Không điều trị nấm, tóc trẻ có nguy cơ rụng mà không mọc lại

18/08/2024 - 06:44

PNO - Trẻ em hiếu động, chưa có ý thức về vệ sinh cơ thể nên rất dễ bị nấm tóc. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nấm tóc có thể dẫn đến các biến chứng như rụng tóc vĩnh viễn (không mọc lại), nhiễm trùng da đầu nghiêm trọng. Bệnh không chỉ gây ngứa ngáy khó chịu mà còn ảnh hưởng đến tâm lý và quá trình hòa nhập xã hội của trẻ. Đáng ngại là nhiều phụ huynh không đưa trẻ đi khám mà tự điều trị tại nhà khiến bệnh càng trở nên phức tạp, dai dẳng.

Ngứa ngáy, chảy dịch, đi khám mới biết bị nấm tóc

Chị P.H.A. (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết con trai chị - bé P.V.M. (8 tuổi) vừa đi khám và phát hiện bị bệnh nấm tóc. M. rất hiếu động. Hằng ngày, M. thường chơi đùa, chạy nhảy ngoài sân, đổ mồ hôi nhiều. Do còn nhỏ, cậu bé chưa chú ý đến việc giữ gìn vệ sinh cá nhân. Chị A. cũng bận rộn với công việc nên ít kiểm tra tóc cho con.

Gần đây, M. thường xuyên kêu ngứa đầu, đặc biệt là vào buổi tối, trước khi đi ngủ. Chị A. nghĩ do con gội đầu chưa sạch, dặn con phải xả nước thật kỹ mỗi khi gội đầu. Thế nhưng, tình trạng ngứa ngáy của M. vẫn không bớt. Bé gãi tới mức da đầu chảy máu. Lại tưởng con có chí (chấy), chị A. vội mua dầu gội trị chí về cho con. Dù vậy, tình trạng ngứa vẫn không thuyên giảm.

Trẻ em có nguy cơ mắc bệnh nấm da đầu cao hơn người lớn
Trẻ em có nguy cơ mắc bệnh nấm da đầu cao hơn người lớn - Ảnh: Internet

Nghiêm trọng hơn, tóc của M. còn xuất hiện những vảy trắng nhỏ, dính chặt vào da đầu. Một số sợi tóc bị gãy rụng, để lộ những mảng da đầu đỏ và sưng viêm.

Lo lắng trước tình trạng của con, chị A. đã đưa M. đi khám. Qua thăm khám và làm xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bé bị nấm da đầu. Bác sĩ giải thích rằng đó là do thói quen vệ sinh kém. Trẻ em hiếu động, nghịch ngợm nên ra mồ hôi nhiều. Việc không vệ sinh sạch sẽ dẫn tới tóc ẩm ướt, tạo điều kiện cho nấm tóc phát triển.

Tương tự là trường hợp của bé Đ.T.B.N. (6 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM). Bé N. có thói quen tắm gội muộn và để tóc ướt đi ngủ. Gần đây, N. thường xuyên kêu đau đầu và ngứa da đầu. Mẹ bé kiểm tra thấy trên tóc con có rất nhiều vảy gàu. Chị đã đi mua dầu gội trị gàu về cho con nhưng các vảy gàu vẫn rất nhiều, gây ngứa ngáy khó chịu. Bé N. ngứa tới mức rối loạn giấc ngủ, quấy khóc. Lúc này, mẹ bé đưa con đi khám thì mới biết da đầu con bị nhiễm một loại nấm men. Tuy nhiên, vảy gàu này không thể chỉ điều trị bằng cách gội đầu. Đây là một bệnh mạn tính, tái đi tái lại, rất khó điều trị dứt điểm.

Trẻ hiếu động, chưa ý thức vệ sinh cơ thể

Mới đây, bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Vi Anh - Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - đã tiếp nhận 1 trường hợp bị nấm tóc rất điển hình. Đó là 1 bé trai 9 tuổi, tên T.V.H. (ngụ Long An). Khi H. đến khám, bác sĩ phát hiện trên da đầu của bé xuất hiện các mảng đỏ, vảy trắng bám chặt vào tóc và da đầu. Tình trạng trên đã kéo dài khoảng 3 tháng và không có dấu hiệu cải thiện dù gia đình đã tự điều trị tại nhà.

Do bệnh tình ngày càng nghiêm trọng, tóc H. đã bị cạo ngắn để thuận tiện cho việc thăm khám. Qua kiểm tra, bác sĩ nhận thấy các tổn thương trên da đầu bệnh nhi là những mảng tròn, kích thước khác nhau, có ranh giới rõ ràng. Tóc ở các vùng này bị gãy rụng nhiều. Tình trạng ngứa ngáy khiến bé gãi đầu liên tục, gây trầy xước và chảy dịch.

Với trường hợp trên, việc chỉ sử dụng thuốc bôi tại chỗ là chưa đủ. Bác sĩ đã kê đơn cho bé H. uống thuốc trong khoảng 1 tháng, kết hợp với việc sử dụng thuốc bôi và gội đầu đặc trị nấm da đầu.

Theo bác sĩ Vi Anh, trẻ em có nguy cơ mắc bệnh nấm da đầu cao hơn người lớn do nhiều yếu tố. Thứ nhất, trẻ thường hiếu động, hoạt động nhiều nên dễ đổ mồ hôi, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển. Thứ hai, ý thức về vệ sinh cá nhân của trẻ còn hạn chế, đặc biệt là việc giữ gìn vệ sinh da đầu. Nhiều trẻ không thường xuyên gội đầu hoặc không sấy khô tóc sau khi gội, tạo môi trường ẩm ướt thích hợp cho nấm sinh sôi. Ngoài ra, việc tiếp xúc gần với thú cưng cũng là nguyên nhân gây bệnh. Theo thống kê, trẻ em độ tuổi tiểu học và đầu cấp II thường dễ mắc bệnh nấm da đầu hơn, đặc biệt là bé trai.

Có thể bị lây từ thú cưng

Khi bị nấm da đầu, trẻ thường xuất hiện các mảng đỏ trên da đầu, có viền rõ ràng. Bên cạnh đó, có thể thấy vảy trắng bám quanh chân tóc, tóc dễ gãy rụng. Tình trạng ngứa ngáy khiến trẻ khó chịu. Nếu không được điều trị kịp thời, nấm có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như rụng tóc và không mọc lại, để lại sẹo khiến trẻ tự ti. Đặc biệt, nấm da đầu rất dễ lây lan cho những người xung quanh.

Sau khi  chơi với  thú cưng,  trẻ cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng
Sau khi chơi với thú cưng, trẻ cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng - Ảnh: Internet

Việc điều trị nấm da đầu ở trẻ em gặp nhiều khó khăn do trẻ thường không hợp tác và khó tuân thủ phác đồ điều trị. Trẻ thường không hiểu tầm quan trọng của việc điều trị và dễ quên các hướng dẫn của bác sĩ. Việc uống thuốc đúng giờ, gội đầu đều đặn, không gãi đầu là những yêu cầu khá khó khăn đối với trẻ. Một số bé sợ hãi khi phải uống thuốc, bôi thuốc hoặc cắt tóc nên kháng cự, không hợp tác với người lớn. Ngoài ra, trẻ rất tò mò về mọi thứ xung quanh. Các bé có thể chạm vào vết thương, bóc vảy hoặc cào gãi khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Đó là một trong những nguyên nhân khiến nhiều trường hợp sau khi điều trị một thời gian lại tái phát.

Hiện nay, nhiều phụ huynh tự ý điều trị nấm da đầu cho con bằng các phương pháp dân gian hoặc tự mua thuốc về bôi. Cách làm này chẳng những không hiệu quả mà còn có thể gây ra các tác dụng phụ. Việc tự ý sử dụng thuốc kháng nấm khi chưa có chỉ định của bác sĩ có thể làm tình trạng bệnh trở nên phức tạp hơn, đặc biệt là khi nhầm lẫn giữa nấm da đầu và các bệnh lý da liễu khác như gàu. Phụ huynh cần lưu ý tránh các sai lầm thường gặp khi điều trị nấm da đầu cho trẻ. Việc tự ý dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, bài thuốc dân gian hoặc thảo dược có thể gây kích ứng da, thậm chí làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Không nên tự ý ngưng thuốc khi thấy triệu chứng bệnh thuyên giảm vì nấm có thể tái phát.

Gàu là tình trạng viêm da tiết bã có thể do tình trạng tiết bã nhờn nhiều, do di truyền, nấm malassezia, là một bệnh lý cần được điều trị khác.

Phụ huynh cần đặc biệt chú ý vệ sinh cá nhân cho trẻ, nhất là vùng da đầu. Khi gội đầu cho con, cha mẹ nên làm ướt tóc trước, sau đó cho dầu gội vào lòng bàn tay, tạo bọt rồi mới thoa đều lên tóc và da đầu. Việc thoa trực tiếp dầu gội lên tóc có thể làm tăng tiết dầu, bít tắc lỗ chân lông, tạo điều kiện cho nấm phát triển.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần thường xuyên kiểm tra tình trạng sức khỏe của thú cưng, đặc biệt là da. Nếu thú cưng có dấu hiệu bị nấm, phải đưa đi khám và điều trị kịp thời. Sau khi chơi với thú cưng, trẻ cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng.

Để phòng tránh lây nhiễm nấm, trẻ không nên dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn tắm, lược, mũ với người khác. Sau khi gội đầu, trẻ nên lau khô tóc hoặc sấy bằng máy sấy ở nhiệt độ vừa phải.

Nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng như ngứa da đầu, vảy trắng, mảng đỏ, tóc rụng nhiều và tình trạng này kéo dài hơn 1 tuần, cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI