Không có họ là không được!

21/07/2013 - 07:30

PNO - PNCN - Những điều kiện làm việc tồi tệ ở các xưởng may Bangladesh đã trở thành đề tài nóng của báo chí thế giới sau vụ đổ sụp tòa nhà Rana Plaza ở Dhaka, khiến hơn 1.127 người chết và hơn 2.500 người bị thương, đại đa số là...

Khong co ho la khong duoc!

Nazma Akhter (ảnh: Der Spiepel)

Mới 11 tuổi, Nazma Akhter bắt đầu làm việc tại một xưởng may ở Dhaka. Đến tuổi 14, cô bé đã nếm mùi ma trắc và lưu đạn cay của cảnh sát khi theo chân những công nhân lớn tuổi hơn tổ chức biểu tình phản đối chế độ làm việc tồi tệ tại xưởng may của họ. Bây giờ, ở tuổi 39, Akhter là lãnh tụ được kính trọng nhất của công nhân ngành may ở Bangladesh.

Mới đây, Akhter được mời sang Đức để kể lại thảm họa ở Rana Plaza cũng như tình hình ở các xưởng may khác của Bangladesh. Đây là chương trình của một đài truyền hình Đức, nhằm tìm ra lời đáp cho câu hỏi: “Liệu người Đức có nên tẩy chay hàng may mặc “made in Bangladesh” nhằm ủng hộ công nhân ngành may và gây sức ép buộc giới chủ phải cải thiện điều kiên làm việc ở các xưởng may hay không?”.

Nhiều người Đức tham gia cuộc nói chuyện này đã đưa ra những ý kiến khác nhau, nhưng câu trả lời của Akhter khiến cho họ ngạc nhiên. Theo Akhter, công nghiệp may mặc ở Bangladesh cần được nhìn nhận là cơ hội duy nhất để nhiều phụ nữ nước này không bị gạt ra ngoài lề xã hội như nhiều năm trước. Nếu Đức và các nước châu Âu tẩy chay hàng may mặc Bangladesh thì điều đó càng khiến phụ nữ Bangladesh thêm khốn khổ mà thôi. Vấn đề là tìm cách nào để giới chủ chấp nhận việc cải thiện điều kiện làm việc của công nhân.

Khong co ho la khong duoc!

Một xưởng may ở Dhaka (ảnh: Der Spiegel)

Công nhân nữ trong ngành may mặc luôn chịu nhiều cảnh khổ hơn công nhân nam, đó là điều hiển nhiên ở mọi nơi trên thế giới. Không chỉ họ phải chi tiêu cho riêng mình mà còn phải tằn tiện để dành dụm chút tiền gửi về quê cho người thân. Họ luôn mệt mỏi, thiếu ăn đến đổ bệnh, khi đến tuổi 40, hầu như không còn ai trong số họ có đủ sức lực tiếp tục công việc với cường độ lao động “man rợ” như vậy.

Nguồn thu ngoại tệ lớn nhất ở Bangladesh đến từ xuất khẩu hàng may mặc, với 3,5 triệu công nhân may, trong đó 80% là phụ nữ. Như vậy, có thể thấy sự đóng góp của giới nữ vào nền kinh tế nước này quan trọng đến thế nào. “Bây giờ phụ nữ Bangladesh không còn quá lo lắng về việc không có của hồi môn, họ cũng không quá sợ hãi việc bị buộc kết hôn với người chồng mà gia đình đã định sẵn, nhất là khi tuổi của họ còn quá nhỏ. Phụ nữ trong ngành may mặc đã có tính độc lập hơn và đạt được phần nào quyền quyết định cuộc đời mình. Đó là tín hiệu tích cực về sự tiến bộ của phụ nữ Bangladesh”, Akhter nói.

Khong co ho la khong duoc!

Quang cảnh sau khi tòa nhà Rana Plaza đổ sụp (ảnh: AP)

Hồi năm 2003, Nazma Akhter thành lập Phong trào phụ nữ hành động vì sự công bằng (AWAJ) với mục đích làm cho nữ công nhân ngành may mặc nhận thức được quyền của mình. Không chỉ thế, AWAJ còn hợp tác với một số thương hiệu nổi tiếng có xưởng sản xuất ở Bangladesh để cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân. Một trong những điều tâm đắc nhất của Akhter là lập ra mô hình quán “cà phê phụ nữ” gần các xưởng may, nơi công nhân có thể ghé lại sau khi tan ca để uống một tách cà phê hay trà, nói chuyện với nhau hay chơi cờ. Họ sẽ được tư vấn về những khúc mắc trong công việc hay cuộc sống. Hiện AWAJ điều hành 18 quán “cà phê phụ nữ” với 37 tư vấn viên “cắm” những nơi đó.

Chính những việc làm nhỏ như thế của Nazma Akhter và AWAJ đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện ý thức của nữ công nhân ngành may, giúp Bangladesh tiếp tục là một trong những nước dẫn đầu thế giới về hàng may mặc xuất khẩu.

THIỆN NGA (Theo Der Spiegel)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI