Không còn là chuyện giết người trong mộng

08/06/2018 - 11:00

PNO - Ở đàn ông, hành động mù quáng thường là giết người; phụ nữ chấm dứt đau đớn bằng cách tự kết liễu đời mình. Sự thù hận trong tình yêu trả giá bằng mạng sống, liệu có đáng đánh đổi?

Vụ sát hại người yêu rồi phân xác phi tang do níu kéo tình cảm bất thành tại Q.Gò Vấp, TP.HCM mới đây lại một lần nữa khiến dư luận bàng hoàng. Điều đáng nói ở đây không phải là sự thương tâm dành cho nạn nhân và sự phẫn nộ của xã hội trút lên kẻ gây án, mà chính là sự tiếp nối của tội ác với những xuất phát điểm giống nhau: kết thúc một cuộc tình trong thù hận, người ta dễ dàng có những hành xử mù quáng và hậu quả của nó luôn khó lường.

Khong con la chuyen giet nguoi trong mong
 

Yêu phát điên!

Đây không phải là vụ án tình đầu tiên trong xã hội chúng ta. Trước đó, dư luận từng xôn xao vụ Phạm Văn Trưởng (sinh năm 1990, ngụ tại thôn Trúc Khê, xã Đồng Lạc, H.Nam Sách, tỉnh Hải Dương) sát hại V.T.H. (sinh năm 1997) tại chợ Thanh Bình bằng hàng chục vết đâm vào người, do H. kiên quyết chấm dứt tình cảm sau thời gian dài yêu đương.

Thầy giáo thể dục trường THPT Võ Thị Sáu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tước mạng sống người yêu - cô giáo dạy toán cùng trường - một cách tàn nhẫn, chỉ vì cô quyết định chia tay khi phát hiện người chồng sắp cưới phản bội. Nhưng có lẽ vụ thảm sát ở Bình Phước xảy ra vào tháng 7/2015 là vụ án gây chấn động dư luận mạnh mẽ và lâu nhất. Vì ý muốn trả thù người yêu cũ sau khi chia tay mà một gia đình sáu người đã vĩnh viễn ra đi dưới sự tàn ác và lửa hận ngút ngàn của kẻ thất bại trong một cuộc tình.

Sau khi những nỗi đau, mất mát của nạn nhân trong các vụ án tạm lắng, người ta chỉ còn thấy một gương mặt đờ đẫn, ngây dại tại tòa án. Nhưng tòa án lương tâm mới là sự trừng phạt nặng nề, đau đớn nhất. Cái họ mất đi không chỉ là một mối tình mà trước đó họ cố sức chiếm hữu, mà chính là cuộc đời họ, vĩnh viễn. Có lẽ họ cũng biết trước bản án dành cho mình, nhưng nhận thức muộn màng này chỉ đến sau khi tội ác được thực hiện bằng cái tôi thù hận. Lúc giết người, họ không có thời gian để nghĩ nhiều đến thế.

Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, tình yêu được coi là một trong bốn loại bản năng mạnh mẽ nhất của con người. Khi ham muốn bất thành, con người thường vô cùng đau khổ. Nếu nỗi đau đó không được chữa trị, không có đam mê nào khác đủ mạnh để kéo họ ra khỏi ý nghĩ tiêu cực thì nỗi đau bị phụ tình có thể biến thành nỗi hận thù, dẫn người ta đến những hành động mù quáng.

Tự hại mình

Trả thù khi bị phụ tình là một tâm lý dễ bộc phát. Nó giúp cái tôi ích kỷ của chúng ta được vỗ về, khiến vết thương lòng được ve vuốt. Nhưng điều tiếp diễn sau đó tệ hơn những gì bạn nghĩ. Sau niềm vui trả thù là nỗi buồn và sự ê chề đeo bám dai dẳng. Chuyện gì xảy ra cũng có nguyên nhân. Việc kết thúc một mối tình cũng vậy và lòng hận thù không phải là miếng băng cá nhân hàn gắn một sự tan vỡ.

Khi mải lao theo những ý nghĩ trả thù, lòng ta không lúc nào yên ổn. Ý nghĩ làm sao để người yêu đau khổ cũng khiến ta phải ôn lại nỗi đau của mình hàng ngày, hàng giờ. Chìm đắm trong những nỗi đau, chắc chắn ta sẽ không thể nào hạnh phúc. Những bế tắc và sai lầm sẽ liên tục xuất hiện khi ta không còn đủ tỉnh táo để suy nghĩ, không còn đủ bao dung để thứ tha. Nhìn đâu ta cũng chỉ thấy một màu đen u tối. Điều này đặc biệt nguy hiểm nếu ta truyền tâm lý tiêu cực cho những người xung quanh, đặc biệt là những đứa trẻ phải lớn lên trong thù hận, với những suy nghĩ lệch lạc về con người và những mối quan hệ cộng đồng.

Nhưng có lẽ kết cục tệ nhất của sự hận thù chính là lòng tin vào con người, vào cuộc sống bị mất đi. Ta sẽ khó mở lòng cho những mối tình đẹp đẽ khác sau chuỗi ngày thất tình u ám. Ta sẽ đánh mất cơ hội để yêu thương và được yêu thương lần nữa - điều chắc chắn sẽ đến, như một ngày mới nắng sẽ lên sau một đêm dài mệt nhoài.

Trước khi trở thành kẻ sát nhân, bị xã hội lên án, họ đã có một tình yêu thật đẹp, hồn nhiên và trong sáng như mọi mối tình khác trên đời. Rõ ràng, họ chỉ bắt đầu trở nên đáng sợ khi lòng thù hận xuất hiện. Lúc đó, tình yêu đã không còn, bởi sự hả hê trước nỗi đau của người yêu hoàn toàn không bắt nguồn từ tình yêu. Nếu ai cũng có thể yêu người khác nhiều hơn yêu bản thân, bỏ đi sự chiếm hữu ích kỷ và hận thù, thì những cái kết đau lòng đã không xảy ra. Và tình yêu sẽ mãi mãi đẹp như nó vốn thế. 

 Hồng Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI