|
Hẻm Sài Gòn có đời sống văn hoá thú vị "không đụng hàng" (ảnh: Diễm Mi) |
Hẻm Sài Gòn là một hình thức quần cư đặc trưng, do nhiều lớp di dân từ khắp nơi hội tụ về. Hẻm là nét văn hóa xã hội hết sức đặc sắc riêng chỉ Sài Gòn mới có mà không tìm được ở nơi nào khác.
Cuộc sống trong hẻm rất đa dạng. Đó không chỉ là nơi để sống, bao gồm các ngôi nhà kín cổng cao tường, mà ở đó còn mang bản chất là một xã hội mở với nhiều điều thú vị. Đó là một không gian đô thị thu nhỏ với biết bao hình thức sinh hoạt cộng đồng, trong đó có nhiều sự sẻ chia, sự tương tác và sự va chạm.
Không gian đô thị có gì thì không gian hẻm có nấy, không loại trừ điều chi cả. Từ những hình thức cư trú cơ bản là ăn ở và đi lại, đến các hình thức giao tiếp phức tạp tạo thành một cộng đồng mở với các hoạt động như mua bán trao đổi, tương thân tương ái, vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng, dịch vụ xã hội.
Tôi mê hẻm từ thời còn cắp cặp đi học ở giảng đường đại học khi có duyên "rớt" vô một con hẻm ở Sài Gòn. Hẻm tôi ở rất hẹp, chỉ vừa vặn cho 2 người to con chút xíu đi qua mặt nhau. Hẻm chỗ tôi ở rất ngắn, khoảng một trăm mét đổ lại, thế mà trong hẻm chứa hàng chục hộ gia đình với hàng trăm nhân khẩu ngày ngày chui ra chui vào. Đường nhỏ, nhường nhau chút xíu cũng lọt cũng qua. Trao cho nhau nụ cười giáp mặt, thế là vui một ngày trong hẻm.
Nhà trong hẻm Sài Gòn được tổ chức thành từng lớp, san sát. Nhà nào cũng sắm xe đạp, sang hơn thì xe gắn máy. Chúng là các phương tiện linh hoạt để ra vào hẻm.
Nếu nhà không có xe gắn máy thì người nhà chịu khó đi ra đầu hẻm, nơi kết nối với trục đường giao thông của thành phố mà bắt mấy chiếc xế hộp hay xe ôm để đi lại.
Tôi nghĩ, nếu không có xe máy chắc không ai có thể sống được với hẻm, vì đi lại bất tiện. Nhưng người ta làm nhà trong hẻm trước, sau đó thì mới mua xe máy về làm phương tiện đi lại. Nói kiểu nào đi nữa, cái hẻm và chiếc xe máy là 2 thứ quyện chặt vào nhau như hình với bóng.
Nhà trong hẻm có xu hướng mở với cửa kính trong, nhiều cửa sổ, mặc dù vẫn xây hàng rào để đề phòng mất cắp. Nhà nào cũng có hoa kiểng trồng ở trước nhà để trang trí cho con hẻm vốn khô khan được thêm nhiều màu sắc. Nhưng cái mở trong kiến trúc không bằng cái mở trong giao tiếp và tương tác giữa các cư dân với nhau. Họ là người tứ chiếng đến từ khắp nơi, tập trung trong con hẻm để lập nghiệp. Người lão thành trong hẻm hướng dẫn cho người mới đến. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, tương thân tương ái.
|
Hẻm Sài Gòn chứa trong mình cả một thế giới ẩm thực (ảnh Mark Wiens ) |
Hẻm mở nên các hoạt động kinh doanh cũng ăn nên làm ra. Buổi sáng có các quán cóc điểm tâm lót dạ tại chỗ. Nhiều nhà bày bán cà phê, nước uống, thuốc lá, bánh ngọt phục vụ đủ mọi nhu cầu, đủ mọi thành phần.
Nhiều nhà bày hàng giày dép, quần áo, thời trang. Các dịch vụ sửa sắc đẹp, làm tóc cho phụ nữ cũng tấp nập khách.
Hẻm mở, nên hẻm không đóng với các hàng rong. Hàng ngày đội ngũ này dạo quanh hẻm và cung cấp nhiều nhu yếu phẩm cho cư dân trong hẻm. Có người trải bạt và bày đủ thứ nào cá, nào thịt, nào rau... như cái chợ thu nhỏ. Có những xe trái cây, rau củ, trứng gà trứng vịt... Có những gánh tàu hủ, canh bún, xôi ngọt, xôi mặn, bánh tầm và nhiều món ăn hấp dẫn. Hàng rong đi kèm với tiếng rao, lúc nào cũng oang oang từ đầu hẻm đến cuối hẻm để mời chào.
Hẻm mở nên đám con nít xúm xít nhau chơi trò. Đứa lớn ẫm đứa nhỏ chạy. Những đứa được ẫm cười tít mắt, lâu lâu để ngón tay cái vào miệng nút chùn chụt trong khi nước mũi chảy lòng thòng. Vài ba đứa khác hé cửa nhìn ra xem lũ nhỏ bên ngoài bày trò. Đối với con nít, đó là kỷ niệm tuổi thơ. Bây giờ nhiều lứa trẻ thơ ấy đã trở thành nam thanh nữ tú xinh đẹp mỹ miều, có người chồng con đuề huề cả rồi.
Hẻm mở nên đôi lúc cũng có va chạm về lối sống. Hàng xóm khi vui thì trao nhau nụ cười, khi không vui thì thảy cho nhau cái nhìn vô cảm rồi bỏ đi. Có nhà vừa mua mô tô cho quý tử, tiếng máy xe phình phịch bất kể ngày đêm. Có nhà những hôm tiệc tùng khoe khoang giọng hát, mở loa hết công sức mà ca mà hò. Thương cho cái tai của nhiều người trong hẻm sắp nổ vì tạp âm, thương cho những người già trằn trọc suốt đêm không ngủ.
Không có gì vui như sống trong hẻm, nhiều lúc người đi xa đau đáu nhớ về. Cả một xã hội thu nhỏ trong cái không gian chật chội, có hỷ nộ ái ố, có cưới hỏi, có tiệc tùng, có đi lại, có ăn ở, có thương có ghét, có giàu có nghèo, có mua có bán, có cười có nói, có va chạm, biết bao âm thanh từ tiếng rao, tiếng ru, tiếng hát...
Hẻm là vậy, nhưng không tìm đâu ra được phong cách sống như thế ở nơi khác trên trái đất. Hẻm rất đặc trưng cho nét văn hóa đa dạng của người Sài Gòn. Chân thật, bao dung và dễ hòa nhập.
Quế Dung (Trà Vinh)
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM, ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn, tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”. Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html |