Không còn bố mẹ, tuổi nào cũng bơ vơ

02/12/2014 - 07:50

PNO - PN - Đi thăm chú T., từ ngày chú về hưu chẳng mấy khi gặp, nhưng chú vẫn luôn gần gũi như một người bạn lớn tuổi có thể chia sẻ được mọi điều. Chú xuống nhà, nhẹ nhàng xin lỗi thay cho câu chào: “Đợi chú lâu quá phải không?...

edf40wrjww2tblPage:Content

Cuộc nói chuyện của hai chú cháu dừng mấy lần vì chú đứng lên, lúc thì lấy trà nóng cho mẹ, lúc thì chỉnh tấm rèm để đỡ hắt nắng vào chỗ bà nằm xem ti vi. Chú kể, chỉ cuối tuần chú mới quay về nhà cũ sum họp cùng vợ con. “Cô chăm cháu nội cũng có niềm vui và đủ bận rộn. Bà không chịu đi khỏi căn nhà này vì còn lo việc hương khói các cụ và ông. Bà 87 tuổi rồi, chú không còn giữ mẹ ở bên mình được mấy nữa, nên chú chuyển về đây ở hẳn với bà chứ không đi lại thăm viếng như xưa…”.

Khong con bo me, tuoi nao cung bo vo

Nguồn ảnh: internet.

Chú 65 tuổi, đi ra khỏi nhà vẫn xin phép mẹ và hẹn giờ về, “để bà không lo lắng đợi cửa”. Mỗi tối đều nhớ vặn chiếc đài bán dẫn tiếng nho nhỏ cho mẹ nghe dễ ngủ, mỗi sáng chú mua quà bánh cho mẹ xong mới đi café với mấy ông bạn già. Chú vẫn nói chuyện thời sự và việc hàng phố với mẹ mỗi ngày, mong giữ sự minh mẫn của bà được lâu. “Người già hay bị mặc cảm là thừa ra trong nhà, chỉ cho người giúp việc chăm sóc ăn uống mà con cái không ngó ngàng chuyện trò, có khi cũng là một cách bỏ quên” - chú bảo.

Mình bỗng nhớ biết bao người già đã gặp trong những ngôi nhà ở thành phố. Những người già buồn bã như những con dế bị nhốt trong bao diêm. Cả ngày con đi làm, cháu đi học, người già chỉ ngồi cô quạnh với giường tủ bàn ghế, đi lên đi xuống mấy tầng cầu thang để đỡ chồn chân. “Nghĩa xóm giềng” ở thành thị là điều gì đó rất mơ hồ, người già bỏ quê theo con mãi không hết ngơ ngác giữa những láng giềng phố khăng khăng một vẻ lạnh lùng xa cách.

Người già mòn mỏi đợi cuối ngày quây quần cùng con cháu như đợi niềm vui duy nhất. Nhưng buổi tối sau bữa cơm, mọi người đều trở về phòng riêng. Không còn câu chuyện nào để trao đổi và kết nối khi những ti vi, ipad, smart phone đã thôn tính nốt thời gian cuối ngày và sự quan tâm của con cháu. Người già vẫn ngồi lặng lẽ ở góc bàn ấy, với bao điều lo lắng muốn hỏi muốn nói, với những tủi thân chờ an ủi, với cô quạnh đợi được nhớ đến… D

áng lẩy bẩy còng gập ở căn phòng hôi hám mùi người già dường như không hiện diện trong mắt ai, bởi đám con cháu yên tâm rằng biết bao nhung sâm thuốc bổ đã được chất trong căn phòng ấy, cần ăn gì chăm gì chị giúp việc sẽ lo, chỉ ươn người là bác sĩ tới tận nhà… Và đâu đó lúc cuối ngày sau những bận rộn, cũng chẳng ai kịp nhớ ra rằng bị bơ vơ giữa tiện nghi thì bản chất vẫn là bơ vơ.

Ông trời thật ác, khi bắt con người ta đi hết một cuộc đời lại vòng về làm trẻ nhỏ. Người già hay giận, dễ tủi, nhớ quên lẫn lộn, đến cài áo cho mình cũng sai nút, ăn thìa cơm cũng nghẹn hóc, uống miếng nước cũng đánh đổ ra ngoài, tắm gội cho mình không tự lo được. Nên người già hay bị con cháu gắt gỏng quát tháo, có khi nặng lời như mắng trẻ hư...

Người già thầm nghẹn ngào mà không thể nhắc nhớ: “Ngày xưa ấy, mẹ dạy con lần đi, học nói, tập cầm thìa… mẹ đâu có bao giờ cáu kỉnh. Lên ba tuổi con mới biết mặc quần, bốn tuổi mới tự cài nút áo, mẹ lau mặt, chải răng, rửa từng kẽ chân tay cho con mỗi ngày - từng việc li ti ấy mẹ làm đều ăm ắp niềm vui và yêu thương. Mẹ tập đánh vần cùng con, kiên nhẫn dạy con về lá cây, viên sỏi, con vật, biển, rừng và bầu trời này. Bây giờ mẹ quên và lẩy bẩy, con có thể dịu dàng và nhẫn nại như chúng ta đã cùng nhau khi con thơ bé được không?”.

Nhưng nước mắt muôn đời chỉ chảy xuôi, đám con cháu nào hiểu nỗi buồn của người già. Đâu kịp nghĩ như chú T. kia, “không còn giữ mẹ ở bên mình được mấy nữa” - thì ông trời đã khép lại phận người. Chỉ lúc ấy chúng ta mới nhận ra rằng, nỗi bơ vơ không còn bố mẹ dù ở tuổi nào cũng vẫn là bơ vơ.

QUỲNH HƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI