Gặp lại cô bạn thân, vừa hỏi thăm "tết vui không", bạn lập tức ỉu xìu như bánh tráng nhúng nước.
Anh em, bè bạn, khách khứa bên chồng bạn đông nhưng lại không hẹn nhau một ngày mà rải rác tới nhà suốt tết nên nhà bạn chẳng có khái niệm nghỉ ngơi hay chơi tết. Nói cho ngay, người ta có quý mình mới tới thăm vào dịp tết, mỗi mối quan hệ đều có một ý nghĩa nào đó với chồng bạn nên khó lòng từ chối.
Mấy ngày tết, chị giúp việc về quê, mình bạn loay hoay trong bếp, nấu nướng, dọn dẹp, rửa ly chén khiến bạn muốn stress. Cuộc gặp nào cũng có bia, rượu nên ngày nào chồng bạn cũng say mèm. Đồ mới mua cho cả nhà chỉ đem ra mặc mỗi hôm mùng Một về chúc tết nội - ngoại. Tội nghiệp lũ trẻ chẳng được đi đâu chơi. Bạn chỉ mong mau hết tết vì đi làm lại còn đỡ chán hơn mấy ngày tết ở nhà như thế này.
Bạn làm tôi nhớ những cái tết ngày còn nhỏ. Có thể nói, những cái tết tuổi thơ với ký ức vui có, buồn có đã phần nào ảnh hưởng đến cách chuẩn bị tết của chúng tôi bây giờ.
Nhà nội tôi rất đông. Tết nào cũng tập trung mấy thế hệ gần 50 người ăn uống tại nhà nội. Riêng khoản "hậu cần" trong mấy ngày tết đã là cả vấn đề, chưa kể chi phí, thời gian chuẩn bị, công sức nấu nướng.
Năm nào cũng vậy, tầm 23 tết trở đi là tập trung về nhà nội. Trẻ con rửa lá chuối, gọt củ kiệu, đứa canh lửa, lặt lá mai, lôi chén đĩa trong kệ ra rửa, lau chùi bàn ghế, quét sân vườn... Người lớn thì kho thịt, làm gà, vịt, gói bánh chưng, bánh tét, sên mứt... Chưa kể mỗi nhà còn chuẩn bị riêng những "món lẻ" để mấy ngày tết mọi người luân phiên ghé từng nhà dùng bữa.
Suốt mấy ngày tết, ở nhà nội hay nhà mình, mẹ con tôi cũng bận luôn tay luôn chân. Hết khách nhà đến họ hàng gần, xa rồi đến hàng xóm, bạn bè của ba là chính. Hết nấu, hâm, rã đông thức ăn đến dọn rửa ly chén liên tục. Khách nào cũng say bí tỉ mới chịu về. Tết mà tối nào mấy mẹ con cũng mệt rã rời trong lúc ba tôi chẳng giúp được gì ngoài việc "chủ trì" tiếp khách đến say mèm.
|
Những mâm tiệc tết từng là nỗi ám ảnh của không ít người (Ảnh minh họa) |
Chứng kiến những cái tết quá vất vả của bà, của mẹ, bọn tôi chỉ mong hết tết thật nhanh và sau này nhất định không lặp lại lối sống của bà, của mẹ. Chúng tôi lớn lên với định kiến sẵn trong đầu về tết, bởi mỗi khi nhớ về những ngày tết cũ, ngoài những ký ức vui vẻ bên người thân, còn lại chúng tôi chỉ thấy... sợ tết.
Khi đã là chủ gia đình riêng của mình, tôi chủ động đề nghị chồng thu xếp tiếp khách vào một ngày cố định. Thức ăn cũng chuẩn bị vừa đủ chứ không quá nhiều. Thời gian nghỉ tết còn lại, chúng tôi dành cho cha mẹ hai bên, du lịch hoặc có khi chỉ nghỉ ngơi ở nhà. Với cách sắp xếp này, tôi thấy thoải mái, thư giãn và luôn mong ngóng tết chứ không sợ tết như ngày xưa.
Có một nghịch lý là thay vì tết là để nghỉ ngơi sau một năm vất vả thì nhiều người lại bận rộn hơn. Thành ra cả năm chẳng lúc nào thảnh thơi, ngơi nghỉ. Tâm lý "gà mái mẹ" khiến các bà, các mẹ luôn muốn chồng, con, cháu mình được đủ đầy, no ấm. Mặt khác, sự chỉn chu cũng làm họ tự hào với họ hàng, làng xóm, bạn bè về khoản vén khéo, đảm đang trong ngoài. Chính sự cầu toàn đã khiến họ "tự khổ".
Có điều kiện, sức khoẻ, có người đỡ đần, có thời gian thì việc chuẩn bị tết công phu hay tiếp đãi nhiều chẳng có gì để nói. Tuy nhiên, người có tiền thường bận rộn, người có nhiều thời gian lại thường có cuộc sống khó khăn.
Người ta hay bảo tết thời nay nhạt và luôn hoài niệm tết xưa với nhiều tiếc nuối. Công bằng mà nói, thời nào cũng có ưu, nhược điểm riêng. Thời đại của tri thức và hòa nhập toàn cầu mà muốn quay ngược trở về những nếp sinh hoạt cũ xưa có vẻ không phù hợp xu thế.
Chưa kể, xã hội đã phân công theo công việc thì mỗi người chỉ cần làm tốt vai trò của mình là đủ. Cũng có những phụ nữ "siêu nhân" giỏi việc nước, đảm việc nhà, nhưng không phải ai cũng muốn bày biện, ôm đồm khi công việc thường nhật đã quá bận rộn, mệt mỏi. Chỉ cần biết sắp xếp và đừng quá cầu toàn, tết sẽ không đáng sợ đến nỗi ám ảnh như cô bạn hay như tôi của những mùa tết xưa.
Đào An Nhiên