Không có chuyện chất lượng nhà ở thương mại tốt hơn nhà ở xã hội

15/07/2024 - 21:45

PNO - Trao đổi tại kỳ họp 17, HĐND TPHCM khoá X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào chiều 15/7, đại diện Sở Xây dựng TPHCM cho rằng không có chuyện chất lượng nhà ở thương mại tốt hơn nhà ở xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú nhắc lại chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TPHCM là phải tập trung chăm lo nhà ở cho người có thu nhập thấp, tuy nhiên để làm được như vậy TPHCM cần phải quản lý chất lượng công trình các chung cư. Từ đó, tạo được sự yên tâm về pháp lý cho người dân khi quyết định mua nhà. Vì hiện vẫn có rất nhiều vụ việc liên quan đến chung cư làm người dân bất an.

Bà Việt Tú nêu ví dụ: “Tại quận Bình Tân, 177 hộ tại chung cư Ehome 3 đã mua nhà gần 10 năm nhưng đến nay không được cấp sổ hồng dù đã hoàn thành các nghĩa vụ liên quan. Hay tại chung cư Phú Thạnh trên địa bàn quận Tân Phú có nguy cơ mất trắng nhà khi chủ đầu tư đã bán nhà nhưng lại tiếp tục cầm cố ngân hàng”.

Do đó, đại biểu Việt Tú mong các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường các biện pháp để người dân an tâm hơn khi quyết định dành tài sản của mình mua chung cư làm nơi ổn định cuộc sống.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú đặt vấn đề tai phiên thảo luận
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú đặt vấn đề tại phiên thảo luận

Bên cạnh đó, bà Việt Tú nói thêm, trong khoản 6 điều 5 NQ02/2024 có ghi trích 3% phụ cấp chi bảo hiểm y tế (BHYT) cho các chức danh trưởng khu phố với điều kiện tự mua. Tuy nhiên, đa phần các trưởng khu phố đều là cán bộ công chức về hưu nên đã có BHYT. Một số còn lại là các trưởng khu phố không phải là cán bộ công chức nhưng vẫn tham gia hỗ trợ địa phương (số lượng này không nhiều).

"TPHCM cần có chính sách cấp trọn BHYT cho các trưởng khu phố trong quá trình tham gia công tác để họ yên tâm. Vì họ đã đóng góp rất nhiều cho việc quản lý địa phương, đặc biệt trong các giai đoạn khó khăn" - Bà Việt Tú bày tỏ mong muốn.

Cũng trong phiên thảo luận tổ, đại biểu Huỳnh Thanh Hùng nêu vấn đề việc UBND TPHCM trình HĐND TPHCM tăng vốn cho 4 dự án kéo dài do vướng mắc bồi thường giải phóng mặt bằng.

"Tuy nhiên, trong đó có đến 3 dự án tổng vốn hàng trăm tỉ đồng, bao gồm dự án nâng cấp tỉnh lộ 8 từ kênh N31A đến ngã tư Tân Quy tăng từ 368 tỉ đồng lên 566 tỉ đồng; dự án mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp (TP Thủ Đức) tăng từ 528 tỉ đồng lên 868 tỉ đồng; dự án mở rộng đường D3 quận Gò Vấp tăng từ 111 tỉ đồng lên 657 tỉ đồng" - ông Thanh Hùng nói.

Do đó, đại biểu Huỳnh Thanh Hùng đề nghị chính quyền các địa phương tích cực quan tâm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, góp phần đẩy nhanh tiến độ cho các dự án, không để tình trạng kéo dài làm tăng vốn.

Một dự án nhà ở xã hội cho công nhân tại TP Thủ Đức - Ảnh: Bích Trần
Một dự án nhà ở xã hội cho công nhân tại TP Thủ Đức - Ảnh: Bích Trần

Trao đổi lại, ông Lê Trần Kiên - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, đối với tất cả các công trình nhà ở được xây dựng cho dù nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư hay nhà ở xã hội, thì các vấn đề về quản lý chất lượng công trình đều được tuân thủ theo quy định rất rõ, cụ thể tại Luật xây dựng.

“Ở đây, không có chuyện phân biệt nhà ở thương mại thì chất lượng sẽ tốt hơn nhà ở xã hội hoặc nhà tái định cư. Tuy nhiên, giá thành của các loại nhà ở có khác nhau, vì lý do nhà ở xã hội là nhà dành cho đối tượng ưu tiên, đối tượng được bố trí mua nhà ở xã hội thì giá thành rẻ hơn so với nhà ở thương mại. Đồng thời, nhà ở xã hội cũng được miễn tiền sử dụng đất, các chủ đầu tư nhà ở xã hội có được cái ưu đãi về thuế, cơ chế chính sách. Dù giá thành có khác biệt, nhưng chất lượng công trình về mặt nguyên tắc đều được quản lý chất lượng theo quy định” - đại diện Sở xây dựng TPHCM lý giải.

Liên quan đến vấn đề chế độ bảo hiểm y tế cho người hoạt động không chuyên trách tại khu phố, đại diện Sở Nội vụ TPHCM cho biết sẽ tiếp thu, khảo sát lại để có cơ sở nghiên cứu, đề xuất chế độ bào hiểm y tế cho đối tượng này.

Khuê Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI