Không có cơ sở để bắt buộc học trực tuyến

25/03/2020 - 07:14

PNO - Khi học sinh đi học lại, trường phải rà soát các em nắm được bao nhiêu kiến thức qua học trực tuyến, nếu không hiệu quả bắt buộc phải dạy lại.

Ngay khi Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các trường tiểu học xây dựng kế hoạch dạy trực tuyến đối với những môn toán, tiếng Việt, ngoại ngữ (khối lớp Một, Hai, Ba); và khối lớp Bốn, Năm thêm môn khoa học, lịch sử và địa lý, nhiều ý kiến đã bày tỏ quan ngại. 

Dạy học sinh lớp Một, Hai không khác nào phải “cầm tay chỉ việc”, tỉ mỉ từng chút một. Nhưng với cách dạy trực tuyến, giáo viên chỉ truyền đạt một chiều; tiếp nhận của học trò có hiệu quả hay không là “hên xui”, phụ thuộc rất lớn vào sự hỗ trợ của phụ huynh. Đó là chưa kể, sự không đồng bộ về mặt bằng công nghệ cũng khiến việc học trực tuyến trở nên bất cập. 

Học sinh tiểu học khó tập trung nếu học từ xa
Học sinh tiểu học khó tập trung nếu học từ xa. Ảnh minh họa

Mới đầu tuần này, anh Lê Minh Hải băn khoăn về hai chữ “bắt buộc” khi nhận được tin nhắn từ giáo viên chủ nhiệm của con: “Ba mẹ ơi, do tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, không biết đến khi nào mới đi học lại được nên Bộ GD-ĐT đã quyết định cho các con học online - nghĩa là bắt buộc tham gia các lớp học online và làm bài đầy đủ như khi các con đến trường học… Trước hết, ngoài tiếp tục làm bài trên Classroom, cô sẽ giảng bài trên ứng dụng Zoom Meetings. Ba mẹ cùng con cài sẵn Zoom Meetings về máy để mình học nhé!”.

Còn chị Hồng, phụ huynh Trường THCS Phan Tây Hồ (Q.Gò Vấp), bàng hoàng khi nhận thông báo của giáo viên chủ nhiệm: Phụ huynh nhắc các em học toán trực tuyến trên truyền hình Hà Nội vào 8g30 sáng thứ Ba và thứ Sáu. “Khổ nỗi hệ thống cáp truyền hình nhà tôi không có đài Hà Nội. Nhiều phụ huynh cũng nháo nhào với thông tin này. Đài truyền hình TP.HCM thì chỉ mới có chương trình dạy cho học sinh cuối cấp lớp Chín và Mười Hai thôi”, chị Hồng than. 

Trong khi đó, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), nhận định: “Học qua truyền hình hay kể cả học trên phần mềm Zoom Cloud Meetings thì vẫn là giải pháp tạm thời, không thể hiệu quả về mặt cảm xúc, hiệu quả giảng dạy là từ trái tim người thầy đến trái tim học trò, giảng dạy trực tiếp ngoài giá trị thị giác còn có yếu tố tâm lý.

Học qua truyền hình chỉ là truyền thụ một chiều. Học trên phần mềm rất khó ở chỗ nếu không có phụ huynh hỗ trợ cũng không xong, giờ mà thầy cô phát bài giảng cũng chưa phù hợp cho tất cả vì có lúc học sinh vào rất đông nhưng có lúc chỉ lác đác vài học sinh. Mạng bị lag, không đủ thời gian để tương tác… là điểm yếu của những cách học trực tuyến hiện nay. 

Cùng con học online nhiều buổi và kiểm tra hiệu quả, chị Thùy Linh, có con học bậc tiểu học ở Q.10, cho biết: “Bắt học sinh tiểu học ôm máy học qua Zalo, qua app mấy tiếng đồng hồ rất khó. Tụi nhỏ không thể tập trung được, ngồi chừng 15 phút là lo ra rồi. Học trên máy không giống như chơi trò chơi, xem phim hoạt hình, nó đòi hỏi phải tập trung mới hiểu được. Tôi theo con ba buổi học và kiểm tra lại thì tiếp thu tối đa 50% là mừng rồi”. 

Theo ông Huỳnh Thanh Phú, hiện nay không có cơ sở nào để bắt buộc học sinh học trực tuyến. Vì vậy, khi vào học chính thức, trường vẫn phải rà soát học sinh nắm được bao nhiêu những bài học đã dạy, nếu không hiệu quả phải dạy lại. Kể cả đầu tháng Tư đi học lại, theo phân bổ chương trình hiện hành, sẽ không thể dạy hết nội dung nên vấn đề cần thiết là Bộ GD-ĐT phải ra phương án giảm tải chương trình. Đó là vấn đề pháp lý, cơ quan có thẩm quyền không cho phép thì cơ sở không dám tự ý cắt giảm.

“Chúng tôi chỉ mong bộ sẽ ban hành sớm để các trường không phải tốn thời gian quý giá lúc này để dạy những bài sẽ bị cắt giảm”, ông Phú nhấn mạnh. 

Thanh Thanh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Duong Nguyen thuy 13-04-2020 11:25:56

    Vấn đề học online đúng là thưc sự khó khăn.với những gd ko có điều kiện học online,thì Bộ giải quyết thế nào đây.quá là gây áp lực cho gia đình.Tôi nghĩ bộ nên giảm tải hoặc cho các em cấp 1 tự lên lớp như một số nước.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI