Không có nỗ lực nào là cuối cùng

12/12/2015 - 08:08

PNO - Tôi sa chân vào game online vào cuối năm lớp 7, khi vẫn được giáo dục chu đáo, bài bản trong một gia đình gia giáo.

Ban đầu, thấy người ta chơi game giỏi, tôi ngưỡng mộ rồi ước ao mình cũng giỏi như thế. Rồi tôi bắt đầu... cày, cày ngày cày đêm. Lúc đó, mẹ phát hiện và khuyên răn đủ điều, tôi hiểu và thương mẹ, nhưng vẫn không ngăn được mình. Sa sút lên đỉnh điểm vào năm lớp 8. Lúc bạn bè chuẩn bị thi cuối kỳ, tôi vẫn ngồi ở quán net, và quyết định bỏ thi.

Nhà trường báo về, mẹ chạy tìm tôi khắp chốn. Mẹ bắt gặp tôi đúng lúc tôi thấy mình tội lỗi và yếu đuối nhất. Tôi quay sang mẹ: “Bà về đi, lát tôi về”. Đó là lần đầu tiên tôi xưng hô với mẹ theo kiểu ấy. Nhưng, sự thật cay đắng, là kiểu xưng hô ấy mới phù hợp với nơi chốn tôi đang ngồi - một nơi hoàn toàn xa lạ với mẹ. Đến lúc bước ra khỏi quán net, thấy mẹ vẫn đứng đó, chờ mình, tôi chợt giật mình, xót xa. Nhưng, tôi vẫn chưa từ bỏ.

Khong co no luc nao la cuoi cung
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Thời điểm ấy, mẹ hay nói về chuyện học hành, tương lai. Tôi lại vừa bỏ thi học kỳ, học lực tồi tệ chưa từng thấy. Tôi quyết định đến gặp hiệu trưởng, xin rút học bạ, thôi học, để kết thúc những ràng buộc với tôi lúc ấy là vô nghĩa, và chấm dứt những kỳ vọng của mẹ. Thầy chỉ khuyên tôi về nhà suy nghĩ thêm.

Tôi trở về, trò chuyện với mẹ, rồi quyết định quay lại trường. Học kỳ II, tôi rớt. Mẹ hỏi: “Học lại lớp 8, con có thấy xấu hổ, bất tiện không?”. Trả lời mẹ bằng cái lắc đầu, tôi tự buộc mình phải vượt qua, phải cố gắng. Dù vậy, tôi vẫn ham game.

Mẹ bắt đầu nối mạng, mang máy tính xuống phòng khách, lên một thời khó a biểu chơi game đường đường chính chính, có giới hạn, có giờ giấc. Mỗi cuối tuần, mẹ lại đưa tôi từ Suối Tiên lên đến Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam để tham gia lớp cai nghiện game.

Ngoài những buổi học, những chuyên đề, buổi sinh hoạt tập thể, hình ảnh người mẹ vất vả theo con đến trường, vào quán net suốt hai năm, mỗi cuối tuần rong ruổi đến trung tâm cai nghiện khiến tôi quyết tâm làm lại. Những giờ game dãn dần, cho đến khi tôi thấy mình hoàn toàn tự chủ được trong việc giải trí với nó”. Đó là tâm sự của H.Đ. - sinh viên trường đại học Hutech TP.HCM về những ngày đắm chìm game đã qua.

Những lần sấp ngửa tìm con, lẳng lặng hay ầm ĩ mang con về, những buổi khuyên răn, roi đòn ngày một “nặng đô”, rồi cả những tái diễn mỏi mòn của cuộc trốn tìm, đuổi bắt và sự hiện hữu oan nghiệt, dai dẳng của cơn nghiện - là tất cả những điều uy hiếp niềm tin và lòng kiên nhẫn của phụ huynh trước những núm ruột sa vào cơn nghiện game online.

Đánh đập, giam giữ, làm nhục, hay thách thức tự trọng của con giữa chốn đông người là cách không ít phụ huynh lựa chọn, như biện pháp mạnh cuối cùng, bởi “hết cách rồi!”.

Thế nhưng, con nghiện cũng rơi vào cuộc giằng xé giữa những thăng hoa ảo và cô đơn thực, giữa nhận thức và sự yếu đuối. Tại sao nhận thức được tác hại của việc nghiện game và muốn dứt khỏi mà việc cai nghiện vẫn trầy trật và khó khăn đến thế?

Đ. thành thật: “Lúc ấy, tôi chỉ là một thằng lưu ban, học hành tệ hại, không có bạn bè, lại bất hiếu, làm khổ ba mẹ. Tôi không có gì cả, ngoài việc… giỏi chơi game. Bắt tay làm lại cuộc đời, tôi thấy mình chỉ là kẻ yếu thế, trong khi ở thế giới kia, tôi là một game thủ siêu hạng”.

Bà L.T.H. (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức), mẹ Đ., người đồng hành suốt hai năm cai nghiện cùng con, cho rằng, mọi quát mắng, lên án, chê bai chỉ khiến phụ huynh trở thành người đối đầu, đẩy con vào sâu hơn trong thế giới biệt lập, cô đơn.

Năm lần bảy lượt con trai tung hê, xấc xược với mình, bà chỉ tạm lùi ra, rồi lựa lúc thích hợp, lại đến gần. “Trong rất nhiều lần lấy, tôi cũng có cơ may được đôi lần đón nhận, mở lòng. Càng dành nhiều thời gian để đến gần con, xác suất được mở lòng sẽ càng cao”, bà chia sẻ.

Bây giờ, đang là sinh viên, đã qua những năm làm lại từ đầu đầy hoang mang, dè dặt, Đ. tìm được đam mê khác: nhảy hip hop. “Thấy con mê nhảy hip hop, lập nhóm, giao tiếp thường xuyên với bạnngoài-đời-thực, tôi mừng vui tin là mình đã thắng. Dù thế nào thì việc dạy dỗ một đứa trẻ vẫn luôn có hy vọng, và không có nỗ lực nào là cuối cùng” - bà H. chia sẻ.

Và khi vượt qua rồi, Đ. còn bàng hoàng ngẫm lại: “Nếu mẹ bỏ cuộc, tôi không tưởng tượng được mình sẽ ra sao...”.

Thiên Di

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI