Con cái luôn là niềm tự hào, là tình yêu và mơ ước của cha mẹ. Bất kỳ người cha người mẹ nào cũng đều mong muốn được gần gũi, thể hiện sự yêu thương để con cảm nhận được tình yêu của cha mẹ dành cho. Tuy nhiên, với guồng quay công việc cùng những mối lo toan khác trong cuộc sống khiến nhiều bậc cha mẹ ít có thời gian dành cho con.
|
Ảnh minh họa |
Nếu ví sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái giống như việc chúng ta đan hai bàn tay lại với nhau thì khi thiếu đi sự gần gũi sẽ để lại những khoảng trống giữa những ngón tay và ít nhiều sẽ thiếu đi hơi ấm hai bàn tay. Khoảng cách mối quan hệ giữa cho mẹ và con cái gần hay xa một phần cũng do đây.
Biểu hiện tâm lý con người vốn phức tạp và đa dạng. Để nắm bắt và hiểu những diễn biến tâm lý của một người nào đó thì rất khó. Hiểu tâm lý con trẻ cũng thế. Có thể con cái của chúng ta đang gặp phải những vấn đề áp lực trong học tập, khó khăn ảnh hưởng từ cuộc sống nhưng không phải lúc nào phụ huynh cũng đủ tinh tế và nhạy cảm nhận ra.
Con trẻ tự thân vận động để trưởng thành hơn nhưng không phải lúc nào cũng vậy mà cần người lớn chúng ta quan tâm, hỗ trợ, động viên kịp lúc. Cha mẹ chỉ thật sự hiểu về con khi có thời gian gần gũi, tiếp xúc với con nhiều và thường xuyên.
Đối với trẻ em, trường học đầu tiên chính là ngôi nhà thân yêu của mình. Một đứa trẻ khi lớn lên sẽ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cha mẹ của mình. Nếu dành thời gian bên cạnh con, thông qua chuyện trò, tâm sự thì cha mẹ sẽ kết nối được với trẻ.
Trên cơ sở này cha mẹ sẽ hiểu hơn về những gì mà con đang nghĩ, thái độ và tính cách của con ra sao mà ta chọn cách giáo dục phù hợp và kịp thời điều chỉnh những hành vi lệch chuẩn.
Khi trẻ nhận được sự gần gũi, chia sẻ từ cha mẹ, trẻ sẽ cảm thấy cha mẹ vẫn quan tâm, yêu thương, luôn chia sẻ với mình và đặc biệt là chúng không cảm thấy cô đơn ngay chính tổ ấm của mình.
|
Gia đình là ngôi trường đầu tiên của trẻ. Ảnh minh họa |
Dưới góc độ tâm lý học, dù ở lứa tuổi nào thì trẻ cũng cần được cha mẹ bên cạnh chăm sóc về vật chất và tinh thần. Thực tế cho thấy, có không ít ông bố bà mẹ quá chú trọng vào việc kiếm tiền và đáp ứng nhu cầu vật chất cho con để bù lại khoảng thời gian con không được gần mình.
Điều này vô hình trung khiến trẻ lớn lên trở thành những con người trọng vật chất, không biết yêu thương, sẻ chia và thậm chí mất đi những giá trị tâm hồn tốt đẹp. Dễ thấy là các con thiếu đi những kỹ năng sống cần thiết để tham gia cuộc sống sau này.
Nhiều bậc phụ huynh có kinh nghiệm nuôi dạy con thường cho rằng, cách giáo dục hiệu quả nhất cho trẻ không nằm ở những triết lý, bài học cao xa mà thông qua cách ứng xử, sinh hoạt hàng ngày của người lớn, nhất là tấm gương sáng từ cha mẹ… để hình thành nhân cách cho trẻ.
Cho nên ngay từ cách chúng ta quan tâm, yêu thương, chia sẻ với trẻ hằng ngày sẽ hình thành nên nhân cách sống sau này cho con. Điều này tạo nên sai biệt giữa loài người với các loài động vật chính là biết đồng cảm, sẻ chia với hoàn cảnh của người khác.
Rõ ràng, con cái của chúng ta chưa trải nghiệm nhiều, vốn sống còn hạn chế nên các con đánh giá vấn đề thường mang tính chủ quan, phiến diện. Trên thực tế, vấn đề không chỉ có “một mặt” duy nhất mà có thể có “nhiều mặt. Nếu cha mẹ có thời gian gần con để phân tích và gợi cho con nhận ra được tính “nhiều mặt” của vấn đề nào đó.
|
Trẻ luôn cần định hướng của cha mẹ để hình thành nhân cách. Ảnh minh họa. |
Trước những thắc mắc trong cuộc sống mà trẻ không thể tự trả lời sẽ có cha mẹ giải đáp, giải thích. Điều này sẽ giúp con nhận thức đầy đủ hơn về sự vật, hiện tượng và các em sẽ được nâng cao năng lực tư duy, đánh giá vấn đề. Cách giáo dục này còn giúp con trẻ không “đóng khung” suy nghĩ của mình.
Sống trong xã hội ngày nay, trẻ có nhiều cơ hội để học tập và tiếp cận với các nguồn thông tin khác nhau từ sách vở, báo đài và đặc biệt là internet. Gữa vô vàn nguồn thông tin hỗn loạn tốt - xấu, chính thống - không chính thống… trẻ rất dễ bị nhiễu thông tin.
Và chúng ta biết, con trẻ đang ở lứa tuổi mở rộng tầm nhìn về thế giới xung quanh mà kinh nghiệm sống còn “non” nên sự phân biệt giữa cái tốt - xấu, điều lợi - hại còn phần hạn chế. Chính vì thế, các ông bố bà mẹ cần dành thời gian quan tâm đến việc này đừng để trẻ tự “bơi” trong thế giới thông tin mà mình tự khám phá. Cha mẹ hãy hướng dẫn con để tránh bị nhiễm những thông tin độc hại.
Giáo dục gia đình Việt Nam hiện nay đang đứng trước những thử thách lớn lao, khi nền kinh tế theo cơ chế thị trường đang vô cùng bề bộn. Nhiều giá trị của các nguồn văn minh thế giới ồ ạt du nhập vào chưa được gạn lọc, kiểm định đang tạo ra biết bao tệ nạn xã hội lan tràn, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách của nhiều lứa tuổi, đặc biệt là lứa tuổi đang sống, học tập trong sự bảo trợ của gia đình.
Khi con ở cùng cha mẹ thì cha mẹ chính là người định hướng cho con, giúp con nhận thức đúng đắn về những sự vật, hiện tượng trong cuộc sống. Nếu không được đáp ứng thời gian dành cho trẻ, ít nhiều sẽ tác động đến sự hình thành và phát triển nhân cách của con em chúng ta.
Thạc sĩ tâm lý học Đặng Hoàng An