Không để anh phải buồn một mình

12/12/2020 - 18:42

PNO - Ngày ngày đi làm chồng đưa đón bằng xe hơi nhìn ngon lành lắm mà trong ví tôi chẳng có tiền, cảm giác rất khó chịu. Nói dại, lỡ xảy ra xui rủi gì đó thì biết xoay xở sao đây.

Bàn chuyện cưới xin, chúng tôi tính toán bình quân mỗi tháng anh chạy taxi được khoảng mười lăm triệu đồng, thu thập từ nghề kế toán của tôi khoảng chục triệu đồng. Tôi sợ làm dâu (vì đã nghe danh mẹ của anh) nên nói chừng này tiền là chúng mình ở riêng ngay được rồi, còn để dành được nữa là. Anh nói: “Ừ thì trước đây mẹ cũng hơi hơi khó tính nên mấy bà chị dâu sau vài lần cự cãi không chịu ở chung nữa.

Nhưng ra riêng rồi mới thấm, chỉ riêng khoản chở con đi nhà trẻ mùa mưa…”. Tôi cãi: “Nói như anh thì những cặp vợ chồng không có bà nội chơi với cháu thì chết hết à?”. Anh cười hỉnh mũi: “Nói chết thì hơi quá nhưng người vợ bị thiệt thòi đường công danh sự nghiệp là cái chắc, có đứa con nhỏ thì sao đi làm đúng giờ được, chưa kể em bé nay cảm sốt mai viêm họng khiến mẹ phải nghỉ ốm theo con…”.

Anh đánh trúng nỗi niềm của tôi. Thật vậy, tôi không mộng công danh sự nghiệp lớn lao nhưng chẳng lẽ suốt đời là nhân viên quèn? Mục tiêu của tôi là cái ghế phó phòng trong năm năm nữa. Mà đó cũng là khoảng thời gian tôi có con nhỏ, nếu cưới ngay. 

Anh hạ giọng: “Em cố gắng một chút, ngoan với một bà già mà mình đã biết trước tính nết rồi thì đâu có khó gì. Hơn nữa, thời điểm này đã khác, anh là con út, giờ đây nhà chỉ còn mình anh, thế nào mẹ cũng sẽ dễ chịu với em vì lỡ mà tụi mình cũng đòi ra riêng thì mẹ còn có ai. Xóm giềng nhìn vô nhà có bốn đứa con trai mà phải ở một mình thì mẹ sợ tai tiếng là cái chắc. Em yên tâm đi”.

Tôi gật đầu. Thật ra, tôi cũng có tính toán riêng mình. Ở chung, trước mắt là tôi tiết kiệm được bốn triệu đồng tiền thuê nhà mỗi tháng, gần bằng nửa tháng lương chứ đâu ít. Và tiền chợ thì ăn cơm chung cũng tiết kiệm được là cái chắc. Về khoản con nhỏ thì anh nói đúng. Trong công ty tôi, mấy cô đang có em bé hầu như thường xuyên đi làm trễ và lúc nào cũng tất tả, nói gì tới chu toàn công việc chung.

***
Họ hàng từ quê về dự đám cưới, mẹ nói con trai út nghĩa là chẳng còn lần nào họ hàng có dịp vui vầy đông đủ như thế này nên nhân tiện mẹ mời ở lại chơi vài ngày thăm thú phố xá.

Suốt cả tuần sau đám cưới, bữa cơm nào cũng như tiệc tùng với những cuộc hàn huyên kéo dài tới khuya. Thành thật mà nói thì tôi chỉ muốn được nghỉ ngơi. Thế nhưng, tôi cũng hiểu mình đang là tâm điểm của sự nhìn ngó nên tôi rất cố gắng, thậm chí xin nghỉ phép để cùng mẹ tiếp đón khách khứa được chu đáo. 

Rồi thì sự lưu luyến cũng kết thúc. Ngày cuối cùng, tôi cùng mẹ đi mua quà để tặng họ hàng khi chia tay. Ai cũng khen mẹ có lòng thơm thảo với bà con quê nhà.

Chỉ có điều…

Vợ của anh Hai thì thầm hỏi tôi tiền cưới mẹ cất giữ phải không? Đúng vậy, mẹ là người giữ tiền mừng trong đám cưới và sau đó thì mẹ giữ luôn, chỉ thông báo cho vợ chồng tôi biết là sau khi thanh toán nhà hàng và mọi thứ thì còn dư được hơn năm chục triệu đồng. Lời thì thầm kèm nụ cười bí ẩn khiến tôi bất an, chẳng biết kiếm cớ nào để lấy lại tiền từ tay mẹ.

Tôi thủ thỉ với chồng rằng hãy lấy số tiền mừng còn lại đem gửi ngân hàng kiếm tí lời lãi chứ cất trong tủ thì phí. Mẹ trả lời tiền cưới cũng là tiền họ hàng mừng, mẹ đã dùng tiền đó tiếp đón và quà cáp đáp lễ rồi!

Vậy, mẹ lấy tiền mừng cưới của chúng tôi làm đẹp cho mẹ? Chồng nói như an ủi: “Coi như tiệc cưới mà không bù lỗ thì cũng được mà em!”. Tôi chỉ biết nín thinh.

Ngoài chuyện tiền đó ra, tháng đầu tiên trôi qua yên bình, chỉ một vài lần mẹ chồng nhắc tôi để giày dép cho ngay ngắn và treo khăn mặt cho thẳng thớm. Tôi không phải ăn cơm văn phòng nữa vì có mẹ chồng dậy sớm nấu bữa trưa đem theo, chiều đi làm về có cơm canh nóng sốt; buổi tối còn được ăn chè, ăn bánh…

Khi tôi bắt đầu tin lời chồng nói là đúng và cảm thấy hơi yên tâm thì đùng một cái, cuối tháng, mẹ hỏi đưa tiền trả ngân hàng. Mẹ nói mẹ mua xe cho anh chạy taxi phải cầm sổ đỏ ngân hàng, trả góp mỗi tháng mười lăm triệu đồng. Tôi buồn lắm, hỏi chồng là sao nợ tiền xe mà không cho em biết trước. Chồng lúng ta lúng túng trả lời chẳng ra đầu ra đuôi… Tôi hỏi phải trả trong bao lâu. Câu trả lời ấp úng là hai năm nữa. Tôi nghe mà nghẹn đắng trong lòng. Hằng ngày ngồi xe hơi cho chồng chở đi làm cứ tưởng sướng lắm, hóa ra là mình đang ngồi trên một cục nợ.

Tiền lương của tôi thì góp cho mẹ nấu cơm. Đang nợ nần thì nên ăn uống cần kiệm thôi nhưng mẹ hay bày vẽ. Chẳng lẽ đòi nấu riêng, tôi đành chịu. Lương tháng nào hết vèo tháng đó. Ngày ngày đi làm chồng đưa đón bằng xe hơi nhìn ngon lành lắm mà trong ví tôi chẳng có tiền, cảm giác rất khó chịu. Nói dại, lỡ xảy ra xui rủi gì đó đành phải vay mượn chứ cả năm trời mà tôi chẳng dành dụm được xu nào. Đành tự an ủi thôi ráng đợi trả xong nợ cái xe…

Chúng tôi đã trả qua những tháng này khó khăn - Ảnh minh họa
Chúng tôi đã trả qua những tháng này khó khăn - Ảnh minh họa

***

Dịch COVID-19 ập tới, công việc đình đốn, lương của tôi chỉ còn một nửa. Chồng thì lái taxi ế ẩm, nhiều ngày không kiếm được đồng nào, mà món nợ ngân hàng sừng sững. Mấy tháng liên tiếp không nghe mẹ hỏi tiền, tưởng mẹ giúp, nào ngờ một hôm, mẹ tuyên bố mấy tháng nay phải vay nóng ngoài chợ để trả ngân hàng và lo toan chợ búa. Nghe mà hoảng, tôi bàn với chồng bán xe trả hết nợ cho nhẹ người rồi tính chuyện khác làm ăn. Chồng nói xe hơi cũ mà bán thì lỗ lắm.

Đó là lúc tôi biết sự thật. Vì quá lo lắng nợ nần nên tôi mới hỏi han kỹ lưỡng và tìm hiểu mấy trang mạng mua bán xe hơi cũ xem sao. Hóa ra cái xe của chồng tôi mua từ cách đây bốn năm và so với giá cả khi đó mà mỗi tháng góp mười lăm triệu đồng thì đã trả xong nợ từ năm ngoái.

Anh đã đưa tiền cho mẹ để đổi lấy sự yên ổn cho tôi. 

Anh, người con thảo hiền, biết rõ tính của mẹ mình nhưng sợ xóm giềng cười chê nhà có bốn đứa con trai mà đứa nào cũng nghe lời vợ. Và có lẽ anh không nỡ để mẹ phải sống một mình nên đã tìm cách lừa dối tôi.

***
Tôi yêu chồng và thông cảm sự thảo hiền của anh, thấu hiểu nỗi lòng đàn ông của anh nhưng tiếp tục sống chung với mẹ chồng là điều không thể. Tôi không muốn đợi đến khi bùng nổ rồi mới ra đi. Tôi muốn ra đi ngay bây giờ, khi chưa ai biết tôi đã tỏ tường sự thật. Chỉ vì tôi, nàng dâu đành hanh ích kỷ thích ra riêng để được tự do…

Mẹ chồng bình thản: “Ở chung thì mai mốt sinh em bé có mẹ bồng ẵm cho, ở riêng mà đem con về gửi là coi như gửi tư nhân đó nghe!”.

Tôi ghìm người để thốt tiếng “dạ” một cách vui vẻ, làm như con biết mẹ nói đùa mà. Liếc nhìn chồng, anh quay lưng lại để tôi khỏi nhìn thấy mặt mà vẫn thấy cái gáy của anh đỏ lựng.

***
Tôi sinh em bé, bận bịu kinh khủng và tốn kém nữa. Tôi đâm ra hay gắt gỏng chồng. Một lần kia tôi buột miệng chì chiết chuyện trả góp ngân hàng, anh giật nảy mình: “Sao em biết?”.

Không phải giấu giếm nữa, anh tuôn ra luôn: “Nếu em có người mẹ như vậy thì em làm sao? Em chọn từ bỏ mẹ mình à?”.

Câu hỏi bằng giọng đau đớn khiến tôi tỉnh ra. Không ai chọn được cha mẹ cho mình mà bấy lâu nay tôi nhìn nhận sự việc như một người đứng ngoài. Người dưng. Tôi đã để anh một mình trên hành trình làm con. 

Cuối tuần, tôi đi chợ và rủ anh đưa em bé về thăm bà nội cùng nấu nướng cho vui. Anh cảm động lắm. Tôi chưa biết mình sẽ ứng xử ra sao nếu mẹ chồng lại kiếm chuyện nhưng dù gì thì tôi cũng sẽ không để anh phải buồn một mình. 

Nguyên Hương

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI