Không để đứa trẻ nào phải ôm bụng đói đi ngủ

09/01/2022 - 07:04

PNO - Đầu bếp hai sao Michelin Tom Kerridge vừa ra mắt một chương trình dạy nấu ăn bình dân nhằm giúp những gia đình khó khăn có thể chế biến được những món ăn ngon chỉ với các nguyên liệu rẻ tiền mà ai cũng có thể mua được.

 

Đầu bếp Tom Kerridge đã giúp các gia đình khó khăn chế biến được  những món ăn ngon từ nguyên liệu rẻ tiền - ẢNH: POSITIVE NEWS
Đầu bếp Tom Kerridge đã giúp các gia đình khó khăn chế biến được những món ăn ngon từ nguyên liệu rẻ tiền - Ảnh: POSITIVE NEWS

Tom Kerridge từng trải qua một tuổi thơ đói khát trước khi trở thành đầu bếp hàng đầu nước Anh với nhà hàng Marlow có hai sao Michelin.

Dù chuyên phục vụ những thực khách hạng sang và đang rất thành công, Kerridge vẫn luôn nhớ về thời thơ ấu nghèo khó. Để giúp những gia đình nghèo khó nhất có thể chế biến được những món ăn ngon lành, Kerridge đã hợp tác với Marcus Rashford - một ngôi sao bóng đá của đội tuyển Manchester United - ra mắt chương trình Full Time Meals, một loạt video dạy nấu ăn kéo dài 12 tháng, được xuất bản hằng tuần trên Instagram và Facebook.

Kerridge đã đưa ra tổng cộng 53 công thức nấu ăn, đều được làm từ những nguyên liệu rẻ nhất, dễ kiếm nhất mà những gia đình nghèo có thể mua được với giá 1 bảng Anh. Kerridge còn hướng dẫn chế biến món ăn từ thức ăn thừa để biến nó thành một bữa ăn ngon lành.

Theo Kerridge, sáng tạo trong ẩm thực là một trong những bài học được mẹ ông truyền lại. Thuở ấy, ngân sách eo hẹp không cho phép họ mơ đến đùi cừu hoặc thịt bò nướng nhưng nó vẫn đủ giúp cả gia đình không phải để bụng đói đi ngủ. Kerridge hy vọng những công thức chế biến món ăn của mình sẽ giúp lũ trẻ được ăn ngon hơn và hạnh phúc thay vì ôm bụng đói đi ngủ.

Thiếu niên khuyết tật giúp đỡ hàng ngàn người

Bằng những việc tốt nhỏ nhặt của mình, Sebbie đã gây quỹ  và giúp đỡ được hàng ngàn người - ẢNH: GNN
Bằng những việc tốt nhỏ nhặt của mình, Sebbie đã gây quỹ và giúp đỡ được hàng ngàn người - Ảnh: GNN

Cậu bé Sebbie Hall ở TP. Lichfield (Anh) đã lên kế hoạch mỗi ngày thực hiện một việc tốt ngẫu nhiên. Kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện đến nay, thiếu niên khuyết tật này đã làm rất nhiều việc tốt.

Sebbie Hall bắt đầu sứ mệnh của mình khi nhận ra một số người không thể liên lạc được với bạn bè, người thân trong đợt dịch đầu tiên do thiếu những thiết bị công nghệ. Ban đầu, Sebbie có ý định tặng iPad của mình cho một người bạn để bạn cậu có thể liên lạc được với bạn bè. Từ đó, mẹ cậu gợi ý rằng cậu nên nghĩ cách khác để giúp đỡ thêm nhiều người.

Sau đó, Sebbie quyết định quyên góp tiền để giúp những trẻ khuyết tật hoặc dễ bị tổn thương không cảm thấy cô đơn trong đại dịch. Sebbie bắt đầu sứ mệnh từ thiện từ ngày 16/3/2020. 
Các việc tốt Sebbie làm khá đơn giản, chẳng hạn như phát trứng Phục sinh, tưới cây cho mọi người, cho chim ăn, đổ rác giúp người khác, gom những quả bí ngô và mang chúng đến ngân hàng thực phẩm để “biến” chúng thành xúp và bánh cho người nghèo…

Kể từ đó, thông qua những việc tốt nhỏ nhặt mỗi ngày của mình, Sebbie đã quyên góp được hơn 53.000 USD để giúp hơn 2.000 người xa lạ… Trong 17 tháng qua, cậu đã giúp 300 gia đình mua những thiết bị công nghệ để có thể liên lạc được với nhau trong đại dịch đồng thời tài trợ cho một đội bóng bầu dục khuyết tật. Ngoài ra, Sebbie còn thành lập một trung tâm nghệ thuật và một quỹ hỗ trợ trẻ em khuyết tật và dễ bị tổn thương. 

Bà Ashley, mẹ của Sebbie, cho biết bà rất tự hào về con trai mình. Theo bà, những phản ứng tích cực đối với hành động tử tế của Sebbie đã thúc đẩy sự tự tin của cậu rất nhiều, từ đó giúp cải thiện khả năng giao tiếp của cậu. 

Biến đồ cũ thành đồ vật hữu ích cho người khác

Chiến dịch pop-up ở Bristol đang giúp đỡ nhiều gia đình khó khăn - ẢNH: POSITIVE NEWS
Chiến dịch pop-up ở Bristol đang giúp đỡ nhiều gia đình khó khăn - Ảnh: POSITIVE NEWS

Đèn bàn, bàn phím, bếp… nằm trong số các mặt hàng sẽ được trao tặng ở TP. Bristol (Anh) trong tuần này như một phần của sáng kiến giải quyết vấn đề rác thải điện tử và giúp đỡ các gia đình khó khăn.

Cửa hàng pop-up Electric Avenue của thành phố sẽ phân phát các mặt hàng điện do những công dân ở Bristol quyên góp. Tất cả sản phẩm đều đã được làm sạch, sửa chữa, kiểm tra an toàn, sẵn sàng để mang tặng cho những người cần.

Đây là dự án thử nghiệm do Tổ chức Từ thiện môi trường Hubbub, Công ty chất thải Bristol và Ecosurety, một công ty tuân thủ môi trường điều hành, hợp tác thực hiện. Họ đã đi khắp thành phố để thu thập những vật dụng mọi người không dùng đến, sau đó mang về, sửa chữa và biến chúng thành những vật hữu ích.

“Nhiều người có những món đồ điện tử không còn được sử dụng. Chúng tôi muốn chứng minh rằng những vật dụng này có thể tiếp tục có một cuộc sống khác và mang lại niềm vui cho các gia đình khác” - Gavin Ellis, người đồng sáng lập Hubbub, cho biết.

Tú Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI