Không để trẻ mồ côi bơ vơ trong đại dịch

15/09/2021 - 06:46

PNO - Chiều 14/9, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, hiện TPHCM có nhiều học sinh rơi vào cảnh mồ côi do người thân mất trong đại dịch. Với những đứa trẻ đây là một cú sốc tinh thần nặng nề, một mất mát quá lớn. Nhằm can thiệp và hỗ trợ khẩn cấp cho các trẻ mắc COVID-19 và trẻ có cha, mẹ, người chăm sóc trực tiếp tử vong do COVID-19, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM đã kết nối với các tổ chức đối tác, các nguồn lực xã hội để triển khai nhiều chương trình chăm lo cho các cháu.

 

Bé trai chín tuổi điề u trị ở Bệnh viện Dã chiến số 4 được các bác sĩ tổ chức sinh nhật. Mẹ em mất do COVID-19, cha phải vào bệnh viện chăm bà nội đang nguy kịch cũng vì COVID-19 < 2-3 Sau lọc ảo, diểm chuẩn dại học biến dộng cỡ nào? ẢNH: BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ
Bé trai chín tuổi điề u trị ở Bệnh viện Dã chiến số 4 được các bác sĩ tổ chức sinh nhật. Mẹ em mất do COVID-19, cha phải vào bệnh viện chăm bà nội đang nguy kịch cũng vì COVID-19 - Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

Đứa bé mất mẹ và sinh nhật ở bệnh viện dã chiến

Tháng 7/2021, thời điểm dịch COVID-19 tại TPHCM bùng phát dữ dội, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (H.Bình Chánh) liên tục tiếp nhận bệnh nhi nhiễm COVID-19. Ngày 15/7, bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ tiếp nhận một người cậu dẫn theo hai đứa cháu vào khám vì khó thở. Trong hai đứa trẻ, đứa lớn (chín tuổi, tên K.) cứ khóc không ngớt do mẹ vừa mất do COVID-19. Sau đám tang, cha đứa bé phải vào Bệnh viện Điều trị COVID-19 Trưng Vương để lo cho bà nội - đang rơi vào nguy kịch vì COVID-19.

Sau khi xét nghiệm COVID-19, K. được phát hiện dương tính. Đứa em không nhiễm bệnh nên được đưa về cách ly tại nhà. Từ Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, K. và cậu ruột sang Bệnh viện Dã chiến số 4, bắt đầu hành trình điều trị COVID-19. Vào đúng ngày sinh nhật của K., các y, bác sĩ đã mua cho em một chiếc bánh thật to, đồng thời tổ chức một ngày sinh nhật thật vui để em có thể cảm nhận được tình yêu thương ngay cả khi mẹ đã rời xa. 

Trong số những hoàn cảnh xót xa vì COVID-19, bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ nhớ nhất cha con anh N.V.C. (sinh năm 1985, ở trọ xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh). Khi người vợ mang thai được bảy tháng, chẳng may cả nhà đều mắc COVID-19. Vợ anh chuyển nặng nên được chuyển lên tuyến trên điều trị. Dù hết sức cố gắng, các bác sĩ không thể cứu được thai phụ. Lúc nhận được hung tin, anh C. và đứa con trai năm tuổi đang phải điều trị cách ly tại Bệnh viện Dã chiến số 4. 

Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ chua xót, nhớ lại: “COVID-19 đã lấy đi tất cả từ anh, một con người hiền lành, đối đãi tử tế với bạn cùng phòng bệnh, với y, bác sĩ điều trị qua bao lần tiếp xúc. Ngày về, anh không một xu dính túi, vì tài khoản ngân hàng do vợ anh giữ nhưng chị đã không qua khỏi”. Biết được hoàn cảnh, phòng Công tác xã hội Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố đã cùng y, bác sĩ điều trị… gom góp cho anh một chút tiền mặt, hành lý và một chuyến xe về nhà trọ. 

Bữa cơm trưa của các con anh Đấu thiếu vắng hai người là ông nội và mẹ
Bữa cơm trưa của các con anh Đấu thiếu vắng hai người là ông nội và mẹ

Những mất mát ập đến quá nhanh 

Hơn một tháng qua, có lẽ là quãng thời gian đau buồn và dài nhất đối với cô bé N.T.M.K. (14 tuổi, ở H.Bình Chánh, TPHCM) khi lần lượt mất cả cha và mẹ trong đại dịch COVID-19. Tháng 7/2021, anh Nguyễn Văn Sang (cha của M.K.) bị nhiễm COVID-19 trong một lần đi Long An chăm người thân bị bệnh. Sau thời gian điều trị, anh Sang đã mất vào ngày 10/7 tại Long An. Vừa an táng chồng, chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, vợ anh Sang, cũng được phát hiện nhiễm COVID-19. Đến ngày 5/8, chị Tuyết Mai qua đời. 

Ông Nguyễn Thanh Hùng (cậu ruột của bé M.K.) xót xa: “Từ hôm ba mẹ mất đến giờ, con bé cứ ngồi thờ thẫn. Có đêm thức giấc, con bé nhớ ba mẹ khóc òa. Trong dịch COVID-19, mọi thứ diễn ra quá nhanh, lần lượt mất đi nhiều người thân trong gia đình, bản thân tôi còn không chịu nổi huống hồ là trẻ con”. Đại diện UBND H.Bình Chánh cho biết, trên địa bàn có khá nhiều trẻ mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ trong đại dịch COVID-19. Chỉ tính sơ bộ trên địa bàn xã Bình Hưng, đã có 13 trẻ mồ côi kể từ đợt bùng phát dịch lần thứ tư đến nay.

Những ngày qua, nhiều luật sư ở TPHCM vẫn còn bùi ngùi trước sự ra đi của luật sư P.T.N.T. (sinh năm 1987, nhân viên văn phòng Đoàn Luật sư TPHCM). Chị T. sống ở TP.Thủ Đức, tháng 8/2021, chị phát hiện nhiễm COVID-19 khi đang ở những tuần cuối của thai kỳ nên được đưa đi bệnh viện điều trị. Ngày 25/8, chị T. được các bác sĩ phẫu thuật bắt con. Đến ngày 7/9, chị qua đời. Hiện cháu bé sơ sinh đang được chăm sóc tại bệnh viện. Được biết, chị T. còn một con nhỏ bốn tuổi. Gia cảnh thuộc diện khó khăn nên sự ra đi đột ngột của chị khiến đồng nghiệp rất xót xa.

Một đồng nghiệp của chị T. chia sẻ: “Khi T. còn nhỏ em đã mất ba, một mình mẹ nuôi T. và chị gái khôn lớn. Bây giờ, chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, hai đứa con của T. đã mất mẹ vĩnh viễn. Chặng đường sắp tới đối với hai đứa trẻ là rất khó khăn khi không còn mẹ”.

Anh Nguyễn Phú Hiếu và chị Võ Thị Ngọc Hà (P.Tân Thới Nhất, Q.12, TPHCM) đang sống hạnh phúc cùng hai con thì COVID-19 cướp mất người chồng, trong lúc người vợ vẫn đang cách ly điều trị. Khi đợt dịch thứ tư bùng phát, anh Hiếu làm Trưởng ban bảo vệ dân phố nên tham gia cùng chính quyền địa phương chống dịch. Đầu tháng Tám vừa qua, thấy trong người khó chịu, anh Hiếu test nhanh COVID-19 thì kết quả dương tính, vợ anh cũng bị nhiễm bệnh. Thời gian này, vợ chồng anh Hiếu phải cách ly, điều trị nên hai con nhỏ được gửi về nhà nội. Ngày 13/8, anh Hiếu không qua khỏi.

“Hôm chính quyền đưa tro cốt anh Hiếu về nhà, chị Hà vẫn đang cách ly. Tôi nhìn cảnh hai đứa nhỏ cầm di ảnh cha mà không cầm được nước mắt. Giờ đây, gia đình chị Hà đã mất đi trụ cột. Hai đứa trẻ mất cha khi ở tuổi chập chững vào đời”, chị Nguyễn Khuê Minh, ở P.Tân Thới Nhất, chia sẻ.

Con của anh Hiếu là hai trong số hàng trăm đứa trẻ bị mất cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ bởi COVID-19. Trong đại dịch, có những đứa trẻ vừa chào đời đã mất đi người thân. Hiện tại, nhiều đứa trẻ sơ sinh vẫn đang được chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện, chưa được về nhà.

Người chị nghèo thành chỗ dựa cho cả bầy em

Xế chiều 13/9, vừa học online xong, những đứa em của chị Lê Thị Ánh Nguyệt - ở ấp 2, xã Tân Quý Tây, H.Bình Chánh - tíu tít nướng khoai ăn xế. Ánh Linh la lên: “Củ này chín rồi nè”. Minh Bảo nói: “Linh cho em, em mang vô thắp nhang cha”. Rồi cậu nhóc chạy vào bếp lấy cái dĩa sạch, để củ khoai nướng lên bàn thờ, thắp cây nhang khấn vái. Sau đó, cậu nhóc mới chạy ra sân, vừa ăn vừa xuýt xoa khen ngon.

Ánh Linh, Minh Trí và Minh Bảo (em của chị Ánh Nguyệt) nướng khoai ăn sau buổi học online
Ánh Linh, Minh Trí và Minh Bảo (em của chị Ánh Nguyệt) nướng khoai ăn sau buổi học online

Nhìn bầy em, Ánh Nguyệt nghẹn giọng: “Cha mất một tháng rồi nhưng cả nhà vẫn chưa hết bàng hoàng”. Ánh Nguyệt năm nay 31 tuổi, là chị cả trong gia đình bảy chị em. Một mình nuôi bầy con, ông Hải - cha chị - cắt bớt một phần nhà để làm ba phòng cho thuê, lấy tiền xoay xở.

Ngày 10/7, sau khi xét nghiệm, cả khu nhà ở, nhà trọ của ông Hải bị phong tỏa do một người thuê là tiểu thương chợ Bình Điền mắc COVID-19. Hai ngày sau đó, gia đình ba thế hệ của ông Hải có tám người bị đưa đi cách ly, điều trị bệnh. Ông Hải và Minh Tú - em kế chị Ánh Nguyệt - bị nặng, phải thở máy. Ngày 1/8, các con, cháu ông Hải được xuất viện. Ngày 13/8, ông Hải qua đời ở Bệnh viện Chợ Rẫy sau ba lần chuyển viện. Tang tóc bao trùm cả khu nhà. 

Từ khi ông Hải mất, Ánh Nguyệt và Minh Tú trở thành chỗ dựa cho bầy em. Chuyện ăn thì không lo nhiều, vì các đoàn thể trong xã, ấp đã hỗ trợ thực phẩm. Riêng chuyện học mới đáng lo. Chị Ánh Nguyệt kể: “Hôm nghe thông báo học online, em tá hỏa luôn. Tụi nhỏ có cái máy tính nào đâu, điện thoại thì chỉ có chức năng nghe và gọi. Thế là Minh Tú vác hai cái máy dùng làm việc qua cho các em học tạm. Một người thuê trọ cho mượn cái laptop. Gần 10 ngày qua, sáu đứa trẻ (kể cả con của Minh Tú) từ lớp Năm đến lớp 12, học chung trên hai máy tính để bàn và một laptop”.

Chị Ánh Nguyệt kể, lúc chị và Minh Tú còn nhỏ, ông Hải đưa rước từng đứa đi học cho đến hết cấp III. Sau đó, một mình ông gồng gánh nuôi năm đứa con ăn học. Minh Tài năm nay bước vào lớp 12 và năm cuối trung cấp nghề điện lạnh. Tài nói: “Giờ em ráng học cho xong, có tấm bằng để đi làm phụ chị Hai, anh Ba nuôi các em học. Hồi cha còn sống, cha luôn nói phải ráng học; học tới đâu, cha nuôi tới đó, không học là cha bỏ luôn. Giờ em sẽ cố gắng làm đúng lời cha dạy, cùng anh chị lo cho các em”.

Nhìn con mà cố gắng…

Theo chân chị Tiết Thiếu Anh - Chi hội trưởng chi hội phụ nữ khu phố 2, P.Tân Thới Hòa, Q.Tân Phú - chúng tôi bước vào căn phòng trọ trống trải của cha con anh Thạch Ủ. Ba đứa con anh túm tụm ngồi chơi với nhau ở góc phòng, cạnh đó là bàn thờ của mẹ chúng. 

Chị Chung Thủy Tiên - Chủ tịch Hội LHPN Q.Tân Phú - đến thăm cha con anh Thạch Ủ
Chị Chung Thủy Tiên - Chủ tịch Hội LHPN Q.Tân Phú - đến thăm cha con anh Thạch Ủ

Quê của vợ chồng anh Thạch Ủ ở tỉnh Bạc Liêu. Nhiều năm trước, cuộc sống khó khăn, vợ chồng anh quyết định để lại đứa con lớn ở quê rồi dắt díu nhau đến TPHCM tìm việc làm. Anh Thạch Ủ làm bốc xếp, vợ anh phụ quán ăn. Cuộc sống dần ổn định, cuối năm 2020, anh chị đón đứa con lớn lên ở chung (các con lần lượt là 11, 6 và 4 tuổi). Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần này, vợ chồng anh Thạch Ủ dương tính với vi-rút SARS-CoV-2, phải cách ly tập trung. Ngày 2/8, vợ anh đã qua đời. 

Trong hơn 20 ngày vợ chồng anh đi cách ly điều trị bệnh, các con anh ở nhà trọ dưới sự giám sát, chăm lo của các gia đình trong xóm trọ và các nhà hảo tâm. Hôm nay, anh Thạch Ủ đã khỏi bệnh, trở về nhà trọ. Có cha bên cạnh nhưng quen quấn quýt bên mẹ nên mấy ngày không có mẹ, con trai lớn chẳng có nổi một nụ cười. Còn hai đứa nhỏ chỉ líu lo nói: “Mẹ đi làm chưa về”. Nhìn con, anh Thạch Ủ xót xa: “Tôi tính hết giãn cách xã hội, sẽ gửi mấy đứa nhỏ về quê cho cha mẹ trông giúp để mình đi làm kiếm tiền lo cho tụi nó ăn học. Nhưng nghĩ thương quá, con đã mất mẹ, lại phải xa cha”.

Cùng cảnh gà trống nuôi con trong những ngày này, anh Võ Hoàng Đấu - ở P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú - nói: “Phải nhìn con mà cố gắng thôi”. Khoảng cuối tháng Bảy, gia đình anh Đấu bắt đầu chiến đấu với dịch bệnh. Ban đầu, mẹ anh có triệu chứng sốt, khó thở, được chuyển đi cách ly, điều trị, tiếp đến là vợ anh. Khi mẹ và vợ đang ở khu cách ly, ở nhà, cha của anh Đấu lên cơn sốt, bệnh tình nhanh chóng chuyển nặng rồi qua đời. Vừa lo hậu sự cho cha xong, anh Đấu nhận được điện thoại báo tin vợ anh đã mất. Tiếp đó, ba cha con anh Đấu được xét nghiệm COVID-19, đều có kết quả dương tính và phải đi cách ly tập trung.

Liên tiếp đối mặt với quá nhiều biến cố, anh Đấu nói: “Vừa nhận được tin vợ mất, ba cha con lại dương tính, tôi đã ngã quỵ, bước không nổi. Vô đến khu cách ly, liên tục hai ngày đêm, tôi không dám chợp mắt vì lo cho hai con bị sốt. Tôi mệt lã, đau khổ tận cùng, không còn thiết nghĩ gì đến bản thân, nhưng nhờ nhìn thấy hai con bên cạnh mà tôi có nghị lực, buộc mình phải tiếp tục sống. Cùng với hướng dẫn của bác sĩ, tôi tập thêm các bài hít thở. Qua nhiều ngày chống chọi, cả ba cha con đều âm tính, nay đã khỏi bệnh hoàn toàn”. 

Anh nói về cuộc sống hiện tại: “Có vợ có chồng, dù cực cũng không sao. Trước đây, vợ tôi ở nhà nhận may gia công, tôi làm tự do, ai kêu gì làm nấy, nhờ vậy có thời gian đưa đón con đi học. Cảnh nhà có khó nhưng vợ chồng biết nương nhau nên cũng tạm lo đủ chén cơm hằng ngày”. Nhìn quanh cảnh nhà trống trải, lòng anh quặn đau nhưng vẫn cố giấu nước mắt, không dám khóc trước mặt con. Dịch bệnh vẫn còn, chưa thể đi làm nhưng anh cố giữ tinh thần lạc quan. Được sự giúp đỡ từ họ hàng hai bên, anh đã đăng ký cho con trai lớn học sửa máy tính theo nguyện vọng của con dù biết con sẽ gặp nhiều khó khăn. Đứa con nhỏ cũng bắt đầu theo học chương trình online với chiếc điện thoại của mẹ để lại. 

Hỗ trợ trẻ bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 ra sao?

Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến ngày 12/9, TPHCM có 328 trẻ em bị mất cha, mẹ và người nuôi dưỡng do dịch COVID-19, trong đó có bảy trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Trẻ em mắc COVID-19 (F0) được hỗ trợ 1 triệu đồng/trẻ và tiền ăn 80.000 đồng/trẻ/ngày trong thời gian điều trị, cách ly y tế tập trung. Ngoài ra, ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí đối với các chi phí ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế và chi phí khám, chữa bệnh đối với trẻ em không có thẻ bảo hiểm y tế. Khi trở về nhà (sau khi điều trị tập trung), trẻ được chính quyền địa phương, ban ngành đoàn thể xác minh hoàn cảnh, hỗ trợ gạo, mì gói, sữa… Nếu trẻ quá khó khăn, địa phương kêu gọi các tổ chức xã hội, mạnh thường quân giúp đỡ.

Trẻ em mồ côi cha mẹ sẽ được xét trợ cấp hằng tháng tại cộng đồng theo Nghị định 20/2021, mức trợ cấp là 900.000 đồng/tháng đối với trẻ dưới bốn tuổi, 540.000 đồng/tháng đối với trẻ từ bốn tuổi trở lên; trẻ còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, miễn giảm học phí và các khoản khác trong trường; thời gian trợ cấp đến dưới 16 tuổi.

Nếu đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng 1, trẻ tiếp tục được hưởng chính sách cho đến khi kết thúc học nhưng không quá 22 tuổi. Hiện nay, UBND cấp quận đang vận động chăm sóc, hỗ trợ cho trẻ có cả cha và mẹ qua đời vì COVID-19 có hoàn cảnh khó khăn với mức từ 3-5 triệu đồng/trẻ.

Không để trẻ mồ côi sống bơ vơ

Nhằm can thiệp và hỗ trợ khẩn cấp cho các trẻ mắc COVID-19 và trẻ có cha, mẹ, người chăm sóc trực tiếp tử vong do COVID-19, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM đã kết nối với các tổ chức đối tác, các nguồn lực xã hội để triển khai nhiều chương trình hỗ trợ.

Từ tháng Năm đến nay, hội đã trao các gói hỗ trợ như tiền mặt, sữa, lương thực, thực phẩm, các vật dụng thiết yếu cho trên 7.000 trẻ em bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19 với kinh phí trên 4 tỷ đồng. Hội cũng kết nối với các tổ chức quốc tế để có các gói hỗ trợ cho trẻ em trong các dự án đang triển khai có cha, mẹ mất do COVID-19. Hội cũng đã ký kế hoạch phối hợp liên tịch với các tổ chức trong mạng lưới bảo vệ trẻ em triển khai các chương trình can thiệp và hỗ trợ cho các nhóm trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó có các hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý.

Hiện nay, với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), hội đang phối hợp với Phòng Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM) triển khai gói hỗ trợ, chăm sóc thay thế đối với các trẻ mồ côi do cha, mẹ mất do COVID-19 hoặc cha, mẹ phải đi điều trị tập trung, số tiền khoảng 1,5 triệu đồng/em.

Cùng với các gói dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cùng Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM đã có văn bản kiến nghị UBND TPHCM sớm tổ chức, bố trí cơ sở để tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời các trẻ em không có người chăm sóc và nuôi dưỡng, thông tin cho người dân về quy trình và các điều kiện cần thiết để đưa trẻ vào cơ sở để chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy định.


Ông Phạm Đình Nghinh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM 

 

Chăm lo việc học hành cho trẻ mất cha mẹ

Tính đến ngày 13/9, H.Bình Chánh ghi nhận có 92 trẻ mất cha, mất mẹ, mất người thân hoặc người nuôi dưỡng trong đại dịch COVID-19. Thường trực Huyện ủy đã chỉ đạo chính quyền cấp xã và các đoàn thể sâu sát, chăm lo cho các cháu dưới 16 tuổi, để các cháu được tiếp tục học hành. Qua rà soát, một số em mong muốn được học nghề để sớm tự lập. Hội LHPN huyện đang kết nối để giúp các em thực hiện nguyện vọng này.
Bà Huỳnh Thị Kim Ân - Chủ tịch Hội LHPN H.Bình Chánh

Hạnh Chi - Song An - Hiếu Nguyễn - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI