“Không có chuyện biến chung cư thành dự án kinh doanh”

10/10/2013 - 19:08

PNO - PNO - Ngày 11/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

edf40wrjww2tblPage:Content

“Khong co chuyen bien chung cu thanh du an kinh doanh”

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc với UBND TP.HCM.

 Theo báo cáo của UBND TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm 2013, UBND TP.HCM đã bám sát sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về công tác thi hành luật Khiếu nại, luật Tố cáo, ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo nhằm tiếp tục tăng cường công tác tiếp dân, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP.

Nhìn chung tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP.HCM diễn ra ở mức độ bình thường, đặc biệt là số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2012 (giảm 49% đơn tiếp nhận mới). Nội dung khiếu nại chủ yếu vẫn tập trung vào lĩnh vực bồi thường, giải tỏa, tái định cư tại các dự án. Nội dung tố cáo chủ yếu phản ánh về hành vi của cán bộ, công chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ. Tuy nhiên, tình hình khiếu nại vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là các khiếu nại bồi thường tại các dự án.

Tại buổi làm việc, đại diện UBND TP.HCM cũng đã báo cáo với Đoàn ĐBQH về kết quả giải quyết 15 vụ khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn TP.HCM (các vụ việc này đã được phản ánh nhiều tại các cuộc tiếp xúc cử tri, tiếp xúc công dân của Đoàn ĐBQH). Trong đó, nổi lên là vụ khiếu nại của các hộ dân thuộc dự án chung cư Cô Giang (quận 1); khiếu nại của các hộ dân thuộc dự án Khu tứ giác Bến Thành (quận 1).

Ông Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết, việc áp dụng chính sách cho chung cư Cô Giang có sự nhập nhằng giữa cải tạo chung cư cũ với dự án thương mại. Theo ông Trần Du Lịch, chủ đầu tư còn quảng cáo trên mạng đây là mảnh đất vàng để huy động vốn và người dân cảm thấy rằng họ bị lợi dụng về chính sách.

Trả lời ý kiến đại biểu, đại diện UBND quận 1 nói đây chỉ là ý kiến của các hộ dân. Nghị quyết 34 thể hiện rõ, cải tạo xây dựng chung cư xuống cấp, trong đó có khuyến khích kêu gọi xã hội hóa đầu tư. Nhà đầu tư vừa cải tạo chung cư cũ vừa chỉnh trang đô thị thông qua thương mại. Chỗ này do dân chưa hiểu, cần tiếp xúc lại để giải thích cho người dân ở điểm này. Quận 1 đã tiếp 41 trường hợp và có 7 trường hợp tự nguyện di dời.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín giải thích: chủ trương này không phải muốn làm gì là làm được, càng không thể biến chung cư nhà dân thành nhà ở thương mại. Hiện nay, ở TP.HCM có nhiều chung cư hư hỏng, có nguy cơ sập nên việc di dời để xây dựng lại là trách nhiệm của Nhà nước, trong điều kiện ngân sách khó khăn nên phải xã hội hóa. Người dân ở đó được nhận lại căn hộ khang trang, hiện đại hơn và tối thiểu bằng căn hộ cũ của mình mà không phải trả tiền thêm. Vì thế, phải có một khoản kinh phí bù vào, nên phải tạo điều kiện cho chủ dầu tư làm lại chung cư cũ có điều kiện thu hồi vốn và có lời. “Đó là xã hội hóa chứ không có chuyện biến chung cư thành dự án kinh doanh”- ông Nguyễn Hữu Tín khẳng định.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị những điều luật, chính sách đã có thì phải giải quyết cho dân, cái nào luật lệ không cho phép mà dân chưa hiểu thì giải thích để bà con thông suốt, giảm bớt áp lực cho chính quyền các cấp. TP.HCM là địa phương có quy mô dân số ngày càng lớn nên sự phức tạp ngày càng tăng. Chính vì vậy, địa phương cần phải rà soát lại các vụ việc khiếu kiện của bà con để giải quyết dứt điểm.

Mai Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI