"Phần mềm" chờ "phần cứng"
Theo ghi nhận của chúng tôi, qua 6 năm hoạt động, tuyến buýt đường sông (water bus) số 1 của TPHCM vẫn nhộn nhịp. Các chuyến trong tuần đều đông khách. Riêng các chuyến cuối tuần, khách phải đặt trước 2-3 ngày mới có vé. Kể từ cuối năm 2021, tuyến buýt sông mở thêm các chuyến buổi tối từ ga Bạch Đằng đến ga Bình An, giúp hành khách có thêm trải nghiệm sông nước vào ban đêm, vì quãng sông này có khung cảnh rất đẹp với nhiều cao ốc lung linh ánh đèn như tòa tháp Landmark 81, Saigon Pearl, Vinhome Bason, Vinhome Central Park…
|
Theo các chuyên gia, nếu TPHCM thực hiện tốt việc quy hoạch giao thông đường thủy, sẽ giảm áp lực cho giao thông đường bộ vốn đang quá tải - Ảnh: Phạm Luận |
Chị Tố Quyên (ngụ phường Trường Thọ, TP Thủ Đức) - một hành khách thường xuyên sử dụng xe buýt đường sông - cho hay, nhà ở khá gần bến Linh Đông nên có dịp là chị lại đi tàu buýt lên trung tâm TPHCM. Đi đường sông chỉ mất chừng 40 phút, lại thảnh thơi, thư giãn; trong khi nếu đi đường bộ sẽ thường xuyên phải “vật lộn” với kẹt xe, khói bụi.
“Tuy vậy, tôi thấy việc sắp xếp thời gian quay vòng của buýt sông chưa hợp lý. Thời gian bắt đầu chuyến buổi sáng từ bến Linh Đông vào 9g40 là quá trễ nếu tôi muốn sử dụng water bus để đi làm. Tương tự, buổi tối, nếu về trễ thì hết chuyến, phải đi taxi hoặc xe ôm. Số chuyến trong ngày còn ít nên khách thường phải chờ khá lâu mới có chuyến tiếp theo. Số trạm dừng cũng ít, khách không có nhiều lộ trình để lựa chọn. Nếu dùng buýt sông như một phương tiện giao thông thì chưa thuận tiện, còn nếu xem đây là một loại hình du lịch thì còn nghèo nàn dịch vụ, chưa đủ sức hấp dẫn du khách” - chị Quyên nhận xét.
Ông Nguyễn Kim Toản - Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (nhà đầu tư tuyến buýt sông) - cho biết, lượng khách của tuyến buýt sông ổn định ở mức 4.000-5.000 khách/ngày; những ngày lễ, cuối tuần lên đến 5.000-6.000 khách/ngày. Đến thời điểm này, mới chỉ có 5 bến đón - trả khách, đó là bến trung tâm Bạch Đằng (quận 1), các bến giữa (Bình An, Thanh Đa, Hiệp Bình Chánh) và bến cuối Bình Đông (TP Thủ Đức). Công ty vẫn đang chờ bàn giao mặt bằng để xây 7 bến còn lại theo quy hoạch. Tuyến water bus số 2 từ Bạch Đằng (quận 1) đi Lò Gốm (quận 8) cũng chưa thể triển khai vì vướng công trình cống ngăn triều chống ngập.
Theo ông, mọi sản phẩm du lịch hay phương tiện giao thông ở dưới sông, kênh, rạch là “phần mềm”; còn “phần cứng” là cảng bến, kết nối giao thông, cảnh quan. Khi làm tốt “phần cứng” thì “phần mềm” tự khắc phát triển.
“Việc đầu tư cảng bến cũng là để phục vụ người dân thành phố. Mỗi cảng bến, ngoài công năng đón khách còn là khu dịch vụ, cảnh quan, nơi hội tụ cộng đồng. Thống kê trên khắp thế giới cho thấy, 100 người đến bến tàu thì chỉ 20 người sử dụng dịch vụ tàu, còn cả 100 người đều sử dụng dịch vụ bến. Điều này cho thấy giá trị kinh tế mà bến tàu mang lại là rất lớn” - ông Nguyễn Kim Toản nói và đề xuất chính quyền thành phố sớm hoàn thiện mạng lưới bến tàu để các loại hình vận tải đường thủy theo đó mà phát triển.
|
Người dân đi tuyến buýt đường sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) |
Ông Nguyễn Quốc Chánh - Giám đốc Công ty TNHH Quốc Chánh (chủ đầu tư tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu) - cho biết, hiện khách đi phà giảm mạnh, một phần vì chưa có kết nối đường bộ thuận tiện ở phía huyện Cần Giờ. Theo ông, TPHCM đang chuẩn bị triển khai xây cầu Cần Giờ, hy vọng có thể thúc đẩy du lịch Cần Giờ phát triển. Khi khách đến Cần Giờ thuận tiện hơn thì nhu cầu đi phà từ Cần Giờ đến Vũng Tàu cũng sẽ tăng lên.
Xây thêm bến thủy, mở thêm luồng tuyến
Ông Ngô Đặng Quá Hải - Phó trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM - cho biết, đến nay, hoạt động vận tải hành khách, du lịch đường thủy ở TPHCM đã khai thác tuyến buýt đường sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông), tuyến du lịch từ Bạch Đằng - bến Đình (huyện Củ Chi) - tỉnh Bình Dương, 2 bến phà, 25 bến khách ngang sông… Các tàu khách quốc tế có thể vào ngay trung tâm TPHCM tại khu vực cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, bến Bạch Đằng mà không phải trung chuyển, tạo thuận tiện cho giao thông đường thủy.
Vừa qua, Sở GTVT chủ trì, phối hợp các sở, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức rà soát, phân loại bến thủy nội địa và cập nhật 457 vị trí đầu tư xây dựng bến thủy nội địa trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2023-2030. Trong đó, sở kiến nghị bổ sung thêm 171 bến hành khách, nâng tổng số bến thủy nội địa hành khách lên 254.
|
Du lịch đường thủy ở TPHCM có nhiều triển vọng, nhưng đến nay vẫn chưa thể phát triển như kỳ vọng. Trong ảnh: Thuyền du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè |
Các bến thủy nội địa kết nối hệ thống giao thông đường thủy - bộ đảm bảo an toàn hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách. Việc cập nhật các vị trí đầu tư xây dựng bến thủy nội địa vào quy hoạch chung thành phố sẽ là cơ sở pháp lý để tổ chức quản lý, đầu tư, khai thác hoạt động bến thủy nội địa, nhằm phát triển giao thông và du lịch đường thủy.
Trước năm 2025, TPHCM sẽ tập trung phát triển các tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch như: tuyến đi Thanh Đa, Bình Quới trên sông Sài Gòn; tuyến từ Bạch Đằng đi quận 7, huyện Nhà Bè; tuyến TPHCM đi Bình Dương, Củ Chi; tuyến du lịch đi Cần Giờ… Muốn vậy, sẽ phải xây dựng mới các bến hành khách trên các tuyến này (như bến Bình Quới II, bến Thảo Điền, bến Tầm Vu, bến Khu đô thị Vạn Phúc dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2024); kết hợp cải tạo, nâng cấp các bến cũ cũng như chỉnh trang mỹ quan khu vực xung quanh các bến. Các sở, ngành, địa phương cũng lên kế hoạch xây dựng những sản phẩm du lịch sông nước, hoạt động vui chơi giải trí dưới nước, tham quan các điểm khai thác thủy hải sản, chùa, đình và ẩm thực địa phương trên tuyến.
“Dự kiến trong năm 2024, TPHCM cũng sẽ đầu tư và đưa vào sử dụng các tuyến vận tải hành khách đường thủy liên tỉnh, như tuyến phà biển Cần Giờ (TPHCM) - Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang), tuyến tàu cao tốc TPHCM đi Côn Đảo. Khơi thông các tuyến đường thủy từ TPHCM đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long” - ông Ngô Đặng Quá Hải nói.
Ông Bùi Hòa An - Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM - thông tin thêm, TPHCM đã có ý tưởng nghiên cứu đường ven sông Sài Gòn dài 80km để kết nối vùng Đông Nam Bộ. Trước mắt sẽ nghiên cứu đoạn từ cầu Ba Son tới Bình Triệu, dài khoảng 4km, rộng 30m, tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỉ đồng. Theo ông, TPHCM sẽ vận dụng Nghị quyết 98 của Quốc hội để thu hút các nguồn lực làm đường ven sông Sài Gòn, tạo trục giao thông mới dọc hành lang Bắc - Nam thành phố, đồng thời tạo cú hích cho giao thông đường thủy.
Đề xuất loại hình taxi đường thủy xanh Để thu hút hành khách tham gia giao thông thủy, thành phố cần tiến tới đa dạng các loại hình vận tải đường thủy. Tôi đề xuất bổ sung loại hình taxi đường thủy xanh (green water taxi) tại TPHCM. Khác với mô hình buýt đường thủy (water bus) hiện nay phục vụ theo tuyến cố định, taxi thủy sẽ phục vụ nhu cầu đi lại linh hoạt hơn và tăng cường trải nghiệm du lịch trên sông nước, từ đó làm nổi bật văn hóa và lịch sử của các khu vực ven sông, tạo điểm đến mới và hấp dẫn cho du khách quốc tế và nội địa. Ngoài ra, phương tiện này chạy bằng điện và năng lượng mặt trời, sẽ góp phần bảo vệ môi trường nhờ giảm lượng khí thải độc hại và tiếng ồn so với phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Water taxi chạy bằng điện thường có chi phí vận hành thấp hơn so với phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Việc tích hợp năng lượng mặt trời giúp giảm chi phí vận hành và tạo ra nguồn năng lượng miễn phí. Vận tải sông sử dụng năng lượng sạch có thể tạo ra một hình ảnh tích cực và thân thiện với môi trường cho TPHCM, đồng thời đóng góp vào mục tiêu giảm kẹt xe, giảm thải khí carbon. Để làm được điều này, cần phát triển hạ tầng sạch và thân thiện môi trường cho water taxi; có chính sách khuyến khích việc chuyển đổi sang phương tiện sử dụng năng lượng thân thiện môi trường. Ngoài ra, cần phát triển một ứng dụng di động (app) để tạo thuận tiện cho hành khách đặt green water taxi. Ông Nguyễn Trần Hữu Thắng - Tổng giám đốc Công ty Hàng hải Thủ Đức |
Phạm Luận