Không để người già lặng lẽ ra đi

07/12/2024 - 06:18

PNO - Vào ngày 1/4, Nhật Bản đã ban hành một đạo luật nhằm giải quyết tình trạng cô đơn và cô lập, vốn ảnh hưởng đến khoảng 39% dân số nước này.

Trước khi qua đời, nữ sĩ Quỳnh Dao đã dành 2 bài đăng cho người chồng quá cố - Bình Hâm Đào. Bà viết bên dưới bức ảnh của 2 người từ nhiều năm trước: “Có lẽ vì thời tiết chuyển lạnh, hay là vì phía sau núi có tiếng chim liên tục gọi em quay về; những ngày này, em thực sự rất nhớ anh”.

Trong bức thư từ biệt - được con trai của nữ văn sĩ tiết lộ - bà viết: “Như một ánh lửa, tôi đã cháy hết mình. Bây giờ, trước khi ngọn lửa tắt, tôi chọn cách này để tìm về nguồn cội một cách thanh thản”.

Người cao tuổi tại nhiều quốc gia đang ngày càng cô đơn - ẢNH MINH HỌA: Shutterstock
Người cao tuổi tại nhiều quốc gia đang ngày càng cô đơn - Ảnh minh họa: Shutterstock

Theo công trình nghiên cứu về lão hóa của Ireland (TILDA), cảm giác cô đơn khi về già (trên 50 tuổi) khiến mọi người có nhiều khả năng muốn chết hơn là sống một mình hoặc bị cô lập về mặt xã hội. Khoảng 10% trong số 8.000 người được khảo sát trong nghiên cứu có các dấu hiệu trầm cảm nghiêm trọng.

Đáng chú ý, 4% từng cảm thấy họ muốn chết đi trong vòng 1 tháng trước thời điểm trả lời khảo sát. Tiến sĩ Mark Ward - nghiên cứu viên cao cấp tại TILDA - cho biết: “Tình trạng cô đơn và tự sát ở người lớn tuổi đang gia tăng. Những phát hiện của chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy các hoạt động xã hội và mạng lưới bảo vệ chống lại sự cô đơn, đau khổ về mặt tâm lý liên quan đến tuổi già”.

“Kodokushi” trong tiếng Nhật có nghĩa là “cái chết cô đơn”. Theo dữ liệu từ Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản, trong nửa đầu năm 2024, gần 38.000 người đã chết một mình tại nhà. Trong số đó, gần 4.000 người được phát hiện hơn 1 tháng sau khi họ chết và 130 thi thể chỉ được tìm thấy sau hơn 1 năm.

Vào ngày 1/4, Nhật Bản đã ban hành một đạo luật nhằm giải quyết tình trạng cô đơn và cô lập, vốn ảnh hưởng đến khoảng 39% dân số nước này.

Đạo luật này giúp coi sự cô đơn và cô lập là các vấn đề xã hội, yêu cầu chính quyền địa phương thành lập các nhóm hỗ trợ cho những cá nhân đang trải qua sự cô đơn, đồng thời đưa ra kế hoạch phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về những cá nhân có nguy cơ cô đơn, cô lập cao.

Tại Hàn Quốc, số lượng “cái chết cô đơn” đã tăng đều đặn trong giai đoạn 2021-2023, trong đó số ca tử vong trong cô độc ở nam giới cao gấp 5 lần so với phụ nữ. Một nghiên cứu của Bộ Y tế và Phúc lợi kết hợp cùng Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc cho thấy, khoảng 89% người tham gia khảo sát trong độ tuổi từ 55-64 tin rằng họ nên tự chịu trách nhiệm về bản thân khi già chứ không muốn phụ thuộc vào con cái và 1/3 nghĩ rằng họ sẽ chết trong cô đơn.

Vào tháng 10/2024, chính quyền đô thị Seoul đã công bố một kế hoạch toàn diện có tên “Seoul không cô đơn” nhằm can thiệp sớm và ngăn chặn mọi người chết trong cô đơn. Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon cho biết: “Sự cô đơn và cô lập không chỉ là những thách thức cá nhân mà còn là những vấn đề xã hội mà tất cả chúng ta cần giải quyết”.

Linh La

(theo Firstpost, Irish Examiner, SCMP, Korea Herald)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI