Không dễ bán nông sản qua Shopee, Lazada...

03/07/2024 - 12:33

PNO - Mới đây, Công ty TNHH SumoFood Việt Nam đã rút gian hàng bán trà mãng cầu khỏi sàn thương mại điện từ Alibaba sau 3 năm vận hành.

Ông Đoàn Văn Hóa - Giám đốc SumoFood Việt Nam - cho hay, 3 năm qua, công ty chưa kiếm được đơn hàng lớn nào qua sàn Alibaba. Đó có thể là do thị trường quen với những loại trà túi lọc hoặc trà hòa tan, chưa quen với việc pha trà mãng cầu. Thêm nữa, SumoFood Việt Nam hợp tác với một bạn hàng khác trên sàn thương mại điện tử (TMĐT), bị phụ thuộc và không có quyền quản lý gian hàng.

Cam sành ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long - loại trái cây dễ vận chuyển, bảo quản, phù hợp với việc tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử - ẢNH: THANH LÂM
Cam sành ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long - loại trái cây dễ vận chuyển, bảo quản, phù hợp với việc tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử - Ảnh: Thanh Lâm

Ông Triệu Thanh Tùng - Giám đốc kinh doanh Tổng công ty Rau quả, Nông sản - CTCP (Vegetexco) - cho hay, dù biết sàn TMĐT có nhiều ưu điểm nhưng công ty vẫn quen với phương thức kinh doanh truyền thống. Muốn đưa sản phẩm lên sàn TMĐT, cần có chi phí đầu tư, như thiết kế gian hàng bắt mắt, sản phẩm phong phú, đội ngũ kinh doanh chuyên nghiệp…

Theo ông Nguyễn Đình Tùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) - đưa nông sản lên sàn TMĐT không khó nhưng duy trì thì không dễ, đòi hỏi có chiến lược bán hàng hợp lý, có kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn, đòi hỏi nguồn hàng ổn định, có chất lượng và có đội ngũ rành về kinh doanh, công nghệ.

Ông Vũ Tuấn Anh - Phó tổng giám đốc Công ty Tái cấu trúc, Chuyển đổi số Dr SME - cho hay, chi phí cho hoạt động bán hàng, cạnh tranh về giá chiếm tới 30 - 40% giá thành sản phẩm của doanh nghiệp khi lên sàn. Muốn bán hàng trên sàn, chủ gian hàng phải thường xuyên có những đợt giảm giá và khách thường đợi giảm giá mới mua hàng. Nông sản khó bảo quản, dễ hư hỏng, tỉ lệ hao hụt cao, cần thời gian bán và giao hàng nhanh nên hợp với chợ hơn sàn TMĐT. Tất nhiên, không phải đơn vị nào kinh doanh nông sản trên sàn TMĐT cũng thất bại.

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Tổng giám đốc Tập đoàn Xuân Nguyên (đơn vị kinh doanh nông sản có sản phẩm bán trên các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki… từ năm 2021) - chia sẻ, doanh thu bán hàng qua kênh TMĐT chiếm khoảng 20% trong tổng doanh thu của tập đoàn và sẽ vượt mặt kênh truyền thống trong thời gian tới. Do đó, tập đoàn đầu tư nhiều hơn cho quảng bá, bán hàng trên sàn. Riêng trong 6 tháng cuối năm 2024, Xuân Nguyên dự kiến chi 1,8 tỉ đồng cho việc bán nông sản trên các sàn TMĐT.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký VINAFRUIT - cho hay, mấy năm qua, các doanh nghiệp và địa phương rầm rộ đưa nông sản, sản phẩm OCOP (thuộc chương trình quốc gia Mỗi xã 1 sản phẩm) lên sàn TMĐT và bước đầu cũng thu được những kết quả khả quan. Chẳng hạn, việc tiêu thụ vải thiều Bắc Giang, xoài cát Hòa Lộc (Đồng Tháp), bưởi Tân Triều (Đồng Nai)… khá tốt.

Theo ông, muốn bán được hàng trên sàn TMĐT, các đơn vị cần rút ngắn thời gian giao hàng, như giao hàng trong các thành phố lớn trong 1-2 giờ thay vì 3-4 ngày. Ngoài ra, chất lượng sản phẩm phải đúng như cam kết, giá cả cũng phải cạnh tranh. Việc kinh doanh trên sàn ngày càng khó khăn do các sàn liên tục cập nhật chính sách mới, buộc bên bán hàng phải chuyên nghiệp hơn. Trong khi đó, nông sản nói chung, rau củ quả nói riêng khó bảo quản, dễ bị hư hỏng nên lợi nhuận thu được không nhiều, dẫn tới việc các chủ thể bán hàng chưa thực sự mặn mà.

Theo Bộ Công Thương, TMĐT là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế số của Việt Nam, với doanh thu 20,5 tỉ USD năm 2023, tăng khoảng 4 tỉ USD (tương đương 25%) so với năm 2022. Năm 2024, theo dự báo của Metric (nền tảng số liệu TMĐT), doanh thu TMĐT có thể sẽ đạt khoảng 650.000 tỉ đồng.

Để tiêu thụ tốt nông sản qua sàn TMĐT, ông Nguyễn Đình Tùng nêu kinh nghiệm, nên chọn loại nông sản phù hợp, như bưởi da xanh chẳng hạn, do ít hao hụt, dễ bảo quản, dễ vận chuyển so với các loại trái mỏng vỏ khác.

Giao hàng nhanh thông qua hệ thống bưu cục

Các sàn TMĐT lớn thường quan tâm khách hàng ở các thành phố lớn, nên việc đưa nông phẩm, sản phẩm OCOP từ miền núi, vùng sâu vùng xa lên sàn sẽ khó có thị trường. Nông sản cần được giao nhanh, nên trong khi chờ đợi Nhà nước đầu tư lớn để hoàn thiện cơ sở hạ tầng hậu cần, cần linh động dựa vào hệ thống sẵn có.

Bưu điện Việt Nam đang tích cực phát triển để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trong thị trường nông sản. Thay vì chỉ tập trung phát triển mạng lưới giao hàng ở các thành phố lớn, chúng tôi nhắm đến các khu vực nông thôn và các thành phố nhỏ dựa vào hệ thống điểm giao dịch và bưu cục văn hóa xã.

Ông Nguyễn Thế Anh - Giám đốc kinh doanh và phân phối, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam

Mai Ca

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEanlanhsongmanhvi /strCate=anlanhsongmanh
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthitruongvi /strCate=thitruong