Bỏ qua cảnh báo vì chủ quan
Chị L.T.T.H. (43 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) đã trải qua một phen hú vía khi đột ngột bị nhồi máu cơ tim ngay giữa buổi tập chạy bộ trên máy tại nhà. Trước đó, chị thường xuyên cảm thấy nặng ngực, khó thở khi leo cầu thang nhưng lại chủ quan cho rằng đó chỉ là hiện tượng mệt mỏi thông thường. Đến khi cơn đau thắt ngực dữ dội ập đến, chị mới hốt hoảng. Gia đình đã nhanh chóng đưa chị đến bệnh viện. Kết quả thăm khám cho thấy động mạch vành của chị đã bị hẹp trên 70%, đe dọa trực tiếp đến tính mạng.
Câu chuyện của chị H. là một lời cảnh tỉnh cho những người thường xuyên tập luyện thể dục mà không quan tâm đến sức khỏe tim mạch. Những dấu hiệu như đau thắt ngực, khó thở khi vận động có thể là những tín hiệu báo động của bệnh tim mạch. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nhồi máu cơ tim có thể dẫn đến tử vong.
|
Nhiều người thường chủ quan bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo như đau đầu dữ dội, chóng mặt, yếu một bên người, khó nói… - Ảnh minh họa: Internet |
Anh N.V.N. (46 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) cũng suýt trả giá đắt cho sự chủ quan trước những cảnh báo bất thường của cơ thể. Trước đó, anh thường xuyên bị đau đầu, chóng mặt và nghĩ mình bị rối loạn tiền đình. Do chủ quan, anh không đi khám bệnh. Mới đây, sáng ngủ dậy, anh đột ngột bị méo miệng nhưng vẫn cố gắng tự theo dõi tình hình tại nhà vì cảm thấy đầu óc vẫn tỉnh táo, minh mẫn.
Người bạn thân biết chuyện đã quyết liệt yêu cầu gia đình đưa anh N. đi cấp cứu ngay. Nhờ đó, bệnh nhân được chẩn đoán sớm. Kết quả chụp MRI não cho thấy anh có cục máu đông trong mạch máu não. Nhờ phát hiện và điều trị kịp thời, anh đã tránh được những di chứng nặng nề của đột quỵ.
Chỉ có 7-8 phút để sơ cứu từ khi nạn nhân ngã xuống
Tony Coffey - chuyên gia cấp cứu ngoại viện người Úc, người đồng sáng lập SSVN (Survival Skills Vietnam) đã có nhiều trải nghiệm cũng như đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm khi tham gia sơ cấp cứu cho các nạn nhân đột quỵ não (tai biến mạch máu não), nhồi máu cơ tim, ngưng tim.
Đột quỵ não là tình trạng đột ngột mất chức năng não do sự gián đoạn cung cấp máu đến một vùng nào đó của não. Có 2 nguyên nhân chính gây đột quỵ: tắc mạch và xuất huyết não. Nguyên nhân tắc mạch thường gặp hơn, xảy ra khi một cục máu đông làm tắc nghẽn một động mạch trong não. Còn xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu não bị vỡ. Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ bao gồm tuổi tác, huyết áp cao, xơ vữa động mạch, hút thuốc và lối sống không lành mạnh.
Nhiều người thường chủ quan bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo như đau đầu dữ dội, chóng mặt, yếu một bên người, khó nói… Tuy nhiên, đây là những tín hiệu cảnh báo rất quan trọng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đột quỵ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như liệt nửa người, mất khả năng ngôn ngữ, thậm chí tử vong.
Nhồi máu cơ tim là tình trạng một phần cơ tim bị chết do thiếu máu cục bộ. Nguyên nhân chính gây nhồi máu cơ tim là do một cục máu đông làm tắc nghẽn một trong các động mạch vành cung cấp máu cho tim. Các yếu tố nguy cơ bao gồm xơ vữa động mạch, huyết áp cao, cholesterol cao, đái tháo đường, hút thuốc và ít vận động.
Nhiều người bệnh nhồi máu cơ tim thường có những triệu chứng báo trước như đau thắt ngực, khó thở khi gắng sức nhưng lại chủ quan bỏ qua. Khi cơn đau tim xảy ra, người bệnh thường cảm thấy đau thắt ngực dữ dội, lan tỏa ra cánh tay, vai, cổ hoặc hàm, khó thở, toát mồ hôi, buồn nôn… Nếu không được cấp cứu kịp thời, nhồi máu cơ tim có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như suy tim, rối loạn nhịp tim và tử vong.
Đột quỵ não và nhồi máu cơ tim là do các vấn đề bên trong cơ thể như huyết áp, cục máu đông… thì không thể điều trị bằng sơ cấp cứu bên ngoài. Do đó, nếu cảm thấy đau đầu, chóng mặt kéo dài, tức ngực khó thở, rối loạn tiền đình… cần đi khám sớm để được phát hiện kịp thời. Tất cả dấu hiệu kể trên cảnh báo nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào: ngồi học, đi làm, chơi thể thao, tắm…
Lúc bệnh nhân đã quỵ xuống, người xung quanh chỉ có 3 phút để sơ cấp cứu. Nếu sơ cấp cứu sai cách, người bệnh sẽ chết não, dù tới bệnh viện cũng không cứu kịp. Tiếp đó, thêm 4 phút nữa, nạn nhân sẽ chết tim. Như vậy, tổng thời gian vàng để sơ cấp cứu cho nạn nhân đột quỵ chỉ 7-8 phút.
Đột quỵ não có diễn tiến chậm hơn so với nhồi máu cơ tim. Cụ thể, bệnh nhân sẽ bị cứng miệng, méo miệng, yếu một bên người. Sau 4 tiếng kể từ lúc xuất hiện các dấu hiệu trên mà chúng ta vẫn chần chừ để bệnh nhân theo dõi ở nhà, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng, bỏ lỡ cơ hội cứu sống người bệnh. Nếu sau này bệnh nhân có may mắn qua khỏi thì cũng để lại những di chứng nặng nề.
Hãy lắng nghe cơ thể!
Có những dấu hiệu sớm trước khi xảy ra đột quỵ mà mọi người rất dễ bỏ qua: trước đó khoảng 3-4 tháng, bệnh nhân cảm thấy nhức đầu, buồn nôn, rối loạn tiền đình, mắt mờ. Tới giai đoạn cuối, bệnh nhân sẽ yếu tay chân, đi dễ vấp té, tay cầm đồ vật như mất sức. Đó là do cục máu đông gây tắc nghẽn trong lòng mạch gây ra những cơn thiếu máu não.
“Cơ thể chúng ta có những biểu hiện bất thường từ sớm, chẳng qua ta không để ý, chủ quan nên bỏ qua chứ không có gì là xảy ra đột nhiên” - ông Tony nhấn mạnh.
Chuyên gia cấp cứu người Úc còn cảnh báo, nhiều người sáng ngủ dậy bị méo miệng hoặc đột nhiên tay yếu nhưng lát sau lại hết. Chính điều này khiến họ bỏ qua các triệu chứng bất thường. Nguyên nhân do cục máu đông tắc nghẽn ở vị trí nào đó nhưng đã được máu đẩy đi chỗ khác. Cục máu đông có thể gây ra những cơn đột quỵ mini hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua. Rất nhiều bệnh nhân trước khi xảy ra đột quỵ nghiêm trọng đã từng có những cơn đột quỵ nhỏ.
|
Chuyên gia cấp cứu ngoại viện người Úc - Tony Coffey (trái) đang hướng dẫn cách hồi sức tim phổi cho nạn nhân - Ảnh: Trâm Anh |
Tuyệt đối không sơ cứu bệnh nhân đột quỵ theo lối dân gian như chích máu đầu ngón tay, xoa bóp… vì không thể làm tan cục máu đông. Khi bị đột quỵ, té đập đầu, nạn nhân có thể bị co giật, không kiểm soát được cử động. Bản thân cơn co giật không nguy hiểm nhưng báo hiệu cơ thể có vấn đề.
Nhồi máu cơ tim và ngưng tim đột ngột có nguyên nhân phổ biến cũng là do cục máu đông và các mảng xơ vữa gây tắc nghẽn. Bệnh nhân đã có sẵn bệnh lý nền nhưng không phát hiện hoặc kiểm soát tốt. Trước khi xảy ra nhồi máu cơ tim khoảng 1 tuần, bệnh nhân thường cảm thấy nặng ngực, mệt. Nếu bệnh nhân không chơi thể thao, diễn tiến nhồi máu cơ tim chậm hơn. Lúc chơi thể thao, vận động nhanh, mạnh làm tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim xảy tới nhanh. Nếu cảm thấy nặng ngực, mệt thì đó là dấu hiệu nhồi máu cơ tim, cần đi khám ngay.
Với một số người đang chơi thể thao mà bị mệt, nặng ngực, dù đã nghỉ ngơi, chuyển tư thế cũng không thấy dễ chịu hơn, cần nghĩ tới nguy cơ họ bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Nếu người xung quanh không nhạy bén và phản xạ nhanh, đưa họ đi cấp cứu ngay, một lát sau họ sẽ quỵ xuống. Trước khi quỵ xuống, họ sẽ bị co giật vì thiếu máu não, não thiếu ô xy. Lúc nạn nhân ngã xuống, ta cần tập trung kiểm tra nhịp thở của họ. Nếu họ chỉ hít vào mạnh, thở rít to thì khoảng 2 phút nữa sẽ ngưng tim. Sau 2 phút mà không được hồi sức tim phổi đúng cách, người bệnh khó lòng qua khỏi.
Từ những điều kể trên, chuyên gia cấp cứu người Úc nhấn mạnh việc trang bị các kỹ năng sơ cấp cứu là vô cùng cần thiết với mọi người. Khi bản thân hoặc người xung quanh xảy ra sự cố, chúng ta sẽ biết cách giúp họ cầm cự, kéo dài sự sống cho tới lúc được tiếp cận đội ngũ y tế chuyên nghiệp.
Trâm Anh