Không để chuyện nhà cửa "chặn" mức sinh

28/08/2024 - 16:18

PNO - ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, Chính phủ cần có chính sách về nhà ở, tránh việc "không có nhà trở thành điều kiện không thể vượt qua khi kết hôn".

Ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số
Ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số - dự báo mức sinh thấp sẽ ngày càng lan rộng

Vùng “giàu” nhất có mức sinh thấp nhất

Tại hội thảo quốc tế tham vấn chính sách, giải pháp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp, diễn ra vào sáng 28/8 do Bộ Y tế phối hợp với Công ty TNHH Merck Healthcare Việt Nam tổ chức, ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số - cho biết mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm xuống dưới mức sinh thay thế. Cụ thể, tổng tỉ suất sinh năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.

Xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.

Có tới 21/63 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, chiếm khoảng 39,37% dân số cả nước; hầu hết là những tỉnh nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh.

“Trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đô thị hóa ngày càng nhanh, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, xu hướng mức sinh xuống thấp sẽ càng được củng cố, lan rộng.

Nếu mức sinh giảm thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô dân số, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh và suy giảm quy mô dân số… tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước”, ông Lê Thanh Dũng lo lắng.

Ông Phạm Vũ Hoàng - Phó cục trưởng Cục Dân số - khẳng định, trình độ học vấn và hoàn cảnh kinh tế có liên quan đến mức sinh. Lý giải cho điều này, theo ông, tại các khu vực đô thị, kinh tế phát triển, người dân phải đối mặt với hàng loạt áp lực như tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, giáo dục, viện phí... Những yếu tố này “không động viên” mọi người sinh con.

Nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời, ông Phạm Vũ Hoàng cảnh báo, đến năm 2054 -2059, dân số Việt Nam sẽ giảm ngày càng nhanh. Bình quân mỗi năm, dân số giảm 0,04%. Đến giai đoạn 2064-2069, dân số giảm 0,18% mỗi năm, tương đương giảm 200.000 người mỗi năm.

Đừng “ngó lơ” vô sinh

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân
ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân đưa ra nhiều giải pháp để khuyến sinh

Trước những thách thức mới của dân số Việt Nam, Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân - Đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ - đề xuất chuyển từ quy định lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống. Tức mỗi cặp vợ chồng phải có thu nhập nuôi được 2 con, cho 2 con ăn học đàng hoàng. Bên cạnh đó, thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn (8 giờ lao động/ngày; 40 giờ/tuần) để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình và có thời gian cho sở thích riêng tư.

Ông nhấn mạnh, thị trường nhà ở cần sự hỗ trợ và giám sát của Nhà nước để người lao động thuê, mua được nhà với giá chấp nhận. “Không để việc không có nhà trở thành 1 điều kiện không thể vượt qua khi kết hôn”, ông Nhân nói. Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục thực hiện phổ cập giáo dục mầm non với trẻ từ 3 tháng tuổi - 5 tuổi để cha mẹ có điều kiện làm việc và phát triển sau sinh con nhỏ; phát triển hệ thống giáo dục công lập và ngoài công lập để phổ cập tiểu học, Trung học cơ sở và phổ cập nghề.

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, phải có "sự chia sẻ trách nhiệm giữa vợ và chồng trong làm việc nhà, nuôi dạy con, thực hiện bình đẳng giới thật sự”... Đặc biệt, ông Nhân mong Nhà nước có chương trình hỗ trợ các cặp vợ chồng vô sinh sinh con, phát triển hệ thống tư vấn chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ sinh sản. Đây cũng là vấn đề được Giáo sư Samir Hamamah - Bệnh viện Đại học Montpellier, Pháp - nhấn mạnh tại hội thảo.

Theo Giáo sư Samir Hamamah, vô sinh là vấn đề ưu tiên trong y tế công cộng, là nguyên nhân ảnh hưởng lớn tới sự cân bằng nhân khẩu học, rộng hơn là gây tác động lớn tới cân bằng xã hội, kinh tế... “Mặc dù để lại nhiều hệ lụy, nhưng vô sinh vẫn ít được bàn tới, biết tới và thậm chí còn là chủ đề bị ngó lơ. Vô sinh ảnh hưởng trực tiếp tới 300 triệu người dân trên toàn thế giới”, Giáo sư Samir Hamamah nói.

H.Anh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Maria 29-08-2024 13:42:04

    Giới trẻ giờ ngại sinh con không hẳn là lý do chưa có nhà, mà cái cốt lõi là do chi phí nuôi một đứa trẻ ở thành phố nó quá tốn kém. Giờ nhà nước có chính sách hỗ trợ miễn phí tiền học bán trú cho các cấp học từ mầm non tới hết phổ thông là họ chịu sinh liền hihi.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI