Không có môi trường giáo dục thấp kém, chỉ có động cơ học tập sai lệch

07/07/2023 - 13:29

PNO - Không có môi trường giáo dục nào thấp kém, chỉ có hiểu biết không đầy đủ hoặc động cơ học tập sai lệch mới đưa đến những kết quả không mong muốn.

Nhìn hình ảnh nhiều phụ huynh vật vạ trước cổng trường tìm cơ hội con mình có chân vào trường THPT thuộc “top” ở thủ đô, tôi lại thấy chạnh lòng. Tôi thương nỗi vất vả lo âu của họ nhưng lại ái ngại: họ chọn trường vì con hay vì bản thân?

Nhiều phụ huynh thức qua đêm để mong có được hồ sơ cho con vào trường THPT công lập trên địa bàn Hà Nội (ảnh internet)
Nhiều phụ huynh thức trắng đêm để mong có được hồ sơ cho con vào trường THPT trên địa bàn Hà Nội 

Cứ vào tháng Sáu, tháng Bảy hàng năm, câu chuyện chọn trường, chạy trường cho con lại "nóng" lên. Cái nóng của mùa hè cũng khó địch được sức "nóng" bên lề của nhiều hội nhóm phụ huynh. Chọn trường nào cho con: trường gần nhà, trường có người nổi tiếng đang cho con theo học, trường được đầu tư xịn xò hay thuộc hạng "có tên tuổi"?

Tôi tự hỏi: Vì đâu họ phải khổ sở thế? Vào đó con mình có "đu" nổi với các bạn không? Điều kiện gia đình có đáp ứng nổi không? Quan trọng hơn, cha mẹ có sát sao việc học tập của con suốt chặng đường dài?

Mong con mình lọt vào trường có đội ngũ thầy cô giỏi dạy tận tâm, cơ sở vật chất trang bị hiện đại... là ước nguyện chính đáng của các gia đình. Nhưng giữa sức học của con và mong ước của gia đình đôi khi lại xa nhau.

Nếu thật sự giỏi, con chúng ta đã đậu vào những trường mong muốn. Dẫu thi cử có chút học tài thi phận, nhưng chưa thi đã biết rớt, hoặc khả năng 50/50, thậm chí xác suất đậu không đến 80%, phụ huynh nên có phương án dự phòng. Thế nhưng, không nhiều cha mẹ làm được điều đó.

Em Hòa cùng bạn học và cô giáo  ở Trung tâm GDNN - GDTX Thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế ) được thị xã  vinh danh
Em Đoàn Thị Hòa (bên phải - ở Huế) từng có tên trong 1 trường công lập nhưng áp lực học nặng nề, em quyết định chuyển sang trung tâm giáo dục thường xuyên học tiếp. Kết quả, không chỉ điểm học bạ cao em còn đoạt giải nhì môn địa lý và hiện em là sinh viên Trường đại học Sư phạm Huế.

Là hội trưởng hội phụ huynh, tôi có điều kiện nghe nhiều tâm tư của các cha mẹ. Dù con mới học lớp Tám, nhưng câu chuyện chọn trường vào cấp III đã râm ran. Người có con học giỏi, xuất sắc thì mạnh miệng hơn khi liệt kê điểm chuẩn của những trường thuộc “top”. Người có con học "đuối" thì nhắn riêng cho nhau “chắc cũng phải cho thằng Phú vào trường A thôi, nó thuộc “top”dưới nhưng đỡ hơn trường B, trường C đấy...”.

Không biết từ bao giờ, tên trường của con gắn liền với niềm tự hào hay ngậm ngùi của cha mẹ. Tôi gặp một người đàn ông đi mua đồ cũ háo hức khoe: “Con gái tôi mới đỗ chuyên văn, cả trường mình nó đậu”. Chắc hẳn trên chiếc xe cũ kỹ rong ruổi khắp phố phường có chở niềm kiêu hãnh của người cha ấy.

Trong khi đó anh bạn tôi mỗi khi có ai hỏi con học trường nào, anh ậm ừ trả lời kèm câu phân bua: “Đáng lẽ thằng Mạnh nhà tôi nó học trường “top 2" vì dư điểm đậu, nhưng cu cậu nhát gan nên đăng ký học trường "top 4". Câu nói như một cách tự an ủi bản thân của ông cha khiến tôi buồn cười.

Trong số những phụ huynh vật vạ như chờ trúng số trước mấy cổng trường kia, họ có thể về nhà ngủ một giấc thật ngon để chiều đưa con mình tới đăng ký học ở một trường nghề hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên gần nhà. Ở đó con cái họ được chào đón, được lựa chọn khối môn phù hợp với năng lực và sở trường. Đặc biệt, áp lực học tập được tiết giảm, môn học được gói gọn. Thời gian rảnh, các em có thêm thời gian học năng khiếu hay trau dồi ngoại ngữ, rèn luyện thể thao.

Không có môi trường giáo dục nào thấp kém, chỉ có hiểu biết chưa đầy đủ hoặc động cơ học tập sai lệch mới dẫn đến những kết quả không như kỳ vọng. Bám sát thực học của con, "cởi trói" trong suy nghĩ, cha mẹ sẽ tìm cho con và cho mình lối đi đúng đắn, nhẹ nhàng.

Lâm Hoàng

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm của người viết. Còn bạn nghĩ sao về vấn đề này?
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI