Không đánh giá học sinh hoàn toàn bằng điểm số: Đừng để “bình mới rượu cũ”

23/08/2021 - 06:16

PNO - Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, bắt đầu với lớp Sáu trong năm học 2021-2022. Kết quả học lực của học sinh không theo điểm tổng kết chung các môn học, nhiều môn học cũng không đánh giá bằng điểm số mà bằng nhận xét… Tuy giáo viên, nhà quản lý giáo dục đánh giá đây là phương pháp tiến bộ, đúng tiêu chí lấy người học là trung tâm nhưng cũng có người cho rằng chỉ là “bình mới rượu cũ”.

Mới nhưng không lạ 

Theo Thông tư 22, các môn học được chia làm hai hệ thống, và cả hai hệ thống này đều có tác động đến kết quả học tập của học sinh (HS). Cụ thể, hệ thống đánh giá bằng nhận xét với bậc THCS gồm bốn môn (giáo dục thể chất, nghệ thuật, nội dung giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp) và năm môn với bậc THPT (giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật, nội dung giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp). Với các môn học này có hai mức đánh giá: đạt và chưa đạt. 

Hệ thống còn lại là tám môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số. Xếp loại học lực cũng không còn giỏi, khá, trung bình, yếu, kém mà thay bằng tốt, khá, đạt, chưa đạt. Trước đây, để được xếp loại học lực giỏi, HS phải đạt điểm trung bình tất cả các môn từ 8,0 trở lên, trong đó bắt buộc điểm trung bình môn toán hoặc ngữ văn phải đạt từ 8,0 trở lên. Nhưng theo cách đánh giá mới thì HS xếp loại học lực chỉ cần có sáu môn bất kỳ đạt trung bình trên 8,0 và tối đa hai môn ở ngưỡng từ 6,5 đến dưới 8,0; cộng với mức đạt ở hệ thống các môn không chấm điểm.

Việc đánh giá học sinh trung học sẽ kết hợp giữa điểm số và nhận xét - ẢNH: PHÚC TRẦN
Việc đánh giá học sinh trung học sẽ kết hợp giữa điểm số và nhận xét - ẢNH: PHÚC TRẦN

Thông tư này vừa ra đời đã gặp những ý kiến trái chiều. Có giáo viên (GV) cho rằng Thông tư 22 so với Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT chỉ là “bình mới rượu cũ”, GV vẫn phải đánh giá HS bằng điểm số và nhận xét (trừ môn âm nhạc, thể dục, mỹ thuật), điều này gây áp lực rất lớn đến GV. 

Thực tế, cách đánh giá này mới nhưng không lạ với nhiều địa phương. Đánh giá HS bằng nhận xét kết hợp với điểm số đã là phương pháp có từ nhiều năm nay trong “Mô hình trường học mới” (VNEN). Cô giáo Lý Thị Thảo (tỉnh Lào Cai) cho biết, các GV trong tỉnh đã quá quen thuộc với cách xếp loại, đánh giá HS như vậy, bởi VNEN đã có mặt ở Lào Cai từ năm học 2011 - 2012. Cách xếp loại kết hợp cả điểm số và đánh giá đã thực sự giúp HS đảm bảo kiến thức, kỹ năng từng môn học và các hoạt động giáo dục khác song song với sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của từng cá nhân.

Giúp giảm bệnh thành tích?

Nhiều GV nhận định: những thay đổi trong Thông tư 22 sẽ giúp giảm bệnh thành tích, đồng thời HS cũng có thêm động lực để cố gắng học tập. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo H.Hoài Đức (TP.Hà Nội), cho biết: Những năm trước, việc trong lớp có nhiều HS chưa đạt đến mức giỏi nhưng vẫn được khen thưởng là HS giỏi, rồi “lạm phát giấy khen” cũng đã diễn ra phổ biến. Chính việc này đã làm mất đi giá trị đích thực của tấm giấy khen cũng như động lực phấn đấu của HS.

Với Thông tư 22, mức khen thưởng danh hiệu “HS xuất sắc” dành cho HS có kết quả rèn luyện tốt, kết quả học tập tốt và có ít nhất sáu môn trung bình từ 9,0; mức khen thưởng danh hiệu “HS giỏi” dành cho HS có kết quả rèn luyện tốt, kết quả học tập tốt và có ít nhất sáu mông trung bình từ 8,0. Đồng nghĩa với việc số HS xuất sắc, HS giỏi sẽ ít hơn những năm vừa qua và có sự phân hóa rõ ràng về năng lực.

Cách đánh giá theo Thông tư 22 cũng phù hợp với mục đích của chương trình mới. Với nhiều GV, việc đánh giá HS không dựa trên điểm trung bình của tất cả môn học như trước đây là một góc nhìn cởi mở. Bởi, nếu chỉ nhìn vào điểm tổng kết chung thì khó mà biết được cụ thể từng HS có thế mạnh ở môn nào. Song với cách đánh giá mới, GV sẽ dễ nhìn ra môn học trội của HS, từ đó có hướng tạo điều kiện cho HS thêm động lực học tập và được phát huy thế mạnh của bản thân. Điều này được xem là phù hợp với xu thế giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Song, để cách đánh giá này thực sự phát huy được ưu điểm, GV cần hiểu đúng và vận dụng linh hoạt các hình thức đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, cũng như kết hợp điểm số. GV sẽ phải kỹ lưỡng và vất vả hơn trong việc chuẩn bị bài, nhưng bù lại khi dạy sẽ “nhàn” hơn. 

Một GV đang chủ nhiệm một chương trình giáo dục quốc tế cho rằng, trước đây Việt Nam chưa chú trọng phần đánh giá thường xuyên (qua các hoạt động phản hồi, động viên, gợi ý) mà chỉ tập trung vào kiểm tra, đánh giá qua các bài đánh giá tổng thể, được chuẩn hóa bằng một thang điểm cụ thể để chấm cho HS. Nên quy định về đánh giá HS mới này có thể sẽ có những cách hiểu, cách triển khai chưa được đồng bộ. Nếu đánh giá HS thường xuyên được xem như một chỉ tiêu với GV thì rất có thể sẽ vô tình khiến GV thấy áp lực và thực hiện một cách đối phó. Điều này cũng rất có thể dẫn đến những nhận xét chung chung.

“Đánh giá thường xuyên là một nghiệp vụ quan trọng, GV vừa cần được hướng dẫn, vừa cần được truyền cảm hứng. Bởi GV thực sự muốn đánh giá HS thì phải theo sát, quan tâm, trao đổi với từng HS. Chỉ có như thế, việc đánh giá HS theo cách mới - hướng đi phù hợp với xu thế giáo dục tiên tiến của thế giới này mới thực sự đạt hiệu quả”, vị này nhấn mạnh. 

Ngọc Minh Tâm

 

Đánh giá bằng nhận xét, tránh thực hiện máy móc

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi có ý kiến lo lắng khi thực hiện đánh giá bằng nhận xét sẽ tăng việc, tăng áp lực cho giáo viên (GV). 

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, quy định tại Thông tư 22 vừa ban hành là sự kế thừa quy định tại Thông tư 26 ban hành năm học trước. Những điểm kế thừa ở đây là việc giảm đầu điểm kiểm tra định kỳ. Mỗi môn học chỉ có bốn đầu điểm kiểm tra định kỳ, bên cạnh các điểm kiểm tra thường xuyên. Việc kiểm tra cũng đa dạng, linh hoạt và giao chủ động về cho GV.

Cụ thể, điểm kiểm tra định kỳ có thể là bài kiểm tra trên giấy hoặc máy tính, có thể là bài thực hành hoặc dự án học tập. Còn điểm kiểm tra thường xuyên sẽ đa dạng hơn: hỏi - đáp (kiểm tra kiến thức cũ, trong quá trình học bài mới), viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ GV giao trước, trong và sau giờ học…

Trong quy định mới các môn giáo dục thể chất, nghệ thuật, âm nhạc, mỹ thuật, nội dung giáo dục của địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp chỉ đánh giá nhận xét cho cả hình thức thường xuyên và định kỳ. Còn các môn còn lại đánh giá bằng nhận xét điểm số kết hợp đánh giá bằng điểm số.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Thành, việc đánh giá này sẽ không áp dụng máy móc là GV phải ghi học bạ hay ghi vào sổ theo dõi nhận xét từng học sinh (HS) vào cuối kỳ, cuối năm. Việc đánh giá bằng nhận xét cần phải thực hiện thường xuyên thông qua hình thức viết hoặc nói trong quá trình dạy học nhằm giúp HS tiến bộ.

Quy định đã nêu rõ việc GV có thể hướng dẫn HS tự đánh giá trong quá trình rèn luyện và học tập; cha mẹ HS hay các cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia quá trình giáo dục HS cũng có thể có ý kiến nhận xét, phản hồi. GV khi đánh giá HS vào cuối kỳ, cuối năm có thể dựa trên các thông tin phản hồi của cha mẹ HS và ý kiến của các cơ quan liên quan cùng với việc theo dõi HS trong quá trình học tập. Có nghĩa là, nếu GV làm đúng thì việc đánh giá thường xuyên được thực hiện ngay trong quá trình dạy học ở từng bài học, không để dồn vào các đợt đánh giá cố định nên sẽ không bị áp lực. 

Thông tư 22 cũng quy định, với các hình thức đánh giá qua hoạt động học tập như bài kiểm tra đánh giá bằng nhận xét, bài thực hành, dự án học tập… phải có mô tả cụ thể nhiệm vụ, yêu cầu cần đạt của HS. Việc mô tả cụ thể, giao việc rõ ràng đến từng HS sẽ giúp GV đánh giá sát hơn khi chấm điểm dự án học tập hay sản phẩm học tập của các nhóm HS khác nhau. Nhà trường cần hướng dẫn cụ thể để các tổ chuyên môn thảo luận, cụ thể hóa quy định bằng các nội dung rõ ràng, minh bạch và dễ thực hiện.

Tiêu Hà

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI