Không chồng không con thì nhờ cháu, có sao đâu!

11/03/2022 - 05:45

PNO - Khi mẹ tôi còn sống, lúc tôi còn trẻ, bà nhắc tôi lấy chồng. Khi tôi khá lớn tuổi, bà khuyên: “Thôi, kiếm đứa con cũng được”. Tôi lần lữa chuyện chồng con, vin vào một lý do: Con thích sống với mẹ.

Tôi đọc báo, thấy không ít cảnh mẹ hoặc cha già đã từng có con cái, vẫn còng lưng đi kiếm tiền, vì con nghèo quá. Cũng có cha mẹ già bị con cái ruồng bỏ sau khi họ “nắm” được quyền thừa kế nhà cửa, đất đai của cha mẹ. Không ít trường hợp cha mẹ bị ngược đãi, bạo hành… khi sống cùng con cái. Tôi chọn cuộc sống “mình sống với mình”.

Mẹ tôi qua đời, dù “độc thân vui tính” tôi vẫn sợ cảnh cô đơn khi mình quá già nên tìm kiếm một mái ấm “tình thương” cho mình. Tôi tìm đến những nhà mở dành cho người già của Công giáo, Phật giáo, cả của những mạnh thường quân có trái tim nhân hậu. Bạn bè biết chuyện, ai cũng nói tôi rảnh quá nên nghĩ ra điều vô lý và lo xa vô cớ vì tôi được các cháu, con chị Hai, chị Tư và anh Năm tôi chăm sóc, quan tâm rất chu đáo.

Bạn bè đều quen nghe tôi khoe chiếc áo này, chiếc đầm kia, cây son nọ là của nhỏ cháu gọi bằng dì, cô cháu gọi bằng cô, thằng cháu gọi bằng bà… tặng.

Du lịch trong nước các cháu “mời” đi, tức đi miễn phí. Đi nước ngoài chi phí dưới 20 triệu đồng là các cháu tặng luôn, không lấy tiền dì Út nếu đi chung gia đình. Nếu du lịch sang tận châu Âu, có cháu tặng 20 triệu đồng, có cháu “hỗ trợ” 10 triệu đồng… Cuối cùng tôi chỉ đóng phân nửa tiền cho các chuyến đi châu Âu.

Tác giả (bìa trái) đi du lịch châu Âu cùng gia đình
Tác giả (bìa trái) đi du lịch châu Âu cùng gia đình

Thi thoảng, có cô cháu thứ ba mua cho dì Út một tô hủ tíu ăn sáng, nhỏ cháu thứ năm mua cho dì Út hộp cơm ăn trưa, hoặc nhỏ cháu gọi bằng cô mua cho bịch sủi cảo ăn đêm, thằng cháu gọi bằng bà Út chở tôi đi ăn đồ chay gần chùa Ngọc Hoàng (Q.1, TPHCM)… Nói chung, mỗi đứa một cách riêng biểu lộ tình thương yêu với người cô, người dì, người bà lỡ sống độc thân.

Tháng 5/2021, dịch COVID-19 bùng phát tại TPHCM, ai ở đâu ở đó. Tôi ngỡ ngàng khi đứa cháu lớn nhất gửi cho bịch 5kg gạo thơm, lạp xưởng… cháu thứ năm mang mì gói Hàn Quốc và mấy chục hộp cá mòi, thịt gà với lời dặn: “Dì Út để dành ăn… Giãn cách khó tìm thức ăn lắm. Dì không cần đi chợ”.

Cháu gọi tôi bằng cô mang qua hai bịch cà phê xịn loại nửa ký, hai bịch trà to. Cháu kho sẵn mấy ký thịt heo hột vịt mang qua, chia ra từng hộp nhỏ để trong tủ đông cho tôi ăn dần. Có cô cháu con chị Tư ở tận Q.8 “tiếp tế” mấy thùng miến gói, mì trộn Hàn Quốc…

Sau bốn tháng giãn cách, tôi vẫn còn hai thùng gạo to: vừa là Nhà nước cứu trợ, vừa do các cháu thay nhau gửi sang. Trong bếp vẫn còn hai thùng dầu ăn loại 5 lít, 5 thùng mì tôm và thịt trữ trong ngăn đá tủ lạnh… Tôi phải mang chia sẻ cho những người khó khăn chứ một mình không thể ăn hết.

Biết tôi có trong danh sách chích ngừa, cháu gọi bằng cô gửi cho tôi hai nải chuối sứ với lý do: tăng sức khỏe bằng vitamin C, cháu gọi bằng dì ở Q.8 đặt Grab gửi bánh mì hoa cúc (của Pháp) sang… Hên làm sao, ai chích ngừa bị hành, chứ tôi chỉ buồn ngủ. Sau giấc ngủ ngắn tôi dậy tỉnh táo và khỏe hẳn, cả trong ba lần chích ngừa…

Cô bạn thân mỗi lần đến nhà, thấy tôi được các cháu quan tâm liền kể những trường hợp dì, cô… cho cháu ở nhờ nhà để bớt cô đơn còn bị các cháu chửi mắng. Còn cha mẹ bị con cháu ngược đãi là chuyện thường ngày rồi, báo đăng hà rầm… Sao tôi lại may mắn vậy? Có lẽ từ nhỏ các cháu sống cùng nhà với tôi. Cha mẹ tôi có căn nhà rộng. Gia đình chị Hai, chị Tư, anh Năm đều sống chung. Có món ngon cùng chia sẻ nhau. Lúc thiếu thốn cùng nhường nhau ly chè, miếng bánh… Đôi lúc có bất hòa, gây gổ, các anh chị đều dạy con, dù con có đúng cũng im lặng, chờ bà, dì, cô, cậu hết nóng rồi nhỏ nhẹ trình bày. Do đó chúng tôi luôn giữ được hòa khí trong căn nhà to với bốn gia đình chung sống. 

Thời bao cấp mua gạo, thực phẩm chung. Chị Hai chia gạo ra bốn phần bằng lon sữa bò. Phần dư chị luôn đổ vào bao gạo của chị Tư, anh Năm hoặc tôi. Các cháu la lên, chị nghiêm mặt: “Cũng dì cậu tụi con ăn chứ ai”.

Với các loại hàng hóa phân phối khác như dầu hôi, thịt, cá, đường… cũng vậy. Chị Hai luôn chia đều và phần dư là của các em.

Một trong các dì, cô, cậu hoặc bà bệnh, các cháu được dạy phải dành chút thời gian hỏi thăm. Mua ít quà dù một hộp sữa đặc cũng là cách khiến cô, dì, cậu hoặc bà cảm thấy an ủi và hạnh phúc. Nhờ vậy mà thói quen quan tâm, thương yêu người thân đã hình thành từ lúc các cháu còn bé.

Sau này các cháu làm ăn có tiền, mua nhà cho ba mẹ, vẫn không quên nhà bà ngoại, để cứ thi thoảng ghé gửi cho ngoại ký nho Mỹ, hộp bánh ngoại nhập, hộp sô-cô-la cho dì Út… Và sau khi ngoại mất rồi, dì Út là tôi vẫn không thiếu thốn, cô đơn.

Vì vậy, chuyện tôi tìm một mái ấm cho người già hẳn phải suy nghĩ lại thôi. Bởi giờ đây, tôi vẫn ổn… 

Nguyễn Ngọc Hà

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI