“Tui mua vé số của bả ròng rã ba năm không vô con nào, nhưng “trúng” được bả là coi như độc đắc rồi”, ông vui vẻ kể về xuất xứ mối tình của mình. Bà thì ngại ngần: “Ai mà biết ổng để ý mình. Ngày nào cũng có mối bán chục vé, mừng muốn chết. Nhưng rồi một ngày ổng nói: Mình về một nhà nghen, ba năm qua, chắc bà biết tui thương bà. Con biết không, cô nghe mà muốn… xỉu, dù lúc ấy đã 45 tuổi”.
Ông là Đoàn Văn Toàn, bà là Nguyễn Thị Phương Hồng (Bến Cát, Bình Dương). Ông hơn bà 10 tuổi. Năm 1996 ông đã 55 tuổi, vợ mất từ lâu. Công việc của phòng khám răng gia đình ông không nhiều, không ít, bởi đã có các con ông đảm nhận. Hàng ngày ông chỉ việc đi cà phê, đánh cờ tướng, thể dục...
|
Ông Toàn với công việc hàng ngày |
Bà bán vé số, mỗi ngày đi qua nhà ông đều đặn lúc 7 giờ. Đó là giờ ông vừa đi tập thể dục về và đang tưới mấy giò lan. Dáng người bé nhỏ lầm lũi của bà khiến ông thương tình, cứ “đặt hàng” vé số. Bà thú thật là muộn duyên, lấy chồng năm 35 tuổi, sinh hai con thì chồng bỏ. Nay đứa lên 8, đứa tròn 5, nhà nghèo quá, lo cái ăn cái mặc đủ rã chân. Lời thật thà khiến ông cảm động. Vậy là đôi dép, cái cặp, cuốn truyện tranh nào đó của cháu mình “dư ra” ông đều mang đưa bà. Bà ngại ngùng không nhận, ông nói: “Chút tình cho các cháu, cô đừng làm tôi buồn”.
Vậy là, để “ông mối vé số” vui, ông cho gì bà đều nhận về. Khi bọc bánh, lúc hộp sữa hoặc đôi dép cháu ông không dùng nữa. Khi đứa con lớn của bà lên 10 tuổi thì một hôm ông mối vé số nắm tay bà nói câu “mình về với nhau nghen” khiến bà… đứng hình.
Bà vui lắm, dù mái nhà liêu xiêu cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của bà rất cần một người đàn ông gánh vác. Nhưng… gia cảnh ông như vậy, dễ gì bà được bước chân vào? Rồi còn làm mẹ kế nữa, làm bà nội bà ngoại “ghẻ” nữa. Bà quá ngại, dù đã có cảm tình với ông.
Bà đổi tuyến đường đi bán. Nhưng ông vẫn không “tha”, vẫn tìm được bà. Vẫn nói lời tha thiết, rằng muốn cùng bà lo cho các con bà. Bà đang băn khoăn trước tấm tình của ông thì con ông xuất hiện. Họ mắng bà nhiều lắm. Những ngôn từ không dành để nói với người có tuổi. Với họ, bà chỉ là “kẻ cơ hội”, là người “đào mỏ” chứ thương yêu gì ông. Lòng tự trọng bị tổn thương, bà bỏ nghề vé số để ông không tìm được nữa. Bà đi rửa chén quán ăn, rửa ly quán cà phê. Dầm nước tê buốt cả tay nhưng bà không dám quay lại công việc cũ, bà sợ gặp con ông, sợ lòng tự trọng lại bị tổn thương.
Ông thì sao? Ông… ngã bệnh. Không thuốc nào chữa hết. Những lúc mê man ông cứ gọi tên bà. Bác sĩ bảo đó là “tâm bệnh”, khuyên con ông tìm “tâm dược”. Vậy là chính họ đi tìm bà. Phải mất một năm mới tìm ra, dù sống cùng một thị trấn. Ngày bà gặp lại ông, ông đã như cái xác chưa chôn. Đám con năn nỉ bà chăm sóc ông, bao nhiêu tiền công hàng tháng, họ cũng chấp nhận hết. Nhưng ông thều thào rằng ông muốn bà có một danh phận chứ không chỉ là cô hộ lý.
Các con ông im lặng. Ông bảo, nếu các con không chấp nhận bà là “mẹ sau” thì ông thà chết chứ không ăn uống gì cả. Các con đành chấp nhận nhưng với điều kiện: chia hết tất cả tài sản rồi ông mới được đến với bà. Ông băn khoăn, ông muốn bà có cuộc sống đủ đầy, sung sướng, giờ chia tài sản ra thì cũng chẳng còn gì, bởi con ông những năm đứa. Bà an ủi: “Còn tay còn chân là còn sống được. Nếu ông thật sự thương tui thì đừng tiếc gì của cải”. Vậy là sau khi chia xong, ông chỉ còn 300 triệu. Ông về nhà bà, số tiền đó cất lại cái nhà nho nhỏ tươm tất.
Ông mượn bạn bè tiền để mở lại phòng nha. Bà hàng ngày chạy chợ với rau củ, bầu bí… nuôi chồng, nuôi con và nuôi cái phòng răng chờ ngày có khách. Trời không phụ người hiền, nên chỉ ba tháng sau, phòng nha của ông đã có khách lai rai…
Đứa con gái lớn của bà giờ cũng học sắp xong cấp II, ông khuyên con ráng học cho giỏi để đi học nha khoa sau này đảm trách cái phòng khám răng cho dượng.
May thay cô bé siêng học. Thằng em cũng tiếp bước chị, ngoan ngoãn chịu sự bảo ban của “dượng” rồi cũng học được hết lớp 10. Nhưng nó không đi học chữ nữa, mà học làm cửa nhôm. Bà la mắng, ông thâm trầm phân tích cái được - mất của sự học. Nhưng thằng con quyết chí, thế là ông ủng hộ, tìm chỗ gửi nó học làm cửa nhôm trong sự thán phục của bà và thằng con. Bây giờ nó đã là một tay thợ nhôm lành nghề.
|
Bà Hồng chăm sóc cháu nội của ông |
Hai mươi năm trôi qua… Ông già tuổi 55 bệnh sắp chết ngày nào, giờ vẫn tráng kiện làm “phụ tá” cho cô bác sĩ nha khoa bằng câu ông hay nói: “Giờ tui không biết tui hay con tui làm chủ cái phòng răng này nữa”. “Ba này…”, cô con gái nhắc yêu. Từ lâu rồi, hai con của bà đã không còn gọi ông là “dượng” nữa. Bởi tình yêu thương của ông bao la như tình cha đối với con ruột.
Ngồi trong ngôi nhà hai tầng khang trang, bà tâm sự: “Hai mươi năm qua, ông ấy đối xử với mẹ con cô tốt như không còn người chồng, người cha nào tốt hơn. Cô nói với ông hoài, tới năm 50 tuổi còn nói, “Hay là sinh với nhau một đứa con đi ông. Chứ để vầy, tội nghiệp ông”. Ổng bảo: “Đừng phân biệt con chung con riêng. Quan trọng là mình nuôi dạy nó thế nào. Chứ sinh ra lóc nhóc rồi nuôi dạy không nổi thì càng khổ tâm nữa. Mình không còn bao nhiêu thời gian để thương yêu và lo lắng cho nhau đâu, cứ bình tâm mà sống đi em”.
Bà nghe lời ông, bình tâm sống và dìu nhau qua những khúc ngoặt của đường đời. Ông 75 tuổi rồi, mấy chứng bệnh già đã bắt đầu len lỏi vào cơ thể. Bà cũng không khỏe hơn, dấu ấn của những ngày làm thuê, thức khuya dậy sớm chạy chợ hồi nào cùng bệnh thấp khớp đã khiến bà khó ngồi khó đứng. Ông thì cao huyết áp, bao tử, men gan cao…
Nhưng ông bảo, ông vui lắm, vì ba năm trở lại đây, các con ông đã chấp nhận bà, đã chịu gọi bà bằng “mẹ”. Nhà ông giờ hàng ngày không có tiếng trẻ thơ nào hết, vì đứa cháu ngoại duy nhất của ông bà đã đi nhà trẻ. Nhưng ngày lễ, ngày tết, ngày cuối tuần thì con nít đầy nhà, vì cháu nội, cháu ngoại ông được cha mẹ chúng đưa sang chơi với cháu ngoại của bà. Mấy đứa trẻ như không biết gì về một thời “rồng rắn cắn nhau” của các bậc cha mẹ. Với chúng, chỉ được vui chơi bên nhau là hạnh phúc rồi.
Mấy lúc như thế, bà lại làm “cô trông trẻ” để giữ ba, bốn đứa con nít. Còn “con bà” và “con ông” thì đi cà phê với nhau, để bàn về nghề nghiệp, về chuyến du lịch sắp tới mà họ định mời cha mẹ đi cùng. Ông bảo, vợ chồng không có con chung, chưa chắc là bất hạnh. Ví như ông bà đây, không phải là rất hạnh phúc đó sao?
Thụy Cúc