Không có giáo viên chính thức, trường sắp xếp giáo viên dạy hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp

14/08/2022 - 07:07

PNO - Năm học 2022-2023, các trường THPT tại TPHCM đang linh động sắp xếp giáo viên hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp - môn học mới trong Chương trình GDPT 2018.

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là một trong 8 bộ môn bắt buộc ở bậc THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, với 105 tiết học/năm, tương đương 3 tiết/tuần. Tuy được "điểm mặt gọi tên", song bộ môn này hiện chưa có giáo viên chính thức phụ trách, do vậy các trường THPT phải tính toán, sắp xếp giáo viên phù hợp để đứng lớp. 

Năm học 2022-2023, Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12) bố trí giáo viên công nghệ giảng dạy môn học hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp cho học sinh khối 10.

Cô Đỗ Thị Việt Phương - Phó hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ, khi triển khai Chương trình GDPT 2018 năm đầu tiên, trường đặc biệt chú trọng đến bài toán cân đối giáo viên, để không xảy ra tình trạng "kẻ ăn không hết, người lần không ra".

Dù là môn học mới trong Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT song bộ môn hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp
Dù là môn học mới trong Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT, song bộ môn hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp chưa có giáo viên chính thức phụ trách

"Mục tiêu của chương trình mới là hướng đến việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Học sinh được lựa chọn nhóm 4 môn học lựa chọn gắn với mục tiêu đó. Điều này đặt ra thực tế là có một số bộ môn ít được học sinh lựa chọn thì số tiết dạy của giáo viên sẽ ít hơn. Để khắc phục thực tế này, các giáo viên ít tiết như công nghệ, giáo dục kinh tế và pháp luật hay địa lý, sẽ được bố trí giảng dạy thêm các môn mới là hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, nội dung giáo dục địa phương, vì những môn này hiện chưa có chức danh giáo viên chính thức. Giáo viên chủ nhiệm cũng sẽ hỗ trợ thêm...", cô Việt Phương thông tin. 

Dù vậy, theo cô Việt Phương, để giáo viên "chắc tay" hơn khi giảng dạy những bộ môn này, song song với việc cử đội ngũ đi bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chuyên môn, nhà trường tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho học sinh để hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh đạt hiệu quả. 

Năm học 2022-2023, tỷ lệ học sinh khối 10 Trường THPT Phước Long (TP.Thủ Đức) lựa chọn các nhóm môn thiên về khoa học tự nhiên cao gấp 3 lần so với tỷ lệ chọn nhóm môn khoa học xã hội. Cô Nguyễn Thị Hà - Phó hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ, thực tế triển khai trên đã đặt ra thực trạng rằng có giáo viên nhiều tiết như toán, lý, hóa, và sẽ có những giáo viên ít tiết như giáo viên công nghệ... Nhà trường đã dự đoán trước điều này và chủ động tính toán bài toán nhân sự để cân đối.

Cụ thể, để cân đối bài toán nhân sự, đảm bảo không xảy ra tình trạng số giờ lên lớp của giáo viên quá khập khiễng, trường lựa chọn giáo viên các môn như địa lý, giáo dục công dân hay giáo viên phù hợp để tham gia giảng dạy nội dung giáo dục địa phương. Đối với hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, trường lựa chọn giáo viên đã từng làm công tác chủ nhiệm khối 12 nhiều năm liền để tập huấn.

Các trường THPT linh hoạt sắp xếp giáo viên phù hợp để đứng lớp giảng dạy bộ môn hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp
Các trường THPT linh hoạt sắp xếp giáo viên phù hợp để đứng lớp giảng dạy bộ môn hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp

"Trong năm học 2022-2023, năm đầu tiên triển khai chương trình mới, nhà trường lựa chọn một giáo viên công nghệ nông nghiệp để đảm nhiệm vai trò giảng dạy hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp và giáo dục địa phương, do có sự phù hợp và đảm bảo số tiết cho giáo viên....", cô Hà nói thêm.

Hiệu trưởng một trường THPT tại huyện Bình Chánh chia sẻ, trong câu chuyện sắp xếp giáo viên phụ trách môn học hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở khối 10 năm học mới, ban đầu nhà trường tính toán đưa giáo viên chủ nhiệm phụ trách luôn, vì giáo viên này sẽ theo sát học sinh trong suốt năm học, sẽ dễ dàng hướng nghiệp. Tuy nhiên, khi tính toán số tiết nghĩa vụ thì thấy không phù hợp.

"Sau khi tham khảo cách thức từ các trường khác, trường đã lựa chọn phân công thêm những giáo viên ít tiết như công nghệ, giáo dục kinh tế và pháp luật để đứng lớp giảng dạy hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp. Những giáo viên này sẽ được trường cử đi tập huấn, bồi dưỡng, đảm bảo giảng dạy tốt nhất", hiệu trưởng này cho hay. 

TS. Lê Thị Thanh Mai - Trưởng Ban công tác sinh viên, ĐHQG TPHCM - nhìn nhận, Chương trình GDPT 2018 bậc THPT với mục tiêu định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ năm lớp 10 thông qua các nhóm môn học lựa chọn. Vì vậy, ngoài các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh, phải luôn bám sát chương trình mới, chính đội ngũ giáo viên tham gia đảm nhiệm hoạt động hướng nghiệp như giáo viên chủ nhiệm, giáo viên giảng dạy hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp phải được tập huấn bài bản, làm sao đảm bảo thực hiện xuyên suốt và tốt nhất mục tiêu định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Quốc Trung 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI