Mỗi lần tâm sự đó đăng lên, hàng trăm người khác liền chia sẻ sự đồng cảm.
Mỗi người mỗi cảnh, nhưng hầu hết đều luẩn quẩn, bế tắc trong việc theo đuổi phương pháp dạy con của bản thân vì “gia đình không cho phép”.
Im lặng và ấm ức
Hồi tháng Tư, khi đọc bản tin về cô gái tự tử sau khi bị hiếp dâm ở tỉnh Bắc Ninh, mẹ tôi điểm lại những cái chết oan khiên tương tự của những phụ nữ trên khắp thế giới mà bà từng đọc trên báo, rồi ngước lên nói như than: “Làm đàn bà nói gì cũng không được, oan ức lắm”.
Cho đến lúc này, hễ nhắc đến các bi kịch nói không ai nghe, bị cấm đoán, bị phản đối, phải chung sống trong bất bình, phải ấm ức từ bỏ một việc gì đó, người ta liền nghĩ ngay đến... phụ nữ.
Khi tiếp xúc với những nhân vật nữ trong quá trình làm báo, câu chuyện vĩ đại nhất tôi được nghe kể thường là chuyện họ vượt qua sự phản đối của một người thân nào đó để theo đuổi đam mê của mình.
Dường như, phụ nữ là người cuối cùng quyết định cách nuôi dạy đứa con do họ sinh ra, là người kể chuyện kém thuyết phục nhất câu chuyện của chính họ, và nếu họ theo đuổi được đam mê của bản thân thì đó là kỳ tích.
Có một nhà đấu tranh nữ quyền đã xác định, mọi vấn đề của phụ nữ đều xuất phát ở chỗ họ không thể cất lên tiếng nói của bản thân. Tiếng nói của phụ nữ theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng luôn là mục đích của những nỗ lực đấu tranh cho nữ quyền, cho bình đẳng giới.
Ở Nigeria, cựu nhà báo nổi tiếng Lola Omolola đã lập một trang Facebook để “giải cứu” tiếng nói của phụ nữ. Trang Female IN danh tiếng của bà chỉ dành riêng cho việc kêu gọi nhiều phụ nữ kể câu chuyện của mình.
Bà chia sẻ: “Không ai lắng nghe phụ nữ. Họ không có tiếng nói. Bất cứ khi nào một cô gái cho thấy dấu hiệu tự nhận thức, cô ấy sẽ im lặng”.
|
Sau khi bị giới hạn thời lượng bởi chương trình Shark Tank, Cathy Thao Tran tiếp tục kể câu chuyện hoàn chỉnh của mình trên kênh YouTube |
Điều này làm tôi nhớ đến phim Hạt mưa rơi bao lâu của đạo diễn Đoàn Minh Phượng và Đoàn Thành Nghĩa. Phim kể về cuộc đời của nhân vật nữ Lý An. Sinh ra trong thời phong kiến, cô bị loại ra khỏi xã hội vì tội “chửa hoang”.
Câu chuyện bắt đầu từ khi đứa con trai của cô biết nhận thức và bắt đầu đi tìm kiếm những người có liên quan để hỏi về người mẹ mà nó chưa từng gặp mặt. Đứa bé gặp hết người này đến người khác.
Những người đàn ông thay phiên nhau kể về người đàn bà vắng mặt theo cách của họ. Những lời kể chồng chéo lên nhau. Câu chuyện về cùng một người phụ nữ nhưng cứ xộc xệch, mâu thuẫn.
Đến cuối phim, nhân vật nữ vẫn thuộc về im lặng. Cô không một lần lên tiếng kể về cuộc đời của chính mình. Cuộc đời của cô chỉ còn lại trong lời kể sai lệch của những người khác.
Có lẽ, Lý An là một biểu tượng đỉnh cao cho cả một giới nữ “không có tiếng nói”. Họ hoặc không được quyền nói, hoặc đã tự chọn lấy im lặng trong những câu chuyện của chính mình.
Nói mà không chờ được cho phép
Trong một cuộc chia sẻ thuộc chuỗi sự kiện YouTube Meet & Greet do Google tổ chức mới đây, nữ doanh nhân trẻ Cathy Thao Tran kể, cô chợt trở nên mất kiểm soát từ khi cô tham gia chương trình Shark Tank.
Đó là một cuộc gọi vốn dài 2,5 giờ, cô phải trình bày về tầm nhìn, đam mê và trải nghiệm của công ty mình để kêu gọi đầu tư từ các “shark”. Thế nhưng, khi lên truyền hình, phần gọi vốn chỉ được nén lại trong 16 phút. Việc bị cắt gọt, nhấn nhá, được phổ biến rộng rãi khiến người xem hiểu không đúng về câu chuyện của cô.
Lần đó, vì không thể kiểm soát được sức lan tỏa của truyền hình, Cathy quyết định tạo một kênh YouTube, kể lại câu chuyện của mình mỗi ngày bằng những video tự sản xuất.
Cô trở thành một Youtuber. Những người quan tâm cô có thể cập nhật câu chuyện về Cathy hằng tuần qua “diễn đàn” do cô tự tạo. Cô gọi kênh YouTube Cathy Thao Tran là một nơi để “kể câu chuyện hoàn chỉnh của mình”.
Chuyện phụ thuộc lời kể vào thời lượng truyền hình của Cathy Thao Tran có lẽ không liên quan đến giới tính. Một thí sinh nam cũng có thể gặp chuyện tương tự. Nhưng, nó khiến tôi nghĩ đến cái gọi là “không được quyền cất lên tiếng nói” của phụ nữ.
Rốt cục, cái quyền bị đánh mất của phụ nữ đó đã được cất ở đâu, ai đã tước đi, ai đã đem giấu nó?
Quả thực, có những tình huống mà luật chơi không thuộc về bạn, bạn không được tự do phát ngôn hoặc không được truyền đạt đúng câu chuyện của mình.
Cũng giống như một cô gái trẻ không thể kể hết một câu chuyện dài 2,5 giờ vì phải tuân thủ thời lượng của một chương trình truyền hình. Thế nhưng, Cathy đã giành lại được tiếng nói, cô đã tự tạo diễn đàn của riêng mình để tự kể cho bằng được câu chuyện hoàn chỉnh về mình. Vậy, những phụ nữ khác đã làm gì trong quá trình đánh mất tiếng nói của chính họ?
Hình như, phụ nữ luôn có vấn đề với “tiếng nói” của bản thân. Thử hình dung quy trình đánh mất tiếng nói của người phụ nữ bị phản đối cách chăm con trên kia: chị sinh con, trực tiếp nuôi con, mày mò tìm hiểu phương pháp dạy con, bị gia đình phản đối và chia sẻ rắc rối này với… cộng đồng mạng.
Cái trình tự này có vẻ… rất sai. Mọi thứ diễn ra trong gia đình, nhưng đến đoạn cao trào, khi có xung đột trong quan điểm dạy con, lại lên tâm sự trên mạng xã hội. Họ mang vấn đề ra khỏi không gian của nó, mọi nỗ lực sau đó đều (dĩ nhiên) vô ích. Cuộc “tranh luận” kết thúc giữa những người trong cuộc.
Đến lúc bàn luận, giải tỏa chán chê, chị rời khỏi cõi mạng thì cái thực tế bị gia đình phản đối vẫn lửng lơ ở đó. Chị hoặc thỏa hiệp, hoặc giãy nảy kêu than “không có tiếng nói”, “mất quyền định đoạt” mọi thứ ở đời.
Tôi có cảm giác, phụ nữ luôn nỗ lực trong cuộc sống, nhưng đến những khoảnh khắc quyết định đời mình, họ toàn biến mất, để mặc cho người khác định đoạt.
Quả thực, trong quá khứ, nhân loại từng trải qua những giai đoạn khắc nghiệt khiến phụ nữ dù mạnh mẽ vẫn không có không gian để lên tiếng. Hiện tại, nếu có cùng một điều kiện thì lợi thế về uy tín vẫn nghiêng về đàn ông. Phụ nữ cần nỗ lực nhiều hơn để tạo được niềm tin, để tiếng nói thực sự được cất lên.
Thế nhưng, “không được cất tiếng nói” chỉ là một ảo giác. Nó không phải và không bao giờ nên là lý do để người nữ từ bỏ quyết định của mình vì ý chí của người khác. Im lặng, “đánh mất tiếng nói” nhất định không phải là một định mệnh của phụ nữ, trừ khi bạn không còn trên đời này, như nhân vật Lý An.
Minh Trâm