Không có liêm chính trong soạn thảo, thẩm tra tạo ra những văn bản rất nhiều "khuyết tật"

26/03/2021 - 11:13

PNO - Sáng nay (26/3), Quốc hội đã bắt đầu phiên họp để thảo luận về Dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; các Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Phát biểu đầu phiên họp, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (An Giang) bày tỏ trăn trở về liêm chính trong xây dựng pháp luật. Theo đại biểu, liêm chính trong ứng xử xã hội là tự tạo áp lực cho chính mình trong việc thực hiện các hành vi xã hội và là nguyên tắc cho mỗi người trở thành công dân tốt.

Liêm chính trong xây dựng, thi hành pháp luật, cao hơn và là một nguyên tắc tối cần thiết vì pháp luật điều chỉnh chung các quan hệ xã hội và thúc đẩy các quan hệ xã hội phát triển lành mạnh, chứ không phải là công cụ để thể hiện lợi ích của một bộ phận nhỏ xã hội, nhất là bộ phận được giao soạn thảo luật. 

ĐBQH Nguyễn Mai Bộ.
ĐBQH Nguyễn Mai Bộ

Liêm chính mới có thể xây dựng được những văn bản khách quan, toàn diện, có ý nghĩa; sẽ không, hoặc rất ít chồng chéo với các văn bản pháp luật đã được các khóa trước kỳ công ban hành, không quy định lợi ích thô thiển của bộ, ngành, đặc biệt bộ, ngành được giao soạn thảo dự án luật. Nếu thiếu và không có liêm chính trong soạn thảo, thẩm tra, sẽ tạo ra những văn bản rất nhiều "khuyết tật", đó là sự mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản cũ.

Đó là việc biến văn bản pháp luật thành công cụ để cơ quan soạn thảo, hoặc là hiện thực hóa lợi ích của bộ, ngành mình, trong đó có những lợi ích xung đột với lợi ích của nhân dân; hoặc là công cụ để tiếm quyền của bộ, ngành khác. Đó là việc vòng đời của các văn bản rất ngắn, kéo theo việc tốn kém thời gian, công sức, kinh phí để bàn cãi và ban hành văn bản thay thế.

"Đa số văn bản trong khóa này đã được ban hành là có liêm chính. Mặc dù rất ít thì vẫn còn sự thiếu liêm chính, đặc biệt là sự thiếu liêm chính có chủ ý", đại biểu Bộ nhấn mạnh.

Trước thực tế này, đại biểu đề nghị cần có giải pháp để khởi động lại sự liêm chính trong xây dựng luật; đề nghị đại biểu Quốc hội luôn nghĩ đến sự liêm chính khi cho ý kiến về các dự án luật.

Lấy phiếu tín nhiệm 2 lần

Cũng tại phiên họp, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cũng tán thành ý kiến của các đại biểu khác khi khẳng định vị trí, vai trò của Quốc hội khóa XIV. Tuy nhiên, ông Nhưỡng cho rằng, việc thẩm tra, thẩm định dự án luật còn nhiều sơ hở, lọt lưới nhiều chính sách không phù hợp, có dấu hiệu vận động hành lang, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật, còn tình trạng dễ dãi, dĩ hòa vi quý.

Trước phiên họp cuối cùng của nhiệm kỳ này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng kiến nghị, Quốc hội cần tham mưu cho Ban chấp hành Trung ương nâng cao hiệu quả giám sát, chú trọng giám sát việc sử dụng nguồn lực đất nước. Ông cũng cho rằng, Quốc hội không chỉ là một trung tâm quyền lực mà Quốc hội cần là một hình ảnh đẹp của nhân dân.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, trong nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã làm tròn trách nhiệm trước cử tri và nhân dân. Tuy nhiên, đại biểu vẫn còn nhiều trăn trở, trong đó có vấn đề về chất lượng đạo luật và nguy cơ tham nhũng chính sách.

Đại biểu Mai cho rằng, nhiệm kỳ qua không có biểu hiện tham nhũng chính sách, nhưng có những quy định nếu không giám sát chặt chẽ, rất có thể dẫn đến nguy cơ tham nhũng chính sách, khi thực hiện sẽ đem lại lợi ích cho một số tổ chức, cá nhân.

Điển hình được đại biểu Mai nhắc tới là tình trạng tồn tại nhiều loại quỹ với hơn 40 quỹ ngoài ngân sách, khi có tới 1/4 đạo luật còn quy định, đề xuất thành lập các loại quỹ ngoài ngân sách. Bên cạnh đó, việc quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, đấu giá, định giá đất, phân cấp dự án cũng là mảnh đất nguy cơ tham nhũng chính sách.

Liên quan đến vấn đề nâng cao chất lượng luật, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai cho rằng trước tiên cần nâng cao hoạt động thẩm tra, phát huy trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần dám đấu tranh, phản biện.

Về lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, vấn đề này được người dân kỳ vọng, trở thành thước đo trong đánh giá cán bộ nhưng theo đại biểu, hoạt động này chỉ thiết thực nếu không mang tính hình thức. Quy định ba loại tín nhiệm như hiện tại là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp có thực chất, đánh giá được đầy đủ từng đại biểu được lấy phiếu tín nhiệm hay không? Bà Mai cũng cho biết, đã có nhiều ý kiến của cử tri đề nghị nên lấy phiếu 2 lần trong một nhiệm kỳ, thay vì 1 lần như hiện nay.

Chi Mai

 

 
TIN MỚI