả vào cộng đồng với mục tiêu phòng, chống SXH. Đây là phương pháp sử dụng vi khuẩn Wolbachia lây nhiễm cho muỗi vằn để phòng ngừa SXH, bởi vi khuẩn này có khả năng ức chế sự phát triển của một số loại virus trong đó có virus Dengue gây SXH. Từ đó, muỗi vằn mang Wolbachia có nhiễm SXH cũng không thể truyền bệnh qua người.
Thả muỗi Wolbachia vào tự nhiên để con muỗi này làm cho các con muỗi khác cũng lây nhiễm Wolbachia thông qua giao phối. Sau một thời gian, đàn muỗi tự nhiên trong cộng đồng đều mang Wolbachia, từ đó khống chế việc truyền bệnh SXH cho người. Bác sĩ Quang cho biết thêm: “Vi khuẩn Wolbachia có ở 60% loại côn trùng trong tự nhiên. Muỗi mang Wolbachia không phải là muỗi biến đổi gen vì vậy ngoài ức chế virus Dengue, chưa có bằng chứng gây hại cho người”.
Hiện nay, Viện Pasteur đã thử nghiệm chống SXH bằng muỗi Wolbachia tại TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) và TP. Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) cho liệu trình năm tháng. Mục tiêu để muỗi Wolbachia sống, phát triển, nhân lên thay thế đàn muỗi tự nhiên trong cộng đồng, sau đó theo dõi để khẳng định muỗi này ngừa được SXH.
Sở dĩ, phương pháp này được trông đợi bởi các nước trên thế giới đã sử dụng và có hiệu quả cao. Điển hình, Úc đã thả hơn 10 năm, hiện vẫn duy trì muỗi này và không có ca SXH nào được ghi nhận. Còn ở Indonesia, SXH giảm 77% so với những nơi không thả muỗi. Ở Việt Nam trước đây cũng đã nghiên cứu tại xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) sau hai, ba năm thả muỗi, bắt lại thấy muỗi Wolbachia vẫn chiếm ưu thế.
“Tuy nhiên, chúng ta phải chờ kết thúc liệu trình ít nhất nhiều tháng tới. Vì vậy, việc quan trọng trước mắt vẫn phải tiêu diệt lăng quăng, tuyên truyền để người dân không chủ quan kể cả chưa và khi mắc bệnh. Tuân thủ nghiêm hướng dẫn theo dõi bệnh của bác sĩ tránh hậu quả đáng tiếc”, bác sĩ Quang chia sẻ.
Bài và ảnh: Phạm An