Không để giá hàng hóa “té nước theo mưa”

19/07/2023 - 06:01

PNO - Thuế VAT đang giảm 2% nhưng giá một số mặt hàng vẫn tăng. Trong các lý do để tăng giá, có chi phí đầu vào, giá cả thế giới và nhiều tiểu thương còn lấy cả lý do “lương cơ sở tăng”.

Mức giảm ít, mức tăng nhiều

Chủ sạp tạp hóa Thiện trong chợ An Đông (quận 5, TPHCM) cho biết, nhiều mặt hàng đang được giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2%. Ví dụ, giá nước mắm Đệ Nhị 22.000 đồng/chai giảm còn 20.900 đồng/chai, giá sữa hộp Vinamilk 32.000 đồng/lít nay còn 30.400 đồng/lít, giá bột ngọt Ajinomoto, Vedan 35.000 đồng/gói 454g nay còn 33.300 đồng.  

Tuy nhiên, mức giảm này vẫn khá thấp so với mức tăng giá hàng hóa chung trong thời gian qua. Chẳng hạn, từ giữa năm 2022 đến nay, sau nhiều lần điều chỉnh, giá bột ngọt có tổng mức tăng 5.000 đồng/gói 454g nhưng nay chỉ giảm 1.700 đồng/gói. Từ đầu năm 2022 đến nay, dầu ăn tăng giá 3-4 lần với tổng mức tăng từ 15.000-20.000 đồng/lít tùy loại nhưng tổng mức giảm chỉ 3.500-8.000 đồng/lít, gồm giảm do chính sách giảm VAT và do giá dầu ăn thế giới giảm. 

Giá một số nhóm mặt hàng hiện vẫn đang tăng dù đã được giảm VAT 2%. Nhân viên đại lý gạo Tuấn (đường An Dương Vương, quận Bình Tân, TPHCM)  cho biết, mấy tháng qua, giá gạo trong nước liên tục tăng do nguồn cung sụt giảm, giá gạo xuất khẩu tăng. Năm 2022, gạo loại thường có giá 11.500 đồng/kg; bước sang năm 2023, giá tăng lên 12.500 đồng/kg, sau đó lên 13.500 đồng/kg và hiện nay là 14.500 đồng/kg. 

Sở Công Thương cho biết sẽ nắm bắt, đề xuất biện pháp quản lý, ngăn tình trạng “té nước theo mưa”, lấy lý do tăng lương cơ sở để tăng giá hàng hóa (ảnh chụp tại chợ Tân Định, quận 1, TPHCM)
Sở Công Thương cho biết sẽ nắm bắt, đề xuất biện pháp quản lý, ngăn tình trạng “té nước theo mưa”, lấy lý do tăng lương cơ sở để tăng giá hàng hóa (ảnh chụp tại chợ Tân Định, quận 1, TPHCM)

Nhân viên này cho biết, các đầu mối cung ứng gạo vừa mới thông báo, tới đây, giá gạo sẽ tăng lên 15.500 đồng/kg do nông dân tập trung sản xuất gạo xuất khẩu, làm nguồn cung gạo trong nước giảm. Ngoài gạo thường, giá các loại gạo khác đều tăng 2.000 đồng/kg, như giá gạo trắng thông dụng 15.500 đồng/kg, giá gạo thơm Thái Lan hạt dài và gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg.

Chị Vân (tiểu thương chợ Tân Định, quận 1, TPHCM) cho biết thêm, giá đường vẫn tăng. Cách đây vài ngày, giá đường cát trắng Biên Hòa giảm 1.000 đồng/kg nhưng ngày 17/7 vừa qua lại tăng thêm 1.000 đồng/kg nên vẫn ở mức 28.000 đồng/kg, ngang bằng giá dịp tết Quý Mão 2023. Một số mặt hàng khô (đậu, hành, nấm…) cũng tăng giá rất cao do xăng dầu không nằm trong danh mục được giảm VAT, giá vận chuyển không giảm. 

Có thể kể, vài ngày qua, giá hành Bắc tăng thêm 20.000 đồng/kg, lên 85.000 đồng/kg, bằng giá lúc tết; giá đậu đen tăng thêm gần 30.000 đồng/kg, lên 90.000 đồng/kg; giá các loại nấm mèo tăng thêm 30.000 đồng/kg, lên 200.000 đồng/kg; giá nấm đông cô tăng 40.000 đồng/kg, lên 320.000 đồng/kg. 

Tăng lương phải đi kèm kiểm soát giá

Theo Nghị quyết 69/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị định 24/2023/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở của công chức, viên chức tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8%. 

Phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - cho hay, theo cơ chế thị trường, nếu lương cơ sở tăng 10% thì giá cả sẽ tăng 0,36%. Lương cơ sở tăng 20,8% thì nếu giá hàng hóa có tăng, cũng chỉ tăng trong khoảng 0,72%, là mức tăng không đáng kể. Ví dụ, giá xăng 21.000 đồng/lít sẽ tăng thêm có 151 đồng/lít. 

Nhưng theo ông, trên thực tế, giá những mặt hàng do thị trường quyết định luôn tăng gấp hàng chục lần mức tăng lương cơ sở hay mức tăng giá xăng, giá điện: “Đây là tình trạng té nước theo mưa, đòi hỏi cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm. Riêng với những mặt hàng do Nhà nước quản lý như giá xăng, dầu, điện, sách giáo khoa… cần bám sát để kiểm soát chặt bởi giá của các mặt hàng luôn tác động lẫn nhau”. 

Tiến sĩ kinh tế Trần Hữu Hiệp - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long - nhận định, lương là công cụ điều hành vĩ mô nhưng luôn gắn liền và có mối quan hệ chặt chẽ với tác động vi mô như đời sống người dân, quản trị doanh nghiệp. Hiện nay, mức tăng lương không theo kịp mức tăng giá hàng hóa. 

“Cách điều hành tăng giá “dồn cục” trong thời gian qua (giá xăng tăng, giá điện tăng, giá nước tăng, lãi suất ngân hàng tăng…) đã làm cho giá dịch vụ, giá hàng hóa ngoài thị trường chỉ có tăng chứ không giảm”. Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp bày tỏ.

Theo ông, hiện nay, VAT đang giảm 2% nhưng chính sách giảm thuế này chưa đem lại hiệu quả rõ rệt, chính sách “bị rớt” ở các khâu trung gian, người tiêu dùng chưa hưởng lợi (nhiều hóa đơn tính tiền không thể hiện yếu tố giảm thuế), cộng thêm sự tác động từ yếu tố tăng lương cơ sở khiến giá hàng hóa rục rịch tăng. Ông đề nghị, chính sách tăng tiền lương phải đi kèm với chính sách kiểm soát giá. Nếu buông lỏng vấn đề này thì người tổn thương nhiều nhất vẫn là người lao động hưởng lương, người có thu nhập thấp. 

Còn theo phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - giảng viên Học viện Tài chính - việc tăng lương cơ sở sẽ tác động đến giá hàng hóa do chi phí sản xuất, nhân công tăng lên. Tuy nhiên, các chi phí này được bù trừ một phần nào do các doanh nghiệp đang được giảm thuế đất và 36 loại phí. Chẳng hạn, việc giảm VAT 2% cũng làm cho giá bình quân của thị trường giảm từ 1,5 - 1,7%. Mặc dù giá một số mặt hàng có tăng (như giá gạo tăng do giá gạo thế giới tăng) nhưng nhìn chung, nhóm mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, lương thực, thực phẩm đều giảm giá.

Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, nếu tính tổng phần trăm mức tăng lương, cộng với việc tăng giá điện, giá nước, học phí… thì tổng mức lạm phát vẫn nằm trong giới hạn khoảng 3,3 - 3,4%, từ đó mức độ ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa không cao. Quan trọng nhất là phải quản lý ngăn chặn tình trạng “té nước theo mưa” của các doanh nghiệp, nhà phân phối, hộ kinh doanh. 

Theo ông, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) phải phối hợp với các địa phương để quản lý giá cả trên thị trường một cách sâu sát để buộc các điểm bán phải niêm yết giá đúng với giá thực tế. Có như vậy, chính sách tăng lương, giảm thuế, giảm phí, giảm lãi suất mới có ý nghĩa, mới phát huy được hiệu quả cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế. 

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM: Không thể lấy việc tăng lương làm lý do tăng giá hàng hóa 

Tình hình giá cả tại các chợ truyền thống khác giá cả ở hệ thống phân phối hiện đại, thông thường phụ thuộc vào lượng hàng hóa thương nhân chuẩn bị trong ngày và lượng khách đến chợ mua sắm ở từng thời điểm. Tiểu thương thường đánh giá nhu cầu khách hàng và nhập hàng đủ bán. Nếu sức mua chậm, bán ế thì tiểu thương giảm giá bán huề vốn, thậm chí bán lỗ để đẩy hết hàng. Ngược lại, hàng còn ít mà khách đông hay có khách hàng mới, không quen biết thì có tiểu thương sẽ nâng giá bán, kiếm lời. Đó là tâm lý thường có ở người kinh doanh ở chợ, tùy thuộc vào nhận thức, cách thức kinh doanh của mỗi người...

Vì vậy, việc xác định giá hàng hóa tăng tại chợ truyền thống rất khó; thông thường cơ quan thống kê, ban quản lý chợ lấy giá hàng hóa ở một thời gian nhất định và điểm bán nhất định, sẽ cho kết quả chính xác hơn thỉnh thoảng ghé chợ hỏi giá. Khi nâng giá bán hàng hóa, chắc chắn người bán giải thích lý do này kia nhưng không thuyết phục, có những lý do không đúng quy luật của thị trường. Như, tăng lương không thể nào là lý do để tăng giá hàng hóa mà chỉ là “té nước theo mưa”. Về nguyên tắc, tăng lương không làm tăng khung tiền, do đó không có lý do gì tăng giá hàng hóa được. Sở ghi nhận thông tin này, sẽ trao đổi lại với các quận, huyện tăng cường nắm thêm thông tin từ ban quản lý các chợ về việc tăng giá hàng hóa để tính toán, tham mưu đề xuất cho thành phố.

Các chương trình khuyến mãi hỗ trợ cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng

Theo Sở Công Thương TPHCM, nhiều hoạt động kinh tế, nhất là xuất nhập khẩu từ đầu năm đến nay gặp khó khăn do tác động bởi tình hình thế giới. Kim ngạch xuất khẩu của TPHCM 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 19,42 tỉ USD, giảm 22,4% so với cùng kỳ 2022.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa ở thị trường trong nước đồng thời giúp người tiêu dùng tiếp cận với nguồn hàng tốt, giá rẻ, sở tiếp tục triển khai chương trình khuyến mãi tập trung - Mùa mua sắm (Shopping Season) kéo dài trong 3 tháng, từ ngày 15/6 - 15/9. Hoạt động này cũng góp phần thu hút khách du lịch trong, ngoài nước đến thành phố tham quan, mua sắm. 

Sở Công Thương sẽ phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa, các chương trình khuyến mãi để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, tạo thương hiệu để xây dựng TPHCM trở thành điểm mua sắm.

Nguyễn Cẩm

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI