Không cưới nhưng mỗi tuần sống chung 2 ngày

18/09/2019 - 05:03

PNO - Người cùng huyết thống sống chung nhà còn gây gổ, nói gì hai người xa lạ chỉ có chút gọi là tình yêu. Từng một lần đổ vỡ, tôi không muốn chuyện đó lặp lại.

Cầm tấm bằng đại học còn đang nóng hổi trên tay, tôi đã phải vội vã lên xe hoa vì… lỡ ăn cơm trước kẻng. Đó là một cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối chút nào.

Tôi tuy không phải lá ngọc cành vàng, nhưng là con gái trong một gia đình khá giả. Còn Hùng, mẹ mất sớm, cha đi bước nữa, nên mới mười ba tuổi, thay vì cắp sách đến trường đã phải ra đời kiếm sống. Vì vậy, khi tôi quen Hùng, bạn bè ai cũng phản đối. Còn ba mẹ tôi, mãi đến khi tôi có thai, ông bà mới biết Hùng... Lúc đó đã quá muộn.

Kết hôn xong, ba mẹ tôi thuê cho hai đứa một căn hộ. Tôi ở nhà chờ ngày sinh con, còn Hùng làm công nhân cho một xưởng in vải gia công. Công việc của Hùng khá vất vả, nhưng lương chẳng đáng là bao. Đã vậy, người anh lúc nào cũng lấm lem. Dù hằng tháng, mẹ tôi vẫn đều đặn đưa tiền sinh hoạt, nhưng tôi chán ngấy cuộc sống chung đó. Sắp đến ngày sinh, tôi nói phải về nhà mẹ ở, Hùng đồng ý. Từ đấy, chúng tôi bắt đầu cuộc sống ly thân.

Con trai được hai tuổi, tôi đi làm. Đi làm được sáu tháng, chúng tôi ly hôn. Không phải vì tôi có người đàn ông khác, đơn giản vì tôi nhận ra, tôi và Hùng sống trong hai thế giới khác nhau nên không thể đi chung một con đường. 

Khong cuoi nhung moi tuan song chung 2 ngay
Ảnh minh họa

Khi con vào lớp Một, mẹ con tôi rời nhà ông bà ngoại ra chung cư ở. Tôi một lòng lo cho con. Trong trái tim tôi không có chỗ trống cho bất kỳ người đàn ông nào. Những đứa trẻ thiếu cha hoặc mẹ thường già trước tuổi. Có lẽ vì vậy mà con của tôi rất ngoan và học giỏi. Học xong lớp 12, cháu được học bổng toàn phần một trường đại học ở Úc. Trước khi lên máy bay ra nước ngoài, con trai nói với tôi: “Bây giờ mẹ đã có thể sống cho mình được rồi…”.

Con đi rồi, tôi có nhiều thời gian rảnh nên quan tâm đến bản thân hơn. Vốn có nét sẵn nên khi tút tát lại, trông tôi khá hấp dẫn. Mỗi khi tôi xuất hiện chỗ này, chỗ nọ, đều có khá nhiều ánh mắt dõi theo. Phụ nữ thì ghen tỵ, đàn ông thì... ham muốn - và tôi đã chọn Long, một người trong số đó. 

Long cũng đã ly hôn, anh ta có hai con. Hai đứa trẻ đều sống với mẹ. Long rất ga-lăng, anh ta biết phụ nữ cần gì, nên những tin nhắn, cuộc gọi của anh ta đều đến với tôi rất đúng lúc. Chỉ một thời gian ngắn quen nhau, Long nói tôi về sống với anh ta. Dù đã yêu Long nhưng tôi chỉ trả lời: “Mỗi tuần em sẽ sống với anh hai ngày”. Từ đó, thứ bảy, chủ nhật, tôi tới nhà Long và sống chung như vợ chồng với anh ta.

Mẹ tôi bảo, sống vậy thì chỉ có người phụ nữ là thiệt. Có lẽ ở thời của mẹ như vậy là thiệt, nhưng thời của tôi thì khác.

Người cùng huyết thống sống chung một nhà mà còn gây gổ, nói gì là hai người xa lạ về sống với nhau, làm sao tránh khỏi những lúc thế này, thế khác. Đã từng một lần đổ vỡ, tôi không muốn chuyện đó lặp lại. Huống hồ, cả tôi và Long đều còn những mối bận tâm riêng. Con trai tôi tuy đã có thể tự lo cho mình, nhưng tôi cũng không thể coi như hết trách nhiệm. Tôi vẫn phải để dành tiền cho cháu để khi nó cần có cái mà dùng. Còn Long, anh ta còn phải chu cấp cho hai đứa con, thỉnh thoảng phải đưa chúng đi chơi...

Khong cuoi nhung moi tuan song chung 2 ngay
Ảnh minh họa

Có đêm, Long ôm tôi vào lòng và hỏi: “Mình là gì của nhau? Ngày mai, chúng ta sẽ thế nào?”. Tôi không biết trả lời ra sao, chỉ biết rằng, hiện tại tôi đang hạnh phúc và tôi cũng cảm nhận được Long đang vui.

Cũng chọn hôn nhân cuối tuần như tôi, Hằng (bạn của tôi) nói: “Cuộc đời ngắn ngủi lắm. Ai biết ngày mai sẽ như thế nào, nên hôm nay vui thì cứ vui, hạnh phúc thì cứ hưởng. Sao phải tăn lăn...”.

Hằng ly hôn đã được bảy năm. Rồi cô nuôi con một mình. Hai năm trước, Hằng quen Việt. Lúc đầu, hai người dự định kết hôn, nhưng sau vài lần đưa con đi ăn cùng cha con Việt, cô nhận ra kết hôn với Việt lúc này là một sai lầm. Sau đó hai người quyết định mỗi tuần dành hai ngày để sống cho riêng mình. Việt giao hai đứa con nhờ chị gái chưa chồng trông giúp, Hằng thì đem con về nhà cha mẹ chồng.

“Một lần bị rắn cắn, cả đời sợ dây thừng”, có lẽ vì vậy mà tôi, Hằng, Việt và cả Long, thậm chí nhiều người khác nữa đã chọn lối sống ích kỷ - không ràng buộc nhau về mặt pháp luật, cũng không lấn cấn chuyện gia đình hai bên. Thậm chí, tiền của ai, người đó xài; “bánh ít cho đi, bánh quy cho lại” - sinh nhật em, anh tặng sợi dây chuyền thì đến sinh nhật anh, em tặng lại chiếc điện thoại. Không ai nợ ai. Sòng phẳng vậy đó, để nếu lỡ một ngày có chia tay, cũng không phải áy náy... 

Hàm Yên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI