Không tác động đến việc định giá đất dự án bất động sản
Theo dự thảo bảng giá đất được Sở Tài nguyên Môi trường công bố, giá đất tăng phổ biến từ 10 - 20 lần, có khu vực tăng 50 lần.
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM - khẳng định, dự thảo bảng giá đất không làm tăng giá trị bất động sản vì bảng giá đất này được xây dựng trên cơ sở đầu vào là dữ liệu thị trường về giao dịch đất đai trên địa bàn qua các năm, từ nguồn Cục Thuế TP, Văn phòng Đăng ký đất đai, cập nhật đúng, đủ những trường hợp giao dịch đất đai.
Thực tế bảng giá đất điều chỉnh lần này chỉ tăng khoảng 2,5 lần, tương ứng bằng 70% mặt bằng giá thị trường.
|
Theo dự thảo bảng giá đất điều chỉnh, giá đất đường Lê Lợi, quận 1 lên 810 triệu đồng/m2. |
Còn với doanh nghiệp, trước đây thuê đất hằng năm phải tìm đơn vị tư vấn thẩm định giá đất để nộp thuế thì đơn vị đó cũng thẩm định theo giá thị trường, nay có bảng giá đất mới thì căn cứ vào đó để nộp tiền. Điều này mang lại thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thuê đất, trả tiền nhanh hơn.
Bảng giá đất dự kiến điều chỉnh thực chất đang đưa giá đất từng bước tiệm cận với mặt bằng chung của thị trường, góp phần tạo công bằng, minh bạch và tránh thất thu cho ngân sách Nhà nước. Sắp tới, Chính phủ sẽ có những điều chỉnh các mức thu (tỷ lệ %) cho phù hợp với thực tiễn, hạn chế việc tăng đột biến các khoản thu.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng, bảng giá đất không tác động đến việc định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, vì các dự án này không áp dụng bảng giá đất, mà áp dụng “phương pháp thặng dư” để định giá đất theo quy định của Luật Đất đai, nên không làm tăng chi phí nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án.
“Tuy nhiên, bảng giá đất sẽ có tác động đến chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng do người sử dụng đất sẽ có xu hướng đòi bồi thường cao hơn trước đây. Từ đó tác động đến chi phí đầu vào của dự án, như chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ bị đẩy lên cao hơn, tác động dây chuyền làm tăng giá nhà, giá thuê nhà, tăng chi phí tiền thuê đất, thuê nhà xưởng trong các khu công nghiệp…” – ông Châu đánh giá.
Đừng lợi dụng thổi phồng giá nhà đất
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Thắng – Giám đốc đầu tư DKRA Group - cho rằng, bảng giá đất mới sẽ giúp doanh nghiệp bất động sản đền bù giải phóng mặt bằng nhanh hơn, giúp đẩy nhanh tiến độ pháp lý, tháo gỡ các vướng mắc của các dự án bất động sản, góp phần giảm các chi phí cho dự án.
|
Theo các chuyên gia, giá bán bất động sản, giá nhà đất tăng hay giảm là do cung cầu quyết định. |
“Trước đây, nhiều dự án bất động sản có khi thực hiện kéo dài 5 – 7 năm, thậm chí 10 năm. Nếu áp dụng bảng giá đất mới thì giải tỏa đền bù nhanh, tính tiền sử dụng đất nhanh, thời gian thực hiện dự án được rút ngắn thì doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí ngầm, chi phí lãi vay, chi phí này sẽ bù lại phần nào khoảng chi phí chênh lệch của các thuế phí tăng. “Bù qua sớt lại", doanh nghiệp vẫn cân đối được câu chuyện tài chính, từ đó giá bất động sản sẽ bình ổn hơn” – ông Thắng phân tích.
Thạc sĩ Lê Thị Phương Loan – Trưởng ngành Bất động sản, Trường Đại học Văn Lang cũng cho rằng, vấn đề của thị trường là tâm lý người dân. Nhiều người đang có dấu hiệu lợi dụng việc hiểu chưa đúng, chưa đủ về các vấn đề định giá tài sản, giá trị đất đai để thổi phồng sự việc. Tranh thủ khi chính sách chưa có hiệu lực lôi kéo mọi người tham gia vào thị trường. Người dân cần hết sức bình tỉnh khi có nhu cầu mua đất trong giai đoạn này.
Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán chia sẻ, giá bán nhà đất phụ thuộc vào cung cầu chủ yếu, các chi phí khác chỉ là yếu tố cấu thành nên giá bán chứ không phải yếu tố quyết định giá bán bất động sản và không ngăn cản các giao dịch bất động sản. Đối với bất động sản dòng tiền vào mới là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giá, nếu doanh nghiệp tăng giá nhà đất, nhu cầu thị trường không theo kịp, thì dự án sẽ không bán được.
Cần nhìn nhận đúng việc điều chỉnh bảng giá đất Trong nhiều năm qua, đối tượng bị thiệt thòi nhất là những người bị giải tỏa, đền bù các công trình công cộng không sát với giá thị trường. Trong khi những căn nhà ở phía sau không bị giải tỏa sẽ trở thành nhà mặt tiền đường có giá trị rất cao. Bên cạnh đó, những người được gia tăng giá bất động sản nhờ hưởng lợi từ việc làm đường khi chuyển nhượng vẫn giữ giá cũ, dẫn đến đóng thuế ít hơn. Đối với các doanh nghiệp, khi chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở đô thị lại đóng tiền sử dụng đất khá thấp, gây thất thoát ngân sách Nhà nước. Nguyên nhân, do giá đất Nhà nước chênh lệch với giá thị trường nên được định giá thấp khi tính tiền sử dụng đất. Thậm chí, có thể làm phát sinh cơ chế xin - cho. Vì vậy, người dân cần nhìn nhận dưới góc độ thực tế từ lâu, giá đất rất lạc hậu, cần phải điều chỉnh như dự thảo đề xuất để thu hẹp khoảng cách giữa giá đất Nhà nước và giá thị trường, để giải quyết các vấn đề tồn đọng nêu trên. Còn việc nhà đất có tăng giá hay không trong thời gian tới là do cung – cầu quyết định, không phải vì giá Nhà nước điều chỉnh giá đất làm giá nhà đất tăng theo. Việc đặt vấn đề giá đất Nhà nước tăng gây thiệt hại cho ai đó hay giá đất Nhà nước tăng khiến giá thị trường tăng, gây khó khăn cho người dân là không hợp lý, gây hoang mang cho người dân. Cách tiếp cận đúng cho vấn đề điều chỉnh giá đất là cần tìm hiểu giá đất tại những con đường đó có đúng như vậy không, giá đất điều chỉnh có cao hơn giá thị trường hiện nay hay không để bảo đảm quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học & Kinh tế ứng dụng |
Bích Trần