Đầu tháng Chín, mạng xã hội Mumsnet (diễn đàn khá nổi tiếng dành cho các bà mẹ tại Anh) đã đăng thắc mắc của một bà mẹ tương lai: “Tôi sắp sinh em bé đầu tiên trong sáu tuần tới và hy vọng có ai đó chia sẻ với tôi những kinh nghiệm lạc quan về việc sinh nở. Tôi nghe quá nhiều chuyện kinh hoàng và bây giờ tôi ước có người kể cho tôi nghe những trải nghiệm thú vị”.
Báo cáo của ngành y cho thấy, năm ngoái 55% các ca sinh nở có các bà mẹ tuổi 30 hoặc hơn, cao nhất từ trước đến nay. (Ảnh minh họa)
Chỉ có khoảng hai chục người trả lời cho bà mẹ tương lai, kể cho cô nghe những gì họ trải qua trong quá trình sinh con một cách thẳng thắn, và chỉ có một người dùng từ “tuyệt vời” để diễn tả việc cho ra đời đứa con của mình.
Cô Gill Walton, Trưởng khoa Sản Trường đại học Hoàng Gia, cũng mong chờ được nghe những câu chuyện thú vị không kém bà mẹ tương lai nói trên. Bởi theo cô, các chia sẻ lạc quan rất cần thiết được tuyên truyền rộng rãi để cân bằng với các trải nghiệm bi quan. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các câu chuyện kinh hoàng, đau đớn, đầy máu me lại được truyền đi với tốc độ nhanh hơn và rộng rãi hơn. Điều này được nhiều người cho là đã mang lại các hậu quả tai hại.
Cùng ngày diễn đàn Mumsnet đăng tải câu hỏi trên, Catriona Jones, giảng viên Khoa Sản Trường đại học Hull, cũng lên tiếng cho rằng, các câu chuyện kinh dị về sinh nở đăng tràn lan trên mạng đang chuyển tải nỗi sợ hãi làm mẹ đến các bạn gái trẻ. 14% các bà mẹ tương lai đang mắc chứng lo âu nặng. Cô chia sẻ thêm: “Đau đớn trong quá trình sinh con là chuyện luôn xảy ra, nhưng mạng xã hội càng làm nó trở nên phổ biến hơn. Nếu bạn chỉ kể lại một cách đơn giản là: “Tôi trải qua quá trình mang thai cực nhẹ nhàng, vào phòng mổ, em bé chào đời, rồi tôi cho con bú sáu tháng”, nghe có vẻ nhàm chán, nhưng đó là câu chuyện tuyệt vời, chúng ta cần nhiều câu chuyện như thế”.
Người tiền nhiệm của cô Walton, cô Cathy Warwick cũng từng chia sẻ: phụ nữ hiện đại đang bị khai thác bởi các khóa học tiền sinh sản đắt tiền, lớp học yoga trong lúc mang thai và nhiều thứ khác. Cô Walton phát ngôn thận trọng hơn: “Phụ nữ phải được tự khám phá và tìm hiểu xem bản thân họ cần gì. Nếu họ muốn nghe tiếng cá heo, vậy thì chọn tiếng cá heo khi vào phòng sinh, hay chọn được sinh mổ, sinh dưới nước, sinh thường. Chúng có hại không? Hoàn toàn không”.
Ngay cả việc cho con bú, cần có những phân tích sự khác nhau và những lợi hại trong việc bú sữa mẹ và sữa công thức để các bà mẹ lựa chọn. Nếu các bà mẹ sau đó yêu cầu được sử dụng sữa công thức, sự lựa chọn đó phải được tôn trọng. Cô Walton nhấn mạnh: “Sinh con là lựa chọn của phụ nữ, là trao quyền cho họ.”
Nhưng có bao nhiêu lựa chọn cho họ và lựa chọn nào tốt nhất? Theo cô Walton, các bé gái, là các bà mẹ tương lai, cần có sự chuẩn bị tốt nhất cho lối sống trong tương lai của họ từ khi còn nhỏ. Cô đã chia sẻ rất chân tình với các em trong một buổi nói chuyện tại một trường trung học đầu năm nay: “Các em chỉ mới 15-16 tuổi, nhưng sau này, các em có thể sẽ trở thành cha mẹ. Phải suy nghĩ từ bây giờ, các em có đủ khỏe mạnh hay không? Đừng đợi đến khi 30 tuổi rồi mới bất ngờ quyết định mình sẽ có con”.
Cô cũng nhấn mạnh: “Có rất nhiều vấn đề về y tế cộng đồng cần được bắt đầu khi các em còn nhỏ, làm sao để phụ nữ khi trưởng thành đủ khỏe mạnh để làm mẹ trong tương lai bất cứ lúc nào. Vì hiện nay, nhiều phụ nữ làm mẹ khi sức khỏe không ở tình trạng tốt nhất”. Cô Walton cho rằng, cần can thiệp vào sức khỏe của các bà mẹ tương lai khi họ còn trẻ. Nếu không có cái nhìn toàn diện và không hành động cụ thể, sẽ tiếp tục có các ca sinh khó và cần nhiều nguồn để hỗ trợ phụ nữ.
Báo cáo của ngành y cho thấy, năm ngoái 55% các ca sinh nở có các bà mẹ tuổi 30 hoặc hơn, cao nhất từ trước đến nay. Tuổi tác có tác động rất lớn đến việc sinh con và làm chúng phức tạp hơn. Vấn đề là cần tìm ra giải pháp. Không thể cứ thuyết giảng với phụ nữ họ cần sớm có con vì đồng hồ sinh học. Họ cần có con khi quyết định đó phù hợp với cuộc sống của họ. Khoa học đã chứng minh có con sau 35 tuổi là không tốt. Tuy nhiên, con cái cần ra đời vào đúng thời điểm cuộc sống của phụ nữ đã tương đối ổn định về nhiều mặt: xã hội, nghề nghiệp, tài chính. Đó không phải là một quyết định dễ dàng.
Cô Walton kết luận: “Tôi không muốn phụ nữ trẻ sợ có con vì những câu chuyện kinh hoàng về sinh nở. Hãy tin tôi, có rất nhiều câu chuyện thực sự lạc quan chưa được kể ra thôi”.