Bà nhìn đồng hồ. 7g tối, cậu con trai chưa về. Bà chẳng mấy sốt ruột, do đã quen với công việc thường trở về quá giờ cơm của con - một nhà báo. Bật ti vi xem chương trình yêu thích, bà ví von: “Ở với con, tôi có chiếc ti vi là bạn. Bạn có vô vàn nội dung rất đáng xem, đáng học”.
Không như nhiều bà mẹ quê vào thành phố thăm con - lạ lẫm trước nhịp sống hối hả hay đối diện sự bận bịu của con đành chọn chiếc ti vi làm bạn; với bà, tìm đến “người bạn” kia là một sự đáp ứng, thôi thúc từ nhu cầu muốn hiểu biết và khám phá của mình.
|
Phạm Dũng nói: “Rất thích chụp cái dáng lưng còng của mẹ” |
1.
Ở tuổi 73, bà Nguyễn Thị Lan một mình đi về giữa Bình Thuận - TP.HCM như cơm bữa. Mỗi bận nhớ con, từ huyện Hàm Thuận Nam, bà ra ga Mường Mán, mang giỏ quà đầy rau cá lên tàu vào TP.HCM thăm con. Ở với con một thời gian, nhớ nhà, bà lại ra tàu về quê.
Không ít người ngạc nhiên trước sự chủ động của mình, bà hồn nhiên lý giải: “Tui không quen ngồi chờ con về thăm. Thấy khỏe, thấy đi được thì tui tự vào với con thôi”.
Sài Gòn từ xứ sở lạ lẫm đối với bà - một người mẹ quê, giờ đây đã trở nên quen thuộc. Những ngày con bận rộn, bà rời căn hộ của con, lội bộ đến trạm xe buýt, lên xe, từ quận 12 đi ngao du thăm thú khắp Sài thành.
Chuyến xe buýt số bao nhiêu về Chợ Lớn, chợ Bàn Cờ hay ra thẳng Bến Thành, bà nắm rõ trong lòng bàn tay. Bà quan niệm, cuộc sống… hay ho lắm, không nên để chữ “buồn” vây lấy khi mình đang một mình, dù lứa tuổi nào chăng nữa; chỉ cần bước ra, sẽ thấy sự đời muôn sắc, không… bổ ngang cũng bổ dọc.
Mặc dầu không biết bao nhiêu lần đón xe ra Chợ Lớn, nhưng lần nào bà cũng nhận ra, có đi hoài vẫn không sao dám vỗ ngực đã rành rẽ khu vực có đông người Hoa nhất; càng không thể nói về nó khi sự khám phá vẫn đang chưa dừng lại.
Những “nhận ra” ấy, với bà Lan là một sự trải nghiệm thú vị, thấy bản thân khao khát hơn sự hiểu biết sao cho được tận cùng, thỏa mãn. Cũng từ những thôi thúc này, hàng chục năm qua, hiếm khi bà bỏ sót một chương trình thời sự nào được phát trên ti vi.
|
Hai mẹ con trên đỉnh Fansipan |
Ngồi với bà, không ít người ngạc nhiên khi nghe bà bàn luận sâu sắc một vấn đề nào đó nóng bỏng của xã hội; hay nói về tên tuổi, hoạt động của một chính trị gia nổi tiếng… Bà chia sẻ: “Nhờ “người bạn” này, tui học được không kể xiết kiến thức hữu ích: món ăn này cho thêm vị gì sẽ ngon hơn, căn bệnh kia có nguyên nhân và triệu chứng thế nào, cách phòng tránh…
Một lần thử đem những điều học được áp dụng vào cuộc sống là một lần thấy mình phải học hỏi nhiều hơn. Mà kiến thức thì dây chuyền, vô cùng, biết được cái này sẽ kéo theo những cái khác muốn biết, cần nắm nên chưa bao giờ tui thấy buồn chán khi ở nhà một mình”.
|
Anh Dũng dự định kéo dài vô biên cái danh sách điểm đến của hai mẹ con. |
2.
Nếu có một kỷ lục dành cho người cao tuổi, có lẽ bà Lan sẽ được đưa vào danh sách những người già đi du lịch nhiều nhất. Bà quả quyết: “Ở Việt Nam, bây giờ thả tui đi đâu cũng không lo bị lạc, chỉ còn Cà Mau và Phú Quốc là tui chưa đến nữa thôi”.
Vài tháng một lần, bà Lan lại được con trai đưa đi chơi. Không tham gia vào các tour du lịch, họ thực hiện những chuyến đi tự túc. Mới đây, bà cùng cậu con trải nghiệm chuyến du lịch châu Âu kéo dài hơn nửa tháng.
Bà rành rọt kể lại hành trình: “Máy bay đáp ở Pháp, hai mẹ con đi xe lửa qua Hà Lan chơi 4 ngày, sau đó đi máy bay sang Thụy Sĩ ở 4 ngày, tiếp tục sang Ý 4 ngày, quay lại Pháp chơi thêm 4 ngày rồi mới về Việt Nam”. Thông qua dịch vụ airbnb (người bản xứ chia sẻ phòng/căn hộ đang sống cho khách du lịch), mẹ con bà có chuyến đi thú vị, được khám phá vẻ đẹp, văn hóa của các địa danh nổi tiếng như vườn hoa ở Hà Lan, núi tuyết ở Thụy Sĩ, Nhà thờ Đức Bà Paris...
|
Brunei nắng như đổ lửa vẫn không làm khó được mẹ con phượt thủ |
Bà Lan kể: “Có trải nghiệm mới biết lội trên tuyết không khác mấy đi chân trần trên cát. Hay những khác biệt như 20g mà mặt trời ở những nước này vẫn chưa lặn. Sự huyền diệu, vô cùng của trái đất, vũ trụ khiến tui thấy hay và ngạc nhiên quá đỗi”.
Trong bất kể một trải nghiệm nào, bà Lan cũng dành ra sự chiêm nghiệm, đúc kết mang tính… quy luật của cuộc sống. Bà cười hiền, kể câu chuyện trong chuyến đi vừa qua chứng kiến một thanh niên có ngoại hình “hầm hố”.
Anh bước lên xe, chân vấp phải va-li của một cô gái. Nổi giận vì chiếc va-li ngáng đường song cô gái vẫn tỉnh bơ, anh lầm bầm, dùng chân đá mạnh chiếc va-li. Sau đó anh tiến đến ngồi kế bên con trai bà.
“Tuy không liên quan đến mình nhưng nhìn người thanh niên ấy ứng xử vậy tui run lắm. Chỉ có hai mẹ con ở nước ngoài lạ lẫm nên tui sợ suốt chuyến xe con phạm phải lỗi lầm gì với anh ta, rắc rối nảy sinh. Thế rồi tui quay sang con, dặn cố gắng ngồi im rồi xuống xe phải tránh ngay người này. Nhưng con dường như chẳng quan tâm, quay sang cậu thanh niên, mở miệng cười nói “hello”, bắt chuyện. Ngờ đâu, cậu thanh niên kia cũng mỉm cười đáp lại” - bà không quên đúc kết “quy luật”: “Qua đó mới thấy, hễ mình niềm nở, ứng xử tốt với người ta ngay từ đầu thì chẳng lo gì họ sử dụng hành vi kém để đáp trả lại mình”.
Hay như chuyện mười ngày chủ yếu dùng những món ăn Tây, cơn thèm cơm “hành hạ”, bà cũng không quên đúc kết, con người mỗi vùng miền có những thói quen ẩm thực khác nhau nên mọi sự thay đổi, để quen được cái mới phải trải qua những “dằn vặt”, xung đột từ cái cũ; điều gì càng thân thuộc, “máu thịt”, càng khó để nguôi quên.
|
"Đôi bạn" trên tuyết trắng châu Âu |
3.
Từ năm 2011, bà Lan bắt đầu làm quen với những chuyến du lịch tự túc cùng cậu con trai của mình. Chuyến du lịch châu Âu đã nâng con số “xuất ngoại” du lịch của bà lên con số 13 quốc gia, sau Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Nepal, Singapore, Brunei, Malaysia, Lào và Trung Quốc. Ấy vậy, bà lại chưa từng có ý định hay mang mơ ước được thăm thú mọi vùng miền trên thế giới.
Vì với bà, quang cảnh thân thuộc như từng ngọn cỏ, nhánh cây, con sông hay bến tàu nơi mình sinh sống đã đem đến những thú vị mới toanh, nếu mỗi ngày đều nhìn chúng bằng sự quan sát, khám phá như một vị khách xa lạ để tìm kiếm cái hay, sự khác lạ so với hôm qua hay của những ngày trước.
|
Anh Dũng chụp hình mẹ rất nhiều, anh thích gọi mẹ là người mẫu |
Điều bà Lan ngại ngùng và sốt ruột nhất trong hành trình thăm thú mọi nơi, như bao bà mẹ khác, là nỗi lo con tốn kém. Ở dịch vụ airbnb trong chuyến du lịch châu Âu, mọi thứ phải tự túc, hàng chục lần cùng con bước vào quán ăn, siêu thị, bà nhìn những con số thanh toán tính bằng euro, sự so sánh dẫn đến nỗi tiếc xót. “Tui cứ nói con sao cái này mắc quá, cái kia ở Việt Nam có vài ngàn nhưng lần nào cũng bị con “la” đi chơi mà còn tiếc tiền. Bị “la” nhiều quá nên sau này tui không nói nữa.
Mặc dù con mua cái gì cũng kêu cái này rẻ lắm, nhưng nó làm như tui không biết ở đây người ta xài euro và con số trên mỗi món đồ là giá tiền sản phẩm” - bà bật cười. Nhưng sự đầy ắp thông tin từ “người bạn ti vi”, mỗi chuyến đi bà nhân thêm sự háo hức, bởi được kiểm chứng, được đích thân mục sở thị những điều đã biết trước. “Tui đi để xác minh, còn cái gì không biết thì níu tay con hỏi” - bà cười tươi, kể, như chuyến viếng mộ Bảo Đại ở nghĩa trang Passy, Paris, Pháp, bà hiểu hơn về lịch sử, quy mô lẫn lựa chọn yên nghỉ của nhiều người nổi tiếng, danh gia vọng tộc…
|
Bà mẹ quê ở một vùng nông thôn châu Âu |
Bà chưa từng có ý định hay mang mơ ước được thăm thú mọi vùng miền trên thế giới, vì với bà, quang cảnh thân thuộc như từng ngọn cỏ, nhánh cây, con sông hay bến tàu nơi mình sinh sống đã đem đến những thú vị mới toanh, nếu mỗi ngày đều nhìn chúng bằng sự quan sát, khám phá như một vị khách xa lạ để tìm kiếm cái hay, sự khác lạ so với hôm qua hay của những ngày trước.
Phạm Dũng - con trai bà Lan, công tác tại báo Người lao động - chia sẻ câu chuyện cùng mẹ đi du lịch trong suốt những năm qua.
Phóng viên: Nhiều người trẻ thường chọn đi du lịch một mình để tự do trải nghiệm, anh lại chọn mọi chuyến đi của mình phải có mẹ đồng hành. Quyết định này hẳn xuất phát từ một quan niệm nào đó?
|
Mẹ con anh Dũng ở nước Pháp |
Anh Phạm Dũng: Được đi đây đó, đến những miền đất xa lạ tiếp xúc với nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa khác nhau là ước mơ của tôi. Tôi luôn đặt ra mục tiêu, những kế hoạch ngắn hạn trong từng năm như năm nay mình làm ra bao nhiêu tiền và phải tiết kiệm được bao nhiêu.
Ông bà mình dạy rằng, làm ra 10 đồng thì phải tiết kiệm dù là 1 hay 2 đồng để đề phòng bất trắc. Riêng tôi, ngoài việc dành dụm tiền dự phòng thì còn có kế hoạch cho việc đi du lịch. Với những chuyến đi chơi xa, tôi thường có kế hoạch cụ thể để đảm bảo thật an toàn, tiết kiệm. Muốn làm được việc này, tôi thường ước lượng những khoản chi phí phát sinh, tham khảo về giá cả nơi đến và thường không đi du lịch những mùa cao điểm như lễ, tết.
Mỗi người có một lựa chọn trải nghiệm đáng nhớ cho các chuyến đi. Với tôi du lịch với mẹ hay với bất kỳ người thân nào luôn là nguồn cảm hứng cho tôi làm việc để dành tiền đi chơi và luôn hưng phấn khi xây dựng kế hoạch du lịch.
Mặt khác, thời gian thì cứ trôi, chúng ta chỉ gặp nhau một lần trong đời, chỉ là người thân, mẹ con, bạn bè của nhau một lần trong kiếp này; đâu ai biết được kiếp sau mình có gặp lại nhau hay không, cho nên việc dành thời gian quan tâm đến người thân yêu của mình là điều nên làm.
Ngoài ra, khi chúng ta lớn lên thì đồng nghĩa với việc cha mẹ chúng ta sẽ già đi; tiền có thể làm ra bất cứ lúc nào nhưng nếu cha mẹ già yếu thì khi chúng ta sở hữu núi tiền nhưng bấy giờ muốn dẫn họ đi chơi cũng không thể thực hiện. Tôi có nhiều người bạn thành đạt, giàu có nhưng mỗi lần thấy tôi dắt mẹ đi chơi thì mắt họ lại ngấn nước, tiếc nuối đã không thể làm được nhiều hơn cho bậc sinh thành.
* Trước mỗi chuyến đi như vậy, với mẹ - một người lớn tuổi, anh thường chuẩn bị những gì cho chuyến đi tốt đẹp?
- Khi bạn có kế hoạch rõ ràng cho cuộc đời mình thì chắc hẳn bạn sẽ có câu trả lời cho câu hỏi này. Làm việc cật lực, tiết kiệm và có kế hoạch cụ thể, tham khảo những điều hay lẽ phải, kinh nghiệm của người đi trước sẽ cho bạn một hành trình suôn sẻ, tiết kiệm.
Riêng với mẹ tôi, ngoài việc chuẩn bị những loại thuốc men cho người già như thuốc xương khớp, gel giảm đau, thuốc đau bụng, cảm sốt phòng thay đổi thời tiết… phải là điều chú ý đầu tiên thì tôi cũng quan tâm chọn du lịch tự túc để thoải mái trong việc vui chơi, đi lại; khi nào khỏe thì đi, mệt thì nghỉ và không ép phải chạy đua để đi bằng được hết các điểm du lịch. Những chuyến đi chủ yếu là vui, trải nghiệm chứ không phải cố đi cho hết để đổi lại sự mệt nhọc, vất vả.
Tôi luôn nói với bạn bè, người thân của mình rằng, chúng ta chỉ gặp nhau ở kiếp này nên hãy làm những điều đơn giản, hạnh phúc cho nhau. Với mẹ, tôi cũng nói rằng, hãy tận hưởng cuộc sống, tôi muốn mẹ đón nhận những hạnh phúc tôi có thể mang lại này.
* Cảm ơn anh.
|