Ngày 8/8, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cập nhật thông tin về hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam của nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Chiều 7/8, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 đã dừng hoạt động khảo sát địa chấn và rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía đông nam Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiếp tục theo dõi các hoạt động này của phía Trung Quốc.
Để bạn đọc hiểu rõ hơn về hoạt động xâm lấn của Trung Quốc, phóng viên Báo Phụ nữ TP.HCM đã phỏng vấn Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.
Phóng viên: Thưa ông, bãi Tư Chính nằm trong đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ), hoàn toàn thuộc Việt Nam. Việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 đến Tư Chính, có phải họ đang âm mưu kéo cả vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của ta vào khu vực đang tranh chấp?
Tiến sĩ Trần Công Trục: Khu vực biển xung quanh bãi Tư Chính mà nhóm tàu Hải Dương 8 hoạt động thăm dò địa vật lý trái phép là hoàn toàn nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam tính từ đường cơ sở được Chính phủ Việt Nam công bố năm 1982. Thậm chí nếu tính từ quần đảo Côn Đảo hay Phú Quý, cũng chỉ ở khoảng cách dưới 200 hải lý; chưa tính đến khả năng nếu được Tiểu ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc chấp nhận, thì ranh giới ngoài của thềm lục địa ở đây có thể kéo ra đến giới hạn 350 hải lý tính từ đường cơ sở.
Vì vậy, khu vực này không phải là vùng tranh chấp như Trung Quốc đang cố tình tạo ra với ngụy biện rằng đây là “bộ phận của Nam Sa quần đảo và thuộc vùng biển liên quan của nó”… Điều này hoàn toàn trái với quy định của UNCLOS 1982. Bởi vì, quần đảo Trường Sa, mà Trung quốc gọi là Nam Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.
|
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ |
* Theo luật biển, ngay trong EEZ, tàu thuyền của các nước vẫn được phép đi lại. Liệu Trung Quốc có đang lợi dụng điều này để “lượn lờ” trong EEZ của ta?
- Đó là một trong những yếu tố mà Trung Quốc đã và đang lợi dụng để triển khai các hoạt động phi pháp của họ.
* Ở Tư Chính có nhiều nhà giàn, có cả những giàn khoan khai thác dầu. Việc ta hạ đế giàn khoan hay tiếp nhiên liệu cho giàn khoan ngoài đó đều bị tàu Trung Quốc ngang ngược cản phá. Ông nhìn nhận ra sao về thái độ của Trung Quốc với Luật Biển của Liên Hợp Quốc? Và nếu được hiến kế, ông sẽ có những đối sách như thế nào với Trung Quốc trên Biển Đông?
- Việt Nam đã và đang tiến hành thăm dò khai thác dầu khí, đã xây dựng các cụm dịch vụ mang tên DK, phù hợp với các quy định về quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển theo điều 60 của UNCLOS 1982, quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế và điều 80 quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình ở thềm lục địa.
Việt Nam có đặc quyền tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình dùng vào mục đích được trù định ở điều 56 của UNCLOS 1982 hoặc các mục đích kinh tế khác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việt Nam tuyên bố không cố ý biến các bãi ngầm ở thềm lục địa phía nam thành đảo nổi và không ghép chúng vào quần đảo Trường Sa, đồng thời bác bỏ sự gán ghép này.
Để thực hiện âm mưu biến khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp, Trung Quốc đã triển khai nhiều hoạt động vi phạm vùng biển này. Chẳng hạn: ngày 8/5/1992, một công ty nhỏ của Mỹ, Crestone Energy Corporation, được Trung Quốc cấp quyền thăm dò dầu khí trên một phạm vi biển rộng đến 25.155km² mà Trung Quốc gọi là Vạn An Bắc, cạnh khu vực bãi ngầm Tư Chính. Đồng thời, Trung Quốc cũng ký hợp đồng giao 5.076km² biển tại bãi Tư Chính cho doanh nghiệp này. Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ động thái trên của Trung Quốc, trong khi vẫn tiến hành cấp quyền một lô dầu khí cạnh đó cho hãng Mobil của Mỹ. Đến năm 1994, Crestone lại có kế hoạch thăm dò lô Vạn An Bắc 21 (theo cách gọi của Trung Quốc) nhưng Việt Nam đã kiên quyết ngăn cản nên công ty này phải dừng hoạt động...
Hiện nay, Trung Quốc lại tiếp tục gây hấn tại khu vực này. Mục đích của họ là tìm cách tạo ra tình huống “sự đã rồi”, với sự hiện diện thường xuyên của các phương tiện thăm dò khai thác tài nguyên dầu khí tại khu vực này để buộc Việt Nam phải chấp nhận chủ trương “cùng khai thác” với Trung Quốc.
Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam chấp nhận đây là “khu vực tranh chấp”, hoàn toàn có lợi cho Trung Quốc. Về kinh tế, Trung Quốc đang gây sức ép để buộc mọi hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở khu vực này bị đình đốn. Các công ty của nước ngoài đang khai thác dầu khí ở đây sẽ phải rút lui để tránh những rủi ro do có thể xảy ra xung đột, chiến tranh.
Rõ ràng, có thể thấy được mục đích kinh tế của Trung Quốc trong bối cảnh này. Họ muốn khai thác dầu khí, tài nguyên khoáng sản và thậm chí làm giảm sức phát triển kinh tế của các quốc gia trong khu vực để họ dễ bề thao túng, điều khiển… Hơn nữa, với “mũi tấn công mềm” này, Trung Quốc đã vi phạm không chỉ các quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia ven Biển Đông, mà còn của các quốc gia liên quan khác ngoài khu vực được luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982 đã quy định rõ ràng, đang có hiệu lực.
Tuy nhiên, sau khi chúng ta công khai yêu cầu Trung Quốc rút các tàu vi phạm tại vùng biển Nam Biển Đông, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục vi phạm, tiếp tục quấy phá, gây tổn thất đến sinh mạng và hoạt động kinh tế thì Việt Nam nên sử dụng hình thức đấu tranh cao hơn về ngoại giao.
Trước hết, Việt Nam nên xúc tiến việc thu thập hồ sơ, bằng chứng có liên quan đến các vi phạm của Trung Quốc, như tọa độ nơi xảy ra vi phạm, các bằng chứng về việc thăm dò, nghiên cứu, các hoạt động gây hấn của các tàu vũ trang của Trung Quốc… để lập hồ sơ pháp lý cho những bước đấu tranh ngoại giao tiếp theo. Việt Nam có thể gửi lên các tổ chức liên quan của Liên Hợp Quốc, đưa vụ việc ra các cơ quan tài phán quốc tế.
Trên thực địa, các lực lượng chấp pháp cần kiềm chế, không mắc bẫy khiêu khích của Trung Quốc để họ kiếm cớ gây đụng độ vũ trang, làm ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý. Tuy nhiên, điều này không hạn chế các lực lượng chấp pháp trên biển thực thi quyền tự vệ chính đáng của mình trong trường hợp bị tấn công trước. Hy vọng rằng các lực lượng chấp pháp của Việt Nam không buộc phải sử dụng quyền tự vệ chính đáng, trừ phi những vi phạm đó vẫn tiếp tục gây tổn hại đến các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam.
* Xin cảm ơn ông!
Uông Ngọc