Không đủ bao dung, không thể trở thành nhà giáo

19/11/2022 - 05:57

PNO - Được làm giáo viên là ước mơ của phần lớn những đứa trẻ. Tôi cũng từng có ước mơ ấy, nhưng đã không thể thực hiện được.

Điền vào mẫu hồ sơ đăng ký thi đại học, tôi không chần chừ chọn chuyên ngành ngữ văn. Từ nhỏ, tôi đã ao ước mặc áo dài đứng trên bục giảng, thả hồn vào từng đoạn văn thơ, được cả lớp chăm chú lắng nghe.

Cứ nghĩ đến chuyện mình có thật nhiều học trò yêu quý xúm xít vây quanh là tôi lại vui khấp khởi. Những giấc mơ được trở thành cô giáo dạy văn lúc nào lung linh huyền nhiệm.

Nhưng rồi, tôi đã không thể trở thành cô giáo, không phải vì không đủ điểm đậu mà vì khi càng hiểu đời, tôi lại càng thấy việc trở thành một giáo viên cực kỳ khó.

Ngoài việc phải cập nhật thường xuyên những kiến thức và phương thức giảng dạy, nghề giáo - nghề đào tạo con người còn đòi hỏi cần có những đức tính. Đã có những thầy cô giáo không quản khó khăn công tác tại vùng sâu, vùng cao vừa lo việc học vừa lo cả chuyện ăn ngủ cho bọn trẻ. Tôi không dám kỳ vọng rằng mình có thể làm được những việc cao quý như vậy.

Sau nhiều năm, tôi hiểu lý do mình đã không thể trở thành một cô giáo là vì không đủ kiên nhẫn và khoan dung với người khác. Bạn bè tôi nhiều người trở thành giáo viên kể rằng có học trò ngổ ngáo không vâng lời, lại còn về nhà kể sai với bố mẹ làm bạn tôi bị hội đồng khiển trách. Nhưng trong thâm tâm bạn tôi không hề giận học trò. Bạn tôi luôn nghĩ rằng theo thời gian, người học trò của mình sẽ thay đổi và sẽ hiểu. Có thể những năm tháng còn ngồi ở ghế nhà trường, học trò ấy chưa hiểu, thì sau này khi lớn, khi đi làm ở ngoài đời cũng sẽ hiểu. Nghề giáo kiên nhẫn và bao dung là vậy.

Đến giờ, khi đã hơn 30 tuổi và đang giữ chức vụ quản lý, tôi vẫn cảm thấy rất khó bao dung khi nhân viên phạm lỗi và thiếu kiên nhẫn khi họ phạm lỗi nhiều lần. Tôi cũng rất khó kiềm chế cảm xúc khó chịu dù vẫn đang cố gắng sửa từng ngày.

Nghề giáo - nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý cũng có muôn vàn khó khăn. Ảnh minh họa
Nghề giáo - nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nhưng mỗi thầy cô cũng có rất nhiều tâm sự cùng muôn vàn khó khăn (Ảnh minh họa)

Nghề giáo cũng là nghề phải quan tâm, lo lắng cho từng người cùng một lúc. Tôi thì không thể làm như vậy. Hồi còn đi học, tôi từng thấy cô giáo của tôi khóc vì một bạn trong lớp phải nghỉ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Có lần cô còn đến tận nhà học sinh để tìm hiểu lý do vì sao bạn hay đi trễ. Có bạn kết quả học tập bị sa sút, cô lại dành thời gian hỏi han tường tận để xem bạn đang gặp vấn đề gì.

Tôi không nghĩ rằng đó là trách nhiệm hay là tính chất của nghề nghiệp mà còn là cái tâm thương học trò thực sự. Còn tôi thì chỉ quan trọng kết quả công việc nên cũng không quá để tâm đến việc tìm hiểu nhân viên của mình hoàn thành nhiệm vụ đó bằng cách nào.

Đối với tôi, chỉ có kết quả và đề xuất, không có lý do và giải thích. Đôi khi tôi chỉ nhớ ai làm nhiệm vụ gì, phụ trách công việc nào chứ chẳng nhớ nổi tên và khuôn mặt hay hình dáng (điều này thật không tốt chút nào). Còn thầy cô giáo thì khác. Bây giờ, khi đã là một người mẹ, tôi cảm thấy khâm phục giáo viên chủ nhiệm của con tôi, cô giáo thực sự là “người mẹ vĩ đại” và vô cùng giàu tình cảm. Cô đã nhớ tên, hiểu tính cách, nắm tình hình học lực của gần 40 học sinh trong lớp trong chỉ trong tuần đầu tiên.  

Không thể trở thành cô giáo, nên tôi càng quý mến những giáo viên của mình. Ký ức về những người cô, người thầy không hẳn là những kiến thức đã được lĩnh hội mà là những câu nói thấm thía về cuộc đời. 

Còn nhớ hồi học cấp 2, khi tôi trượt kỳ thi học sinh giỏi Văn cấp tỉnh, cô giáo dạy tôi đã nói: “Đừng xem một cơ hội nào là duy nhất, vì trên đời có rất nhiều cánh cửa”.

Hồi đó tôi chỉ biết nghe và dạ thôi, giờ lớn mới càng thấy thấm thía. Cô giáo dạy tiếng Anh của tôi đã dặn: “Mỗi ngày chỉ cần học một từ mới, cũng như mỗi ngày học một điều mới, vậy là mình đã trở thành thầy của chính mình".

Ngày tôi tốt nghiệp, giảng viên dạy lớp Báo chí gửi tôi lời nhắn: "Mong em có một công việc bình thường, lấy một người chồng bình thường, có một gia đình bình thường và đương nhiên hãy là một người bình thường với lòng tự trọng và trách nhiệm bồi đắp ngày một cao hơn". 

Đến giờ, tuy không thể trở thành cô giáo như mong ước từ nhỏ, tôi vẫn nghĩ mình sẽ làm thầy cô của mình vui khi sống tử tế, nhớ về họ, nhớ lời dạy của họ và biết ơn. Tôi cũng dạy con mình rằng còn biết ơn là còn hạnh phúc.

Thảo Thanh (TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI